Mặc dù bên ngoài, trời mưa và lạnh nhưng phiên tòa thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân, nhất là những người sống cùng khu phố với vợ chông bị cáo Đức - Phương. So với thời gian bị bắt trước đó, đôi vợ chồng này nhìn không khác mấy và không bị suy sụp như nhiều người phỏng đoán.
![]() |
Ông Đức đứng ra nhận tội cho vợ. |
Cậu con trai đang học cấp 3 hôm nay cũng đến tham dự phiên tòa. Cậu ít nói, mắt luôn đăm đăm lên phía vành móng ngựa, nơi bố mẹ đang đứng. Lực lượng công an bảo vệ không cho cậu đến gần bố mẹ khi hai người được dẫn giải vào phòng xử án. Thỉnh thoảng bà Phương ngoái ra phía sau mình để được trông thấy cậu con trai sau mấy tháng bị tạm giam. Lúc ngoái xuống tìm hình bóng con, người ta thấy đôi mắt ấy cũng chứa đựng tình cảm yêu thương của một người mẹ, một người đàn bà.
Trong khoảng 10 năm giúp việc tại quán phở của vợ chồng Đức (sinh năm 1963) –Phương (sinh năm 1962, trú tại số nhà 24, ngõ 108B, tổ 3, cụm Tó, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), em Nguyễn Thị Bình (tên thật là Nguyễn Thị Thông, sinh năm 1983, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ được nuôi ăn ở, mà không được trả lương. Hàng ngày, Bình phải dậy từ 4h sáng để dọn hàng, phục vụ việc bán phở, đến 14h chiều dọn hàng về, sau đó tiếp tục dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo...
Ngoài ra, Bình không được tiếp xúc nhiều với xã hội, không được học hành, không được xem tivi, mỗi khi mắc lỗi đều bị chửi mắng, đánh đập. Theo giám định của Viện Pháp y Quốc gia kết luận: Bình không có biểu cảm khi tiếp xúc, toàn thân có 424 vết sẹo, có nhiều vết da sậm màu, hậu quả của tổn thương tụ máu ở da và dưới da... Tổng hợp, sức khỏe bị suy giảm do thương tích gây nên là 34%. Liên quan đến phần bồi thường dân sự, Nguyễn Thị Bình đã yêu cầu vợ chồng Phương - Đức phải trả tiền công giúp việc tính từ khi Bình 16 tuổi (12/8/1999 - 20/10/2007) mỗi tháng là 300.000 đồng, tổng số tiền là 28,8 triệu đồng.
Ngay phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Bình đã khiến HĐXX và nhiều người chứng kiến bị bất ngờ khi HĐXX hỏi Bình có ý kiến gì đối với thành phần tham gia tố tụng không thì Bình quay sang từ chối vị luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí cho mình tại phiên tòa, khiến cho vị luật sư này phải "ngồi chơi, xơi nước" trong suốt cả buổi.
![]() |
Điều làm người tham dự phiên tòa bất ngờ là Bình từ chối luật sư biện hộ miễn phí cho mình. |
Chiếm phần lớn thời gian xét hỏi sáng 21/1, HĐXX đã tập trung thẩm vấn hành vi vi phạm của Trịnh Thị Hạnh Phương. Bị cáo Phương thừa nhận đã nhiều lần đánh em Bình, với số lần đánh còn nhiều hơn chồng. Cụ thể, Phương đã chửi mắng, dùng roi tre, thanh gỗ đánh vào người em Bình. Phương khai đã nhiều lần chứng kiến chồng đánh em Bình, dùng kìm kẹp vào mạng sườn mỗi khi em làm điều gì đó không vừa ý ông chủ. Tuy nhiên, Phương không thừa nhận về việc đã dùng chân đi sục đá vào chỗ kín của bị hại. Nguyên nhân của những những trận đòn roi này được Phương nhiều lần giải thích là do "bị ức chế" vì Bình có thái độ láo, vô lễ.
