Chủ nhật, 8/8/2021, 14:26 (GMT+7)

Đàn voọc quý hiếm dễ quan sát ngoài tự nhiên

Quảng NamSáu gia đình voọc chà vá chân xám khoảng 68 con ở huyện Núi Thành sẽ được chính quyền mua đất mở rộng môi trường sinh sống.

Những ngày hè này, từ sáng sớm, đàn voọc chà vá chân xám leo lên đỉnh những ngọn cây tự nhiên ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành ăn lá non.

Voọc chà vá chân xám có tên khoa học Pygathrix cinerea, là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực Trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

Hiện cả nước có khoảng 1.500 đến 2.000 cá thể thuộc danh sách loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.

Theo người dân địa phương, trước đây rừng tự nhiên bao phủ nhưng sau đó cây gỗ keo tràm mang lại giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân phá rừng để lấy đất trồng. Bốn khu vực còn sót lại là núi đá dựng đứng, trồng cây chậm phát triển nên người dân không chặt bỏ. Rừng tự nhiên bị thu hẹp nên voọc co cụm về đây sinh sống.

Trong rừng tự nhiên sót lại là nhiều cây bụi, cây dây leo, ít cây gỗ lớn. Nguồn thức ăn cạn kiệt, song hàng chục năm qua voọc không di chuyển đi nơi khác. Trước đây, đàn voọc có hàng trăm con nhưng bị săn bắt nên số lượng giảm dần. Năm 2017, chính quyền có nhiều biện pháp bảo vệ.

Ba con voọc ngồi vắt vẻo trên cây nghỉ ngơi. Kết quả khảo sát của Trung tâm GreenViet xác định hiện có khoảng 68 con thuộc sáu gia đình. So với năm 2018, đàn tăng lên gần 20 con nhưng chưa thể khẳng định do sinh trưởng tự nhiên, vì không loại trừ khả năng các gia đình voọc sống ở hòn núi lân cận di chuyển đến. Tuy nhiên, số lượng voọc tăng lên là "dấu hiệu tích cực".

Một con voọc chà vá chân xám ngồi dưới tán cây rừng. Loài này sống hoàn toàn trên cây ở rừng tự nhiên. Chúng chủ yếu sống ở tầng tán và tầng vượt tán, sinh hoạt chính trên các cây có độ cao từ 15 đến 25 m, di chuyển bằng cách nhảy và chuyền cành. Chúng không ăn ở trong rừng trồng cây keo tràm.

Voọc nhảy từ cây này qua cây khác đi ăn. Thức ăn chính của chúng là lá cây và quả, hạt, hoa, chồi non.

Trung tâm GreenViet đánh giá đây là quần thể voọc duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. "Quảng Nam có cơ hội lớn để bảo tồn và phục vụ cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch sinh thái, giá trị văn hóa địa phương", cơ quan này cho hay.

Ông Nguyễn Dư dùng ống nhòm quan sát đàn voọc. Ông là tổ trưởng trong nhóm bảo vệ rừng thôn bản với 10 thành viên. Tổ này tình nguyện bảo vệ đàn voọc nhiều năm qua.

Ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam (giữa), cùng lãnh đạo các ban ngành kiểm tra các khu rừng còn sót lại để thực hiện đề án bảo tồn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây đến 2030 và tầm nhìn 2050.

Theo đề án, Quảng Nam đầu tư hơn 64 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 49,4 tỷ đồng và 2026 - 2030 gần 15 tỷ đồng. Nhà nước thu hồi và đền bù khoảng 30 ha đất trồng keo của người dân trong vùng nhằm mở rộng sinh cảnh cho voọc. 90 ha trồng keo của người dân sẽ trở thành vùng đệm đồng quản lý giữa nhà nước và cộng đồng với định hướng kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế cho người dân.

Ông Võ Ngọc Danh (62 tuổi), ở xã Tam Mỹ Tây, trồng keo tràm dưới ngọn núi Hòn Dồ, cho biết hàng ngày ông chứng kiến đàn voọc đi ăn. "Chúng tôi có nguyện vọng bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Người dân trồng cây keo quanh các ngọn núi có voọc ở đã họp bàn và thống nhất rằng nếu nhà nước hỗ trợ bồi thường thì sẽ nhường đất", ông Danh nói.

Xã Tam Mỹ Tây còn sót lại 30 ha rừng tự nhiên ở bốn ngọn núi: Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu. Rừng tự nhiên giữa các núi này bị chia cắt từ 1 đến 3 km bởi rừng trồng cây gỗ keo tràm nên bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác với khoảng cách từ 7 đến 10 km.

Sơn Thủy - Bùi Văn Tuấn

Đánh giá phiên bản mới