1. Khi tay có hiện tượng ngứa, mẩn đỏ, rát, cần phải kiểm tra ngay xà phòng hoặc nước rửa chén mà bạn vừa sử dụng. Có thể đó là sản phẩm kém chất lượng, hoặc lần cuối cùng sử dụng chúng bạn tráng tay không kỹ.
2. Khi giặt tay hoặc cọ rửa đồ dùng cáu bẩn với thuốc tẩy nên dùng bao tay cao su.
3. Sau khi tiếp xúc với chất tẩy rửa bếp ga hoặc toilet mà quên không đeo bao tay, nên ngâm và rửa tay trong dung dịch nước có hòa tan iod không màu, để chặn sự phát triển của các vi khuẩn.
4. Sau một ngày tiếp xúc nhiều với nước và bột giặt, da tay trở nên khô cứng nên xoa một lớp kem dưỡng nhờn lên mặt trên và dưới bàn tay, chú trọng các kẽ ngón. Có thể thay thế bằng son dưỡng môi.
5. Sau khi giặt và rửa chén đĩa cần rửa kỹ lại tay bằng nước rửa tay có thành phần dưỡng (có bán ở các siêu thị).
6. Trước khi ra ngoài cần bôi kem dưỡng cho da tay, đeo bao tay vào mùa nắng.
7. Với trường hợp da tay quá khô sần, buổi tối trước khi đi ngủ bôi một lớp kem dưỡng thật dày, rồi đeo bao tay (may bằng chất liệu nhẹ thoáng). Sau vài đêm da tay sẽ mềm mại khác thường.
8. Nếu thấy các kẽ ngón xuất hiện mụn nước gây ngứa cần tránh tiếp xúc với bột giặt. Mụn nước có thể là biểu hiện của da dị ứng, cũng có thể là bệnh ghẻ nước (khi gặp nước bẩn hoặc lây nhiễm), trong mọi trường hợp cần bôi thuốc ghẻ ngăn chặn lây lan, sau đó mới bôi kem dưỡng.
9. Nếu da tay bị mỏng đi, mẩn đỏ hoặc quá ngứa cần đi khám bác sĩ da liễu ngay.
10. Với làn da quá mẫn cảm nên hạn chế vầy nước và chất tẩy rửa, nên sắm máy giặt và máy rửa bát. Không rửa tay với nước lạnh, tránh tiếp xúc với nước quá nóng.
(Theo Mỹ Phẩm)