
Xe 2 cầu là sự lựa chọn số một của dân xây dựng.
Dải xe mà các chủ thầu, kiến trúc sư lựa chọn khá phong phú. Các loại xe đa dụng, xe địa hình hoặc bán tải như Ford Ranger, Escape, Everest, Toyota Zace hoặc Mitsubishi Pajero... là chọn lựa của những người thường đi công trường, đặc biệt là các công trường ở xa. Một số kiến trúc sư, chủ thầu lại chọn những chiếc sedan bình thường.
Kỹ sư Quách Minh, 37 tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1991, hiện làm ở công ty xây dựng Bình Định, đang sở hữu một chiếc Ford Escape 3.0 nói: "Xe đầu đời của tôi là chiếc Mazda Premacy 7 chỗ, máy 1.8. Nói thật, nó có vẻ không được phong trần như nghề của mình. Đi chừng hai tháng, tôi chuyển sang một chiếc Escape 3.0 và dùng tới nay đã 3 năm. Chiếc Escape này tôi mua lại của một đồng nghiệp ở công ty Kiến Á, có thêm dàn âm thanh thuộc loại chiến".
Kỹ sư Minh Tuệ, tốt nghiệp địa chất công trình Đại học Bách khoa năm 87, hiện thường xuyên phải có mặt ở các công trình thuỷ điện cũng đã qua vài lần đổi xe. Ban đầu anh chọn chiếc Uaz của Nga vì nó hợp với... túi tiền của anh và vùng đất Lâm Đồng. Ở đó, chiếc Uaz không máy lạnh tỏ ra rất ấm cúng và trước những ổ gà, ổ voi, các xe khác phải tìm đường vòng thì Uaz vẫn "nuốt" được. Nhưng Uaz có khuyết điểm là không có dàn âm thanh. Về thành phố, nó cồng kềnh và không "oách". Nhiều người bạn có xe đời mới láng coóng chê anh Tuệ khi anh đem xe Uaz đi ăn tiệc ở thành phố là dùng "chiếc xe làm xấu cả đội hình". Giải quyết khâu này, anh Tuệ đổi qua một chiếc sedan Daewoo hàng nhập. Nhưng chiếc Daewoo chỉ đi lại được ở những chỗ "đường đã là đường". Mà ở các công trường thì có rất nhiều đoạn "đường chẳng ra đường". Anh lại đổi xe và cuối cùng "dừng lại" với chiếc xe Mitsubishi Pajero 3.0 hai cầu, bảy chỗ. "Loại xe này vừa dã chiến vừa sang trọng. Đi công trường chẳng sợ gì. Ở công trường về, chỉ cần rửa xe, hút bụi sạch sẽ là có thể đi dự đám cưới, đứng trong đội hình cũng oách như ai", anh Tuệ nói.
Theo kỹ sư Quách Minh, "xe của nghề" chắc chắn phải là xe hai cầu, gầm cao và nhìn dáng phải "phong trần" một chút. Kỹ sư Minh giải thích: "Có những nơi người ta mới san lấp mặt bằng, chưa có đường hoàn chỉnh mình đã phải tới, vì vậy xe có gầm cao mới hợp. Lúc trước tôi chỉ có vài công trình thì đi xe máy vẫn được. Còn bây giờ đến hàng chục công trình, cả ở thành phố, cả ở tỉnh, nếu đi xe máy thì không xuể". Kỹ sư Minh tự lái với lý do: "Tôi đi nhiều, la cà nhiều, tôi không thể chịu được cảnh lúc nào cũng có người ngồi chờ mình. Hơn nữa, lái xe cũng là cái thú. Lúc đưa gia đình đi chơi, nếu có tài xế thì không khí gia đình sẽ mất tự nhiên".
Chỉ tính việc phải chở những bản vẽ khổ A0 đã thấy tiện lợi của xe hơi rồi. Ông Hoàng Gia Lộc, người chủ thầu thường xuyên thi công cùng một lúc gần 20 căn nhà nói: "Chiếc Altis là văn phòng của tôi. Không có chiếc xe không thể giải quyết nổi công việc. Công trình của tôi nằm rải rác ở cả 4 hướng của thành phố. Sáng ra, leo lên xe, tôi đưa cho tài xế lịch trình của ngày và bắt đầu rong ruổi. Tới mỗi công trường, tôi kiểm tra tiến độ, đôn đốc công việc và xem xét các vấn đề kỹ thuật. Nếu có gì cần trao đổi, khi lên xe, mở bản vẽ ra rồi dùng điện thoại làm việc với các kiến trúc sư, các nhóm thợ chuyên. Cứ vậy, ngày nào cũng như ngày nào, thời gian ở trên xe là chính. Làm tài xế cho chủ thầu như tôi bảo đảm là cực hơn lái xe cho các thủ trưởng ở cơ quan nhà nước. Công việc như vậy mà dùng xe gắn máy thì chỉ có thể làm được 2-3 công trình là hết sức".
So với nhiều chiếc xe gia đình hoặc xe của công chức thì "xe của nghề" dù tự lái hay có tài xế đều có số kilômét lăn bánh thuộc loại cao. Xe lăn bánh 3.000 - 4.000 km/tháng là chuyện bình thường. Kỹ sư Quách Minh nói: "Người ta nói chiếc Escape 3.0 của tôi uống xăng nhiều lắm. Thực tế, tôi chẳng bao giờ để ý đến tiền xăng mà chỉ quan tâm là có được việc hay không. Bây giờ mà không có chiếc xe để đi công trường thì chỉ có nước bó tay".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)