Cử nhân sinh học Trần Thị Hạnh Dung đang tiến hành lọc rửa tinh trùng. |
Buổi trưa, trời Sài Gòn nắng nóng, nhưng tôi gần như lạnh cả người khi bước vào khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ. Hơi ngượng khi bắt gặp những ánh mắt tò mò nhìn vào mình, tôi im lặng quan sát đọc bảng hướng dẫn. Thấy vậy, một anh ngồi gần cửa nói với tôi bằng giọng hết sức... thông cảm: “Khám nam khoa hả? Lên tầng 8 đó!”. Theo thang máy, tôi lên tầng 8.
Khác với không khí tấp nập ở tầng trệt, phòng khám nam khoa ở tầng 8 có vẻ vắng lặng hơn. Cô y tá bảo tôi ngồi đợi để được bác sĩ tư vấn. Tiếp tôi, bác sĩ Lê Tấn Cảnh thân mật hỏi thăm tình trạng gia đình, chuyện học hành, công việc của tôi, rồi ân cần hướng dẫn cho tôi quy trình hiến tinh trùng, dặn dò rất kỹ các yêu cầu. “Nếu đồng ý, có thể tiến hành ngay”, bác sĩ nói.
Và việc đầu tiên tôi phải làm là sang khu bên kia đường của bệnh viện để xét nghiệm máu. Ngày hôm sau tôi lại đến và nhận được kết quả xét nghiệm máu. Cầm kết quả, tôi lại lên tầng 8 và được hướng dẫn xuống tầng trệt để làm tinh dịch đồ.
Đó là một khu vực nhỏ, yên tĩnh, có hai căn phòng liền kề nhau. Tôi được đưa một lọ vô trùng cỡ bằng hũ yaourt có ghi tên, năm sinh của mình bên ngoài và ngồi đợi. Cùng đợi với tôi còn có vài người đàn ông nữa, mỗi người cũng cầm một lọ. Khuôn mặt ai cũng lộ vẻ lo lắng và hồi hộp. Đến lượt mình, tôi bước vào phòng “Male room”.
Ở VN, ngoài Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), Học viện Quân y 103 (ở TX Hà Đông, Hà Tây; trực thuộc Bộ Quốc phòng) cũng có ngân hàng tinh trùng.
Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện “VN chưa có bất kỳ một qui định nào về việc người cho tinh trùng phải chịu trách nhiệm về đứa con do tinh trùng mình hiến tạo ra; cũng như không có bất kỳ quyền gì với đứa con ấy và ngược lại”. |
Đó là căn phòng diện tích khoảng 10m2, có một chiếc ghế đệm, lavabo, bồn tiểu đứng, một bức tranh khổ to hình khá “mát mẻ” và bảng hướng dẫn cách lấy “sản phẩm”... Sau khi xong “nhiệm vụ”, tôi mang đến đặt ở một ô cửa nhỏ nơi phòng xét nghiệm và được hẹn hôm sau đến nhận kết quả.
Y hẹn, tôi bước vào khu xét nghiệm nam khoa nhận kết quả và mang lên tầng 8 để gặp bác sĩ. Lần này, tiếp tôi là KTV Nguyễn Thiện Thực. Sau khi xem qua toàn bộ kết quả xét nghiệm và kiểm tra hồ sơ, bác sĩ hẹn tôi vài hôm nữa đến để trữ mẫu đầu tiên.
Tôi đến khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ lần thứ ba mà vẫn không khỏi thấy ngượng. Lần này, tôi nhận lọ vô trùng ở tầng 8 và lấy mẫu cũng ở đây.
Vào phòng Male room ở lầu 8 của Bệnh viện Từ Dũ để hiến tinh trùng. |
Cũng có hai phòng liền kề nhau, tuy nhiên những “male room” ở đây có vẻ sang trọng hơn: có cửa kính màu đen, giường nệm trải drap trắng muốt, có nhà vệ sinh riêng và có máy lạnh. Sau khi “xong”, tôi mang đặt lọ “sản phẩm” của mình vào một khay và nhấn chuông.
Chưa đầy ba phút đã có một cô kỹ thuật viên bước ra nhận và bảo tôi ngồi chờ 30-60 phút để lấy kết quả. Vậy là mẫu thứ nhất đã được lưu, tôi còn phải tiếp tục đến để cho tiếp hai mẫu nữa. Ba tháng sau ngày lấy mẫu cuối cùng, tôi sẽ quay lại để kiểm tra HIV lần thứ hai.
