Học sinh trường Lê Quý Đôn trong ngày khai trường. |
Đặc biệt sau mỗi lá đơn đều đứng danh một con người cụ thể, kèm theo những bằng chứng thể hiện những cuộc thỏa thuận trị giá hàng ngàn đô la cho mỗi em học sinh không đủ điểm hoặc trái tuyến muốn xin vào trường.
Bà Phạm Thị Phương Hoa, ngụ phường 13, quận Tân Bình, TP HCM, đã kể bằng giọng chắc nịch: "Niên học 2003-2004 tôi có hai đứa con tên là Trần Việt A. và Trần Lan A., các cháu thiếu điểm vào trường Lê Quý Đôn. Lúc đầu, tôi định xin vào trường Marie Curie nhưng bác ruột của cháu là bà Nguyệt nói có bạn thân tên Hòa đang dạy học ở trường Lê Quý Đôn và giới thiệu tôi gặp cô Hòa. Tôi đã đến nhà cô Hòa hỏi và cô Hòa nói: "2 đứa 48 triệu lãnh đạo mới nhận vào trường". Tôi hẹn ngày hôm sau quay lại đưa tiền và tôi đã đưa cho cô Hòa đủ 48 triệu đồng, trường hợp cháu Lan A. không phải là thiếu điểm, chỉ khác tuyến nên giá là 1.000 USD, còn lại là tiền lo cho cháu Trần Việt A. Niên học 2003-2004, cháu Việt A. được xếp vào lớp 10A và tôi làm chi hội trưởng chi hội phụ huynh của lớp, Hội phó hội phụ huynh của trường. Theo tôi biết thì lớp của cháu Việt A. sĩ số khoảng 50 học sinh, hầu hết là những trường hợp thiếu điểm, ngoại lệ, xin vào do quen biết. Sau khi cháu Trần Việt A. học được khoảng 1 tháng thì gia đình tôi lục đục, tôi và chồng tôi chia tay nhau nên cháu bị "sốc", bà Hòa tìm gặp tôi nói trường muốn đuổi nó. Sau đó, bà chị chồng tôi lại nói với tôi là có đưa cho bà Hòa 30 triệu đồng để không bị đuổi".
Theo bà Hoa, khi học hết lớp 11, do không đi học hè nên con trai bà đã bị đuổi học, phải xin sang trường khác. Bà Hoa đã nhiều lần gặp cô Hòa để đòi lại số tiền 30 triệu đồng nhưng không được. Đồng thời, bà Hoa cũng trực tiếp gặp một người trong ban lãnh đạo nhà trường để tố cáo sự việc nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía người này.
Những lời tố cáo của bà Hoa dù nội dung rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa đủ tính thuyết phục nếu như không gặp được bà Nguyễn Thanh Hằng (nguyên là giáo viên dạy môn Văn trường Lê Quý Đôn từ năm 1984 đến năm 2001, đang dạy tại trường PTTH Marie Curie) và bà Thanh Tâm, một trong những phụ huynh đã định đưa con em mình vào học trường Lê Quý Đôn...
Lần này, bị tố cáo không chỉ là lãnh đạo nhà trường, cô giáo tên Hòa mà còn có cả những người khác như: cô giáo tên S.T, cô giáo Q.H. tất cả những tình tiết của các lá đơn tố cáo cho thấy đang có một đường dây chuyên "chạy trường", theo trình bày của những người tố cáo, đang tồn tại, hoạt động tại trường PTTH Lê Quý Đôn, với giá cả cho từng trường hợp hẳn hoi. Kèm theo các lá đơn là những đĩa ghi âm được chép lại từ những cuộc điện đàm, trao đổi về giá cả cho từng trường hợp xin vào học ở Lê Quý Đôn giữa một người tên Hòa và bà Thanh Tâm cùng một phụ huynh khác.