Nhất là có lần Bình dọa bảo bỏ đi, Phương tức tối vì bao nhiêu công lao nuôi con bé lớn, nay nó lại "vô ơn" đòi bỏ đi, nên đã lấy dây điện "tẩn cho con bé một trận". Một lần, nghe người ăn phở bảo Bình ăn cắp 50.000 đồng gửi ở chỗ bà bán rau trong chợ, bà Phương tức tối, gạn hỏi Bình nhưng em không nhận. Tức quá, không làm gì được, bà chủ quán phở để em Bình ăn cơm tối xong rồi mới “hỏi chuyện”. Giữa tối đêm giá lạnh của thời tiết tháng 2/2007, bà Phương bắt Bình cởi hết quần áo và quỳ ở góc nhà từ 22h đến 0h, đến khi nào em chịu nhận lấy tiền mới tha.
Người đàn bà này nhẫn tâm hơn khi bản thân mình thì ngồi trong chăn ấm, để chờ Bình nhận tội đã ăn cắp tiền mới cho mặc quần áo đi ngủ. Lần đó, bà ta ngồi trong màn theo dõi xem Bình có "ăn năn, nhận lỗi" không nhưng không thấy Bình có động thái gì. Một lần khác, Phương dùng muôi múc nước phở nóng hắt vào người Bình giữa chợ, để "răn đe, dạy Bình cho ngoan hơn" nhưng đã được mọi người xung quanh can ngăn...
Bức xúc trước hành vi của bị cáo Phương, vị hội thẩm nhân dân đã hỏi: Bị cáo cũng là người phụ nữ, là người mẹ, liệu có nỡ ra tay đánh con cái mình như thế không? Thì Phương vẫn một mực ngoan cố: Con của bị cáo không láo và hư như Bình, nên bị cáo sẽ không bao giờ đánh như thế. Việc đánh Bình chẳng qua chỉ là do bị "ức chế" và để dạy dỗ cho Bình ngoan, chăm chỉ làm việc hơn. Song cuối cùng, Phương vẫn buộc phải thừa nhận: khi đánh Bình thì thấy bình thường, nhưng khi bị bắt, bị đưa ra xét xử rồi mới thấy hành vi của của mình là sai, là vi phạm pháp luật.
![]() |
Người "giải cứu" em Bình có mặt từ sáng sớm, ngồi ngay hàng ghế trên cùng trong phòng xử. |
Rất nhiều người chứng kiến phiên tòa tỏ ra bất bình trước thái độ của bà Phương khi nghe bị cáo khai nhận hành vi hành hạ em Bình một cách “lạnh lùng”. Bản thân bà ta đánh em Bình nhiều hơn chồng mình. Nhìn đống dụng cụ gồm kìm điện, dây điện, gậy, dây bàn là… trên bàn trước vành móng ngựa, Phương nhận đó là những thứ mà hai vợ chồng dùng để "dạy" Bình trong suốt 10 năm trời.
Khi hỏi đến ông Đức, bị cáo này cũng thản nhiên khai rằng, vớ được gì là đánh Bình. Ông ta đang sửa chữa điện, sẵn cái kìm trong tay, kẹp luôn vào lưng và sườn cô gái. Cũng có lúc, tức Bình, thấy em đang phơi quần áo, ông Đức liền lấy cây gậy gõ vào mu bàn chân em. Theo khai nhận của ông ta, vào khoảng cuối năm 2006, đầu năm 2007, Bình bị đánh nhiều nhất.
Cũng như vợ, bị cáo Đức một mực cho rằng, bản thân hành động vậy là để dạy dỗ Bình nên người. Tại tòa, trong khi vợ đã nhận mọi hành vi về việc hành hạ em Bình, ông Đức nhận mọi trách nhiệm về mình, chỉ bị cáo đánh còn vợ chỉ phạt như phạt đối với con cái trong nhà. Nhưng điều làm cả khán phòng “choáng” là khi ông Đức nói rằng, biết hành vi của mình phạm pháp song “tôi chấp nhận vi phạm pháp luật để có một đứa cháu ngoan, biết làm ăn”.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn bị hại.
Việt Dũng