Với khoảng 13.000 việc làm đang bị đe dọa và khoản lỗ ước tính 350 triệu bảng Anh (467 triệu USD) của Arcadia, nhà bán lẻ thuộc sở hữu của tỷ phú Philip Green cuối cùng cũng nộp đơn xin phá sản hôm 30/11, đánh dấu sự sụp đổ của đế chế thời trang đã thống trị thị trường bán lẻ Anh trong hai thập kỷ qua.
Sự sụp đổ của Arcadia khiến doanh nhân Philip Green, người từng được Nữ hoàng Anh, các Thủ tướng Tony Blair và David Cameron, phong tước hiệp sĩ và sánh vai với những ngôi sao hạng A như siêu mẫu Kate Moss và diễn viên Sylvester Stallone, lại bị chỉ trích là "bộ mặt không thể chấp nhận được của chủ nghĩa tư bản" với bản tính "tham lam, ích kỷ".

Tỷ phú Philip Green, người được mệnh danh là fat-cat tycoon. Ảnh: Reuters.
Ông trùm bán lẻ Philip Green theo học tại trường nội trú Carmel College ở miền nam nước Anh, nhưng bỏ học năm 16 tuổi. Sau đó ông nhận được hỗ trợ bởi một khoản vay từ gia đình và bắt đầu con đường kinh doanh bằng việc buôn bán vải vụn ở London.
Trong suốt hai thập kỷ, ông trùm thời trang 68 tuổi này đã gây dựng đế chế bán lẻ thời trang gồm các thương hiệu nổi tiếng như Topshop, Miss Selfridge và Dorothy Perkisn, Evans và Wallis, thống trị thị trường Anh và gây dựng khối tài sản hàng tỷ bảng Anh thông qua loạt thương vụ mua lại. Green đã mua chuỗi cửa hàng bách hóa BHS với giá 200 triệu bảng Anh vào năm 2000, sau đó là Arcadia với giá 850 triệu bảng Anh hai năm sau đó và hai lần cố gắng mua Marks & Spencer nhưng đều thất bại.
Thương hiệu hàng đầu do Green nắm giữ là Topshop, hãng thời trang được thanh thiếu niên và những người yêu thích thời trang giá rẻ ủng hộ. Năm 2009, ông đưa thương hiệu này sang Mỹ, mở một cửa hàng lớn ở New York. Khi ông bán 25% cổ phần của Topshop cho công ty Mỹ Leonard Green & Partners vào năm 2012, thương hiệu này được định giá tới 2 tỷ bảng Anh.
Tuy nhiên một loạt những sai lầm trong kinh doanh khiến đế chế của ông Green bị phá sản, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân của một doanh nhân đại diện cho thế hệ tài năng trong mắt công chúng. Cú đánh mạnh vào danh tiếng của Green đến vào năm 2015 khi ông bán BHS cho một tập hợp các nhà đầu tư ít tên tuổi, bao gồm cả Dominic Chappell đã phá sản, với số tiền danh nghĩa là 1 bảng Anh. Một năm sau, BHS ngừng hoạt động kinh doanh, 11.000 việc làm bị mất và một khoản lỗ 571 triệu bảng Anh trong quỹ lương hưu.
Trước đó vào năm 2005, khi Arcadia trả cho vợ của Green là Tina, khoản cổ tức 1,2 tỷ bảng Anh - một trong những khoản cổ tức lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Anh - một số người đã chỉ trích khoản thanh toán này. Sau sự sụp đổ của BHS, các nhà lập pháp gọi Green là "bộ mặt không thể chấp nhận được của chủ nghĩa tư bản", rằng lòng tham và sự coi thường trong quản trị công ty của vị doanh nhân đã dẫn đến sự sụp đổ của chuỗi bách hóa này. Họ kêu gọi tước bỏ phong hiệu hiệp sĩ của Green, trong khi truyền thông chỉ trích ông là một "fat-cat tycoon" (mô tả một người giàu có, tham lam).

Tỷ phú Philip Green chụp hình cùng nữ ca sĩ Beyoncé và siêu mẫu Cara Delevingne. Ảnh: USA Today.
Sau khi cơ quan quản lý lương hưu truy cứu khoản lỗ 571 triệu bảng Anh trong quỹ lương hưu của BHS, Green đã chi trả 363 triệu bảng Anh vào năm 2017 để giúp lấp khoản lỗ này. Nhưng danh tiếng của ông vẫn không thể lấy lại được và càng hoen ố khi bị nêu tên trong các cáo buộc quấy rối tình dục với nhân viên Arcadia.
Ở mảng bán lẻ thời trang, các thương hiệu thuộc sở hữu của Green đã không thể thích ứng với thay đổi nhanh chóng của các xu hướng và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Zara, H&M và Primark. Arcadia của Green cũng đã thất bại trong việc phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến hiện thống trị toàn cầu. Các thương hiệu Topshop, Topman, Dorothy Perkins, Wallis, Miss Selfridge, Evans, Burton và Outfit thuộc sở hữu của Arcadia có hơn 500 cửa hàng vào năm ngoái nhưng đã phải tái cơ cấu lại sau khi lượng khách hàng giảm sút. Covid-19 bùng phát vào năm nay đã khiến nỗ lực tái cơ cấu cuối cùng của Arcadia thất bại khi hàng loạt cửa hàng bị đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội.
Sự sụp đổ của Arcadia là một đòn cay đắng đối với Green, người từ lâu đã tự hào về sự nhạy bén về tài chính của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào năm 2012, vị doanh nhân này đã rút ra một tờ tiền 50 bảng Anh từ trong túi quần của mình và nói: "Tôi thích nói về những điều tôi hiểu hơn. Và đây là tiền".
Dù đế chế bán lẻ Arcadia sụp đổ, Green vẫn có cuộc sống xa hoa khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ông hiện sống tại Monaco, quê hương của giới siêu giàu, thường bị các tay săn ảnh chụp với siêu du thuyền Lionheart trị giá 100 triệu bảng Anh. Doanh nhân này thậm chí từng thuê Beyonce biểu diễn tại quán bar của con trai mình.
Sơn Nam (Theo Reuters)