![]() |
Một ca cấp cứu tai nạn giao thông đêm 18/7, tại BV Chợ Rẫy. |
Chiếc xe gắn máy chở 3 người lao ào qua cổng bảo vệ, chạy thẳng đến cửa Phòng Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM). Một người nhảy xuống, xốc vai thanh niên ngồi giữa máu me bê bết đặt lên băng ca. Sát phía sau, một chiếc taxi 7 chỗ cũng tấp vội vào. Hai người đàn ông hối hả mở cửa phóng ra, chuyển một thanh niên đầu quấn băng, tay chân rũ rượi trên taxi chuyển qua băng ca. Có lẽ bị động vào vết thương, người này la lên một tiếng rồi ngất lịm. Chiếc taxi chưa kịp đóng cửa thì một xe cấp cứu của BV Đa khoa Hoàn Mỹ cũng hú còi lao tới...
Đồng hồ chỉ 22h30 ngày 18/7. Một nhân viên phòng cấp cứu cho biết, giờ này là lúc cao điểm cấp cứu tai nạn giao thông ở BV Chợ Rẫy.
Đánh vật với tử thần
Chiếc xe của BV Đa khoa Hoàn Mỹ đưa vào một thanh niên trạc 25 tuổi; mũi, miệng, tai trào máu, nằm bất động. Người bạn đi cùng khai bệnh nhân tên Đ.V.Th., ngụ phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, trước đó 2 giờ, anh Th. chạy xe gắn máy đi ăn tối thì bị một xe khác tông bất tỉnh. Bác sĩ đưa tay thử các phản ứng trên người Th., nhưng anh hoàn toàn không biết.
Vài phút sau, cửa phòng cấp cứu bật mở. Một phụ nữ nhỏ trạc 50 tuổi lách vào, nhìn dáo dác, miệng thất thanh: “Th. đâu rồi? Đ.V.Th. nằm đâu?”. Một nhân viên nhỏ nhẹ: “Bác ra cửa sau, chờ gọi tên thân nhân”. Người phụ nữ tất tả quay ra. Đoán bà là mẹ nạn nhân, chúng tôi theo sau tìm cách gợi chuyện. Mắt ngân ngấn nước, tay cầm chiếc khăn choàng cổ cứ đè lên ngực, bà nghẹn ngào: “Tôi là cô ruột Th. Bạn nó không dám báo về cho gia đình, sợ cha mẹ Th. già yếu nghe tin chịu không nổi”. Rồi bà hạ giọng thều thào: “Cầu trời Th. không gặp chuyện gì, nếu không, cha mẹ nó cũng khó sống...”.
Chỉ khoảng nửa giờ, kể từ khi chúng tôi rời nơi cấp cứu ra cửa sau, khi quay lại thì trong phòng đã có thêm 3 người trọng thương do tai nạn giao thông. Một người đàn ông đứng tuổi đang giãy tê tê. Cạnh đó, một thanh niên trên người không thấy máu me, vết tích gì, nhưng nằm li bì, chốc chốc lại thở hắt ra. Nạn nhân là P.A.K., sinh viên, ở Thới Bình,Cà Mau, bị xe tông đêm trước, nặng quá phải chuyển lên Chợ Rẫy. Ông P.T.T., cha nạn nhân, đi chân trần, quần ống thấp ống cao dính đầy bùn đất, thất thần đến mức không nhớ cả tên địa phương đang cư ngụ. Ông cứ lắp ba lắp bắp: “Trăm sự nhờ bác sĩ... Bác sĩ ơi, trăm sự...”. Chúng tôi để ý một cậu bé chừng 15 tuổi, máu me bết đầy người, nằm bất động trên băng ca. Chú cậu bé loay hoay bên cạnh, kể: “Cháu nó đang học lớp 8. Anh em nó từ Thuận An, Bình Dương chở nhau xuống Sài Gòn chơi. Đến Bình Thạnh thì bị xe tải đụng”. Cha cậu cứ nhấp nhỏm đi tới đi lui, đưa mắt nhìn các bác sĩ như van nài...
N.T.H., học sinh, 15 tuổi, được chuyển từ Đồng Nai đến trong tình trạng dập não, xuất huyết não, mất nhiều máu và hôn mê sâu. Sau 10 phút nhập viện, bệnh nhân phải mổ khẩn. Người nhà H. cho biết, trước đó khoảng 2 giờ, sau khi chơi game từ một dịch vụ Internet, em đã chạy xe Attila ngược chiều về nhà và bị xe khác gây tai nạn. Nhiều bác sĩ tỏ ra rất phẫn nộ vì bệnh nhân chưa đủ tuổi được phép lái xe quá 50 phân khối.
