Một phụ nữ New York đang được tiêm Botox để “cải lão hoàn đồng” |
Mũi như Ashlee Simpson, ngực như Pamela Anderson, mông như Jessica Simpson, mọi thứ đều có thể nếu có tiền. Dường như công nghệ giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) hiện đại đã thay cả tạo hóa để ban phát sắc đẹp.
Ở New York (Mỹ), nhu cầu giống người nổi tiếng đang mê hoặc phụ nữ, ít nhất cũng giống phía sau. Chi 5.000-12.000 USD cho dịch vụ đặc biệt của tiến sĩ Brad Jacob là có ngay cặp mông giống y Jessica Simpson hoặc tùy chọn Jennifer Lopez, Beyonce Knowles.
Bác sĩ Jacob nói dịch vụ này trong 2 năm qua tăng đến 200%. Theo Hiệp hội GPTM Mỹ (ASAPS), năm 2005 có đến 50,7% ca liên quan đến nâng ngực là ở độ tuổi 19-34.
Đáng chú ý là GPTM không còn là đặc quyền của phụ nữ như trước mà số nam giới làm đẹp đang tăng mạnh. Ở Mỹ, giai đoạn 2001-2005, số nam giới đi thẩm mỹ tăng hơn 700%, trong đó nhiều người ở tuổi 60, 70, có cả 80. Chỉ riêng thị trường cấy tóc đã trị giá 800 triệu USD/năm nhưng vẫn còn đầy tiềm năng do chỉ mới phục vụ chừng 2% quý ông hói ở Mỹ.
Muốn đẹp phải mổ nên thị trường thẩm mỹ cứ liên tục phát triển, mạnh nhất là ở Mỹ. Theo ASAPS, năm 2005, dân Mỹ chi đến 12,4 tỷ USD cho GPTM, với 11,5 triệu ca, trong đó 1/4 ở độ tuổi 19-34. Với đối tượng trẻ đông và chịu chi như thế, chẳng lạ khi nhiều dịch vụ thẩm mỹ tiếp thị đến tận trường học Mỹ.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Mintel ở London (Anh), đến năm 2009, dân Anh sẽ chi đến 1 tỷ bảng mỗi năm cho GPTM, gấp đôi so với con số 539 triệu bảng năm 2005.
Năm 2006 này dự báo dân Anh sẽ chi đến 659 triệu bảng cho GPTM. Tại hội nghị cuối tháng 9, BAAPS đã cảnh báo tình trạng nhiều phụ nữ bị triệu chứng tâm lý rằng mình không hấp dẫn nên cần phải đi thẩm mỹ, gây nhiều ảnh hưởng đến công việc và quan hệ xã hội.
Nhu cầu thẩm mỹ cũng gia tăng ở Trung Quốc, nhờ mức sống cao hơn, lại thêm áp lực tìm kiếm việc làm, tìm kiếm hôn nhân. Ước tính dân Trung Quốc chi đến 2,4 tỷ USD mỗi năm cho GPTM, với 1 triệu ca. Đặc biệt, nữ sinh viên Trung Quốc mỗi mùa hè tranh thủ đi thẩm mỹ để hy vọng dễ tìm việc khi ra trường. Trung Quốc hiện có hàng ngàn trung tâm thẩm mỹ. Năm ngoái, Trung tâm EverCare ở Bắc Kinh đã làm hơn 1.000 ca với 95% là nữ và trên 20% chưa đến 25 tuổi.
Không phải tất cả GPTM đều thành công. Những hình ảnh quảng cáo so sánh “trước” và “sau” giải phẫu luôn hấp dẫn, phô trương bề nổi của công nghiệp này. Thế nhưng mặt trái, những tai biến, không phải ai cũng biết trước.
Báo chí Mỹ đầu tháng 9 xôn xao khi mạng lưới GPTM “chui” chuyên phục vụ người nhập cư Brazil bị cảnh sát phát hiện sau khi cô Fabiola DePaula, 24 tuổi, chết vì sửa mũi và hút mỡ ở “thẩm mỹ viện” của bác sĩ Luiz Carlos Ribeiro ở Framingham, Massachusetts.
Cuối tháng 8 rồi, Christy Allis, 28 tuổi, ở Florida, được bồi thường 8,25 triệu USD do phải cắt bỏ cả 2 vú sau ca bơm ngực thất bại bởi bác sĩ Luciano Boemi hồi năm 2003. Ca bơm ngực đó đã làm Allis phải chịu đựng thêm 13 cuộc giải phẫu.
Hồi giữa năm, một phiên tòa tại Madrid (Tây Ban Nha) đã phạt Raul Senderowicz, bác sĩ người Argentina 3 năm tù do đã gây tử vong cho Debora Catalan trong một ca hút mỡ đầu năm 2002. Senderowicz phải bồi thường 130.000 euro cho cha và 6 anh chị em của nạn nhân.
Phim tài liệu “Plastic Disasters” nói về những thảm họa do GPTM ở Mỹ, được phát trên kênh HBO tháng 6 qua, đã gây sốc khi cho thấy mặt trái của GPTM với những “tai nạn khó tin” làm nhiều người trở nên tệ hại hơn sau khi “làm đẹp”. Như Mona, đến hút mỡ ở Trung tâm GPTM Fort Lauderdale, Florida, lại bị làm thủng ruột rồi nhiễm trùng gây tắc mạch máu do có tiền sử bệnh tiểu đường, cuối cùng phải cắt bỏ cả 2 chân.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã cấm sử dụng loại “mỡ nhân tạo” bơm ngực do Công ty Fu Hua Pharmaceutical sản xuất vì gây đau đớn cho hàng trăm người sau khi được phép bơm rộng rãi từ 5 năm nay. Scandal này cho thấy sự quản lý lỏng lẻo và thiếu y đức dễ dàng gây tai họa như thế nào.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)