Theo bà Thanh Tâm, năm học 2006-2007, trường PTTH Lê Quý Đôn lấy điểm chuẩn là 37 điểm, nhưng nếu học sinh có 2.000 USD thì dù dưới 37 điểm vẫn cứ vào học được, còn dưới 35 điểm thì phải có 2.500 USD, thậm chí chỉ 31-32 điểm cũng vẫn vào học được, nếu có tiền. Ngoài ra, những năm trước còn được mở lớp hệ B, cứ một em học sinh trái tuyến dưới điểm chuẩn muốn vào học thì chi 1.000 USD.
Còn cô giáo Nguyễn Thanh Hằng cho biết, năm 1998, trước những sai phạm của lãnh đạo nhà trường về nhiều vấn đề, như tăng tiết dạy thêm, chi thu quỹ phụ huynh, bè phái nội bộ, lộng quyền trong công tác cán bộ, mờ ám trong tổ chức thi tuyển lớp 10 cô đã viết đơn báo cáo cho Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM lúc bấy giờ là ông Trương Song Đức. Thế nhưng sau đó 4 tháng, cô Hằng nhận được quyết định kỷ luật. Trong khi bao nhiêu năm công tác, cô chưa bao giờ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tiếp theo đó, cô Hằng bị thuyên chuyển công tác đi trường khác cho dù vẫn công tác tốt trong thời gian bị kỷ luật 1 năm. Chưa dừng lại ở đó, cô Hằng còn bị một số người dùng nhiều chiêu độc như viết thư nặc danh, nói xấu, cô lập trước phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp.
"Họ đã tạo đường dây ê-kíp ăn tiền của phụ huynh muốn cho con em vào học trường Lê Quý Đôn với những trường hợp thấp hơn điểm chuẩn. Chiêu làm ăn còn mở rộng ra nhiều thủ thuật làm tiền phụ huynh như chuyển lớp, thiếu điểm học tập tất cả họ đều quy thành tiền lấy của phụ huynh 500 nghìn, 1 triệu, 2 triệu... lên đến 20-30 triệu đồng một lần cho 1 học sinh. Trong 10 năm từ 1996 đến nay, thử hỏi thu nhập bất chính ấy là bao nhiêu?", cô Hằng bức xúc nói.
Cô giáo Nguyễn Thanh Hằng còn nói nhiều nữa về những trăn trở của cô trong ngành giáo dục nói chung và trường PTTH Lê Quý Đôn nói riêng.
Đáng chú ý là 2 trường hợp mà cô biết về cách "làm ăn" của một người trong ban lãnh đạo nhà trường: Năm học 1995-1996, cô S.T. nhận 600 USD của một em học sinh tên A. (ngụ tại quận Phú Nhuận, TP HCM) để chuyển từ lớp thường sang lớp chọn; Năm học 1999-2001, lãnh đạo nhà trường đã nhận một học sinh điểm thi chỉ đạt 47 điểm trong khi điểm chuẩn là 74 điểm, là trường hợp học sinh N. ở quận 3. Sau đó vài tháng, học sinh này không theo nổi chương trình nên đã bị đề nghị chuyển trường và không được trả lại tiền. Theo cô Hằng thì số tiền là hơn 20 triệu đồng.
Chiều 23/8 liên hệ qua điện thoại với bà Trần Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường xin sắp xếp một cuộc gặp gỡ để trao đổi nhưng đã bị từ chối, dù đã nói rõ nội dung muốn trao đổi.
Không kết luận về nội dung các lá đơn tố cáo và các cuộc điện đàm đã được ghi âm giữa những người trong cuộc và một người nữ tên Hòa, được những người tố cáo khẳng định là cô Hòa. Tuy nhiên, bởi sự việc rất nghiêm trọng, đơn tố cáo có người đứng tên đã được phát đi thì hậu quả pháp lý đã phát sinh, đòi hỏi cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc. Nếu những cá nhân ở trường Lê Quý Đôn trong sạch nhưng bị dựng chuyện vu khống thì họ cần được giải tỏa sớm. Ngược lại thì phải được xử lý nghiêm minh để trả lại sự trong sáng cho môi trường sư phạm.
(Theo Thanh Niên)