Ma men - thủ phạm số 1
Một đêm ở Phòng Cấp cứu BV Chợ Rẫy, chúng tôi gặp rất nhiều nạn nhân của ma men. Bé L.L.A.K, 6 tuổi, được chuyển từ BV Bình Dương đến trong tình trạng mất nhiều máu, vết thương cổ sâu khoảng 3 cm, chân phải bị gãy.
Người nhà K. kể, chiều cùng ngày, khi bé đang chơi trước nhà thì bị một người say rượu đi xe máy tông ngã. Các bác sĩ chụp X-quang ngay phòng cấp cứu và quyết định mổ khẩn cấp cho K. vì bé mất quá nhiều máu. Ba K. lộ vẻ bàng hoàng khi nghe bác sĩ giải thích nguy cơ bé có thể tử vong hoặc biến chứng liệt nửa người sau mổ, tay run run ký vào biên bản. Bé K. vẫn tỉnh táo, luôn miệng hỏi: “Bác sĩ ơi, vậy con có được thở nữa không?”.
Khi được đưa tới BV Chợ Rẫy, ông Tr.N.H., 43 tuổi, ở quận 8, TP HCM bị chấn thương đầu đã mê man, người nồng nặc mùi rượu. Vợ ông than vãn: “Ổng đi xe đạp băng ngang qua Quốc lộ 50 thì bị một xe máy đâm vào”.
Rất nhiều nạn nhân chưa biết tên bị tai nạn giao thông được đưa đi cấp cứu cũng trong tình trạng “quắc cần câu”. Lúc 0h15 ngày 19/7, chiếc xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận Bình Tân đưa đến một người đàn ông người đầm đìa máu đã bất tỉnh. Người theo vào là anh Liêu Chí Cường, ngụ khu Chợ Thiếc, quận 11. Anh Cường xoay lưng cho xem chiếc áo bị rách toạc, lộ ra một vết bầm kéo dài, ấm ức: “Tôi đang đạp xích lô chở hàng thì ông này say rượu chạy bạt mạng phía sau tông vào lưng rồi té mê man luôn. Sợ ông ta chết, tôi phải vất xe đưa đi cấp cứu”.
Chưa đến 1h sáng, sổ tay của phóng viên đã ghi gần 30 vụ tai nạn giao thông đưa đến cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Nạn nhân đủ mọi lứa tuổi, đủ dạng chấn thương, nhẹ thì gãy chân, tay, nặng thì hôn mê. Nhiều nhất vẫn là các trường hợp say xỉn hoặc chưa đến tuổi lái xe gây tai nạn. Giờ cao điểm, từ 21h đến 1h sáng hôm sau. Phạm Hoàng Anh Đức, nhân viên phòng cấp cứu, bảo: “Chưa đâu, mấy ngày lễ, tết, cuối tuần còn kinh hoàng hơn, nạn nhân nằm tràn ra đầy hành lang”.
Chạy xe có quyền... té!Khoảng 1h sáng, một chiếc taxi lao vào. Cửa xe vừa bật mở, nhiều người giật mình vì tiếng cô gái khóc thét lên: “Gọi mẹ tới đi, gọi mẹ...”. Một thanh niên tay chân trầy trụa đỡ cô gái mặt sưng húp đầy máu, mắt nhắm nghiền lảo đảo vào phòng cấp cứu. Cô gái vẫn không ngừng la khóc, vừa kêu đau đầu, vừa gọi cha mẹ toáng lên.
Sau khi vất vả dìu được cô ta lên giường bệnh, bác sĩ dịu dàng: “Cô tên gì?”. Cô gái thét lên: “Tôi tự biết tên tôi mà!”. Bác sĩ vẫn kiên nhẫn: “Sao cô bị thế này?”. “Té xe”. “Biết té xe rồi, nhưng sao té?”. Im lặng. “Có say rượu không?”. Im lặng. “Có đua xe không”. Im lặng. Người thanh niên đứng bên lè nhè: “Tự té không được hả? Ai cấm chạy xe không được quyền té?”.
(Theo Người Lao Động)