Buổi đấu giá dự kiến diễn ra trong tháng 3, do Phòng Tài chính – Kế hoạch, thuộc UBND huyện Hương Sơn, chủ trì. Đơn vị này đang phát thông báo để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ tham gia.
"Sau khi đấu giá thành công, những người có công phát hiện và trục vớt cây gỗ sẽ được trích phần trăm theo Nghị định 29/2018 của Chính phủ", ông Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, nói.
Trước đó, tháng 7/2019, trong lúc đi mò cua, anh Chung và Hạnh (trú xã Sơn Hồng) phát hiện cây khô dài 13 m, đường kính 70 cm cắm sâu dưới lòng suối nên thuê người cùng máy móc đến trục vớt lên bờ.
Chính quyền địa phương sau đó đến lập biên bản, tạm giữ cây vì cho rằng đây là gỗ quý, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Nhà chức trách sau đó xác định đây là cây gỗ lim, khoảng 100 tuổi.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng, cho biết cây gỗ lim đang được bảo quản tại trụ sở xã. "Trong hai tháng đầu, chính quyền phải cử hàng chục cán bộ gồm công an, kiểm lâm bảo vệ cây để tránh mất cắp. Thời điểm này không còn phải cử người túc trực như trước, vì người dân đã ý thức được vấn đề", ông Nam nói.
Nghị định 29/2018 của Chính phủ quy định:
Tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, không phải là tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia có giá trị tài sản lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản), sau khi trừ chi phí bảo quản thì tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở.