![]() |
Người mua thì ít, người bán thì nhiều. |
Những ngày này, việc chợ búa, cơm nước hàng ngày của bà Thu và các bà nội trợ trở nên khó khăn hơn. Đài, báo, tivi... ra rả nói về dịch tai xanh ở lợn, cúm H5N1 ở gia cầm, hải sản ướp urê, rau lớn nhờ thuốc kích thích, hoa quả ngâm tẩm hoá chất, thuốc trừ sâu, tôm cá ngậm kháng sinh, thuốc tăng trọng... Đi chợ mua đồ về để nấu cho chồng cho con ăn, vậy mà các bà nhìn đâu cũng thấy chất độc. Tâm lý bất an khiến họ thành ra chần chừ, hết nâng lên đặt xuống món hàng, lại phân vân không biết thứ này có độc lắm không... Với nhiều bà nội trợ chuyên nghiệp, việc đi chợ đang là một thú vui thì bây giờ là một gáng nặng.
Khoảng hai tuần gần đây, dịch lợn tai xanh với nguy cơ lây nhiễm khuẩn liên cầu đã khiến hầu hết các gia đình nói không với thịt lợn. Bà Thu than thở: "Thịt lợn vừa tiền, lại dễ ăn, dễ nấu nhiều món. Giờ phải chuyển qua thịt bò, thịt gà (mà phải là gà siêu thị mới yên tâm), giá đắt gấp đôi nên ngân sách gia đình bị ảnh hưởng dữ quá! Mà khổ nỗi thịt bò, thịt gà ăn nhanh chán lắm".
Bình thường, bà cứ lượn qua hàng thịt quen, bảo cô bán thịt cắt sẵn cho mấy lạng thịt, rồi đi mua rau quả... lát sau quay lại lấy thịt và trả tiền. Đợt mới nghe thấy có dịch, bà cẩn thận hơn, tận tay sờ nắn miếng thịt cẩn thận rồi mới mua, đến giờ thì thôi hẳn. Mặc cho các cô bán thịt mời mọc ời ời, bà nhất định tránh xa, không cả ghé vào chứng đừng nói gì đến xem xét, vì bà nghe nói bệnh có thể lây trực tiếp qua người ...
Tất cả các chợ lớn bé ở Hà Nội đều lâm vào tình trạng các quầy thịt lớn ê hề thịt và vắng người mua. Chị Mai, bán thịt gần 6 năm nay ở chợ Ngã Tư Sở than: "Trước dịch mỗi ngày chị bán hết gần 2 con lợn hơi. Giờ thì ế sưng ế sỉa, mời mọc bã bọt mép mà bán ba chục cân một ngày không hết. Trước chả thấy ai đòi nhìn thấy dấu tím (dấu kiểm dịch), còn bây giờ kiểu gì cũng phải giữ cái miếng da có đóng dấu ấy lại để làm chứng chứ không thì người ta chả chịu mua cho vài lạng".
Một vài quầy nhỏ trong chợ đã đóng cửa, chuyển sang buôn thứ khác. Tuy thịt lợn ế nhưng giá không hề giảm, trung bình vẫn 40.000-60.000 đồng/kg. Giá các thực phẩm khác như thịt bò, gà, tôm cá có nhích lên từ 1.000-5.000 đồng/kg. Một số gia đình cẩn thận hơn vào siêu thị mua thịt nhưng vì giá thịt lợn sạch, gà sạch quá đắt (gấp rưỡi đến gấp đôi ngoài chợ) nên cũng chỉ "chịu được nhiệt" vài ngày, sau đó lại phải ra chợ, lại chọn lựa và băn khoăn...
Nghi ngờ dần trở thành thói quen của nhiều bà nội trợ. Nhìn mớ rau nào tươi non mơn mởn là trong bụng nghĩ chắc là có thuốc "tăng phọt" và thuốc sâu. Cá biển ngày càng có ít người chọn mua vì sợ ăn phải phân đạm dùng để ướp cá. Ai mua hoa quả cũng hỏi câu đầu tiên rằng có phải nhập từ Trung Quốc không... để nhận lại câu trả lời khăng khăng của người bán là không có hoá chất gì đâu. Người đi chợ bây giờ có xu hướng chuyển sang chọn mua những thứ thuần "quê", những thứ "dại" bình thường chả ai thèm ngó ngàng như các loại rau sam, rau rệu, rau láo nháo... để tránh hoá chất; các loại cá rô đồng bé bằng hai ngón tay cũng đắt giá, tôm tép đồng tươi rói thì đúng là "đắt như tôm tươi", giá ngang ngửa với các loại tôm sú, tôm rảo loại to (100.000-120.000 đồng/kg). Các loại ốc, trai, hến, trùng trục... tuy cũng là của tự nhiên nhưng bây giờ cũng không được chuộng nhiều vì ai cũng biết sông hồ ô nhiễm nặng, chất lượng cũng không còn đảm bảo giống như rau muống nước bị nhiễm chì nặng...
Dịch lợn tai xanh tuy đang hoành hành dữ hội chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và đã có xu hướng tiến vào phía Nam, nhưng ở các tỉnh miền Bắc liên tục có thêm những bệnh nhân nặng, có người đã tử vong, những người còn lại đều phải chịu di chứng nặng nề của loại virus liên cầu khuẩn. Hình ảnh những bệnh nhân bị hoại tử từng bộ phận cơ thể, mặt mũi, thân thể tím bầm, hôn mê, viêm não... vì ăn thịt lợn đánh mạnh vào tâm lý của người tiêu dùng. Người dân có vẻ sợ thịt lợn hơn cả thịt gà hồi dịch cúm H5N1. Trong khi các cơ quan chức năng đang chiến đấu với cả dịch bệnh và những người vì lợi nhuận mà buôn bán thịt lợn chết bất chấp nguy hiểm, thì nhiều người dân cố gắng làm những người tiêu dùng thông minh để tự bảo vệ chính mình.
Tin bài liên quan
>> Người ăn rau đang bị đầu độc
>> Đào 'mồ' lợn dịch để làm nem
>> Thịt lợn ế hàng vì dịch
>> Hải sản có hoá chất, kháng sinh
>> Quýt Thái Lan tẩm hóa chất
>> Tôm, cá tươi rói nhờ urê
Minh Nguyên