Người làng hay đi thu gom những thứ đồ bị bỏ đi đó về chế tác lại thành sợi, thành len - nguyên liệu cho rất nhiều vật dụng nhỏ mọn mà thiết yếu trong gia đình thành thị, như chổi lau sàn, thảm chùi chân... Nhưng nay, Triều Khúc còn có thêm rất nhiều nghề sản xuất khác. Sáng sáng, trên đường làng, ngổn ngang những xe hàng chở nhựa, đồng nhôm, dây đồng, dây điện hỏng...
Đủ loại đồ đồng nát đó được người làng tự thu mua về hoặc người nơi khác thu mua về bán lại cho làng để gia công thành rất nhiều loại đồ gia dụng như ghế lưới, ghế mây bằng nhựa, phụ kiện máy bơm như nắp cánh, nắp gió, nắp tụ, xi nhan ô tô, mắc áo, xẻng... và hàng loạt những sản phẩm đồ nhựa, từ cái lớn như thùng đựng nước, xô, chậu, đến cái nhỏ nhặt như đĩa ăn hoa quả, khay làm đá, hộp đựng xà phòng thơm... Hàng trăm vật dụng ấy được theo các xe hàng bán rong len lỏi khắp các con phố lớn nhỏ, ngõ ngách từ thành phố đến vùng ven thị.
Xưa kia, Triều Khúc vốn là làng có nghề dệt vải, làm len, xe tơ, dệt sợi do ông tổ nghề mang từ Trung Quốc về truyền dạy cho dân. Dần dà, theo nhu cầu đời sống, người làng còn sáng tạo ra các việc như làm chân chỉ, tua bóng, tua cờ, quả cù. Những sợi tơ mỏng mảnh qua nhiều công đoạn như nhuộm, đánh ống cuốn trục và dệt. Nhờ bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, những sợi tơ dệt lụa đầu giàn buộc vào lõi gỗ đã tạo ra quả cù xinh xắn với tua dài treo lủng lẳng trong những ngày lễ tết, trong các đền, phủ và các buổi lễ hội.
Lao động vất vả, giá thành sản phẩm không cao, vậy mà dân làng vẫn làm nghề, say với nghề. Trong làng, từ xóm Cầu, qua xóm Đình vào đến xóm Lẻ và xóm Án... đâu đâu cũng có những cơ sở sản xuất với tiếng máy chạy suốt ngày đêm.
Một chuyện độc đáo là lâu nay, làng còn có một số gia đình dệt thổ cẩm để bán… ngược lên các địa chỉ vốn nổi tiếng về sản phẩm này: Sa Pa, Mai Châu, như nhà anh Lý, chị Quyển.
Làng còn có một hợp tác xã từ 40 năm qua, chuyên sản xuất ra các mặt hàng sản phẩm phục vụ cho quân đội và lực lượng vũ trang: Dệt túi vải, bao đựng tiền cho ngành ngân hàng, băng cấp hiệu, băng huân huy chương, băng cầu vai, dây mũ kêbi, dây chiến thắng... tạo nguồn lao động cho hơn 121 xã viên và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong làng.
Đến Triều Khúc một buổi sáng, lang thang qua rất nhiều toà nhà cao tầng, xen lẫn những nếp nhà cổ truyền, xen lẫn giữa tiếng máy sản xuất đủ kiểu sản phẩm, mới thấm thía được phần nào sức sáng tạo của người lao động bình dân, và thấm thía hơn về giá trị của nó khi nhìn những xe hàng nguyên liệu phế thải và sản phẩm từ nó mà ra ngược xuôi qua làng...
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)