Nếu âm tính, các mẫu của tôi sẽ được sử dụng... Sở dĩ mỗi người phải lưu ba mẫu chính là vì “chưa chắc người nhận tinh trùng của anh ngay lần đầu có thể thụ thai, mà có khi phải đến 2-3 lần”, bác sĩ Lê Tấn Cảnh giải thích.
Trong những ngày đến đây, tôi được nghe, được thấy bao niềm khấp khởi, hy vọng của những người đến xin tinh trùng. “Hy vọng nhiều lắm chứ, vì những người cho tinh trùng toàn là những người được chọn lựa kỹ lưỡng mà!”, anh M. (38 tuổi, quê ở Bình Dương, lập gia đình từ sáu năm nay vẫn chưa có con) nói.
Đúng như những gì anh M. nói, để được trữ mẫu, người hiến tinh trùng phải có chất lượng tinh trùng tốt. “Hàng VN chất lượng cao” của ngân hàng là thế. Những người đi xin đều ý thức được nguyên tắc vô danh mà ngân hàng tinh trùng đã đặt ra: người cho và người nhận hoàn toàn không biết gì về nhau.
Đối với người đi hiến tinh trùng cũng bao chuyện buồn vui mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Hôm đầu tiên tôi đến, một anh tay cầm lọ vô trùng, tay cầm xấp hồ sơ, sà xuống ngồi cạnh và nhìn tôi với vẻ đồng cảm rồi hỏi: “Đi cho hả?”.
Tôi gật đầu đại, anh vừa cầm lọ lúc lắc rồi nói tiếp: “Vô đây khó lấy chết, ở nhà dễ hơn! Đổ mồ hôi mà còn không được!”. Đó là anh X.. (26 tuổi, ở Bình Thuận), đang học liên thông tại một trường ĐH ở TP HCM.
Anh chỉ cho tôi xem xấp hồ sơ và giọng hồ hởi khi nói về viễn cảnh ai đó sẽ có được một đứa con từ “sản phẩm” của mình. Nỗi khổ “khó hoàn thành nhiệm vụ”, “trên bảo dưới không nghe” của nhiều người đi hiến dường như không phải quá cá biệt.
Có lẽ vì thế, khi nghe tôi tâm sự, nhiều người tỏ vẻ cảm thông. “Đừng có căng thẳng quá là được!”, anh T. (quận 8, TP HCM), đến lưu mẫu thứ ba, chia sẻ. Cũng có người phải ngậm ngùi ra về và không được trữ mẫu vì không đạt yêu cầu.
Ở ngân hàng này, cầu bao giờ cũng vượt cung, một người đến hiến thì lại có 2-3 người đến xin. Và dường như số mẫu tinh trùng lưu trữ tại đây vẫn hãy còn “khiêm tốn” lắm! Ngoài quy định “nguyên tắc vô danh”, hoàn toàn không có quy định nào khác về hoạt động của những ngân hàng ươm mầm sống và khát vọng có con của những cặp vợ chồng vô sinh như thế này.
Trong khi những ngân hàng tại các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Singapore… số lượng mẫu lưu trữ rất cao, góp phần đáng kể vào thành công của việc chữa trị vô sinh (do nguyên nhân từ người chồng).
... Tôi chuẩn bị rời bệnh viện khi trời đang chực đổ mưa. Nhìn cảnh anh M. cẩn thận đưa vợ ra về, chăm cho chị từng chút một sau lần bơm tinh trùng thứ hai, tôi chợt nghe lòng bồi hồi nhớ lại lời tâm sự chân thành và đầy biết ơn với ngân hành tinh trùng của anh M..
Đằng sau phòng khám hiếm muộn vẫn còn rất đông các cặp vợ chồng đang ngồi chờ...
Một số tiêu chuẩn với người hiến tinh trùng: đủ 20-55 tuổi, trình độ học vấn tối thiểu THCS, sức khỏe tốt, không mắc các bệnh di truyền và thần kinh; các xét nghiệm HIV, BW, HCV, HBsAg âm tính; tinh dịch đồ bình thường theo TCYTTG 1999, tỷ lệ tinh trùng sống sót qua trữ lạnh từ 50% trở lên. Tất cả xét nghiệm đều miễn phí hoàn toàn đối với người hiến tinh trùng (trên 200.000 đồng). Ngân hàng hiện cũng có dịch vụ lưu trữ tinh trùng theo yêu cầu. Cá nhân muốn thực hiện dịch vụ này phải chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm, đóng 150.000 đồng cho tháng lưu trữ đầu tiên và 50.000 đồng cho mỗi tháng tiếp theo. |
(Theo Tuổi Trẻ)