Cà phê chiều thứ bảy
Sao kỳ vậy? Chắc tại người ta vốn quan niệm đàn ông là phải làm chuyện lớn, cỡ chọc trời khuấy nước, hay "trị quốc, bình thiên hạ", chứ đường đường là "đàn ông đàn ang" ai lại ngồi một góc mà thêu thêu thùa thùa, may may vá vá.
Ngay cả đàn bà khi nhìn thấy cảnh ấy, chắc cũng bĩu môi mà chê: Đồ đàn ông mà như... đàn bà!
Đàn ông và may vá tưởng chẳng bao giờ gặp nhau, ấy vậy mà cuộc sống không muốn cái gì phẳng lặng cả. Một ngày đẹp trời đàn ông lấy cái áo đẹp ra định mặc để đi tán tán tỉnh tỉnh, cưa cưa cẩm cẩm đàn bà. Hắn liền phát hiện ra cái áo "chiến" của mình bị sứt một cái cúc. Và hắn ngồi, hắn nghĩ.
Lung tung!
Đàn ông vốn không chịu, không thích, không muốn, hay... không thể may vá. Cái bàn tay to bè của đàn ông bảo đi cầm rìu chẻ củi, cầm "hàng" đi chém lộn hay bấm bấm di động N95 thì được chứ cầm kim thì... đành chịu. Cái vật nhỏ bé ấy sao mà nặng nề ghê gớm!
Cho nên, có trường hợp, áo quần rách thì rách nhưng đàn ông nhất định không chịu ngồi vá lại cho tươm tất. Quần rách còn đỡ, vì không ai rảnh mà chăm chăm nhìn vào cái quần của đàn ông. "Khu vực nhạy cảm, cấm quay phim chụp hình"!
Với lại, rách quần thì ép ép xài đỡ cũng được, đi đứng khép nép một tí, đứng ngồi chịu khó ngó trước ngó sau một tẹo. Đàn ông cho rằng đó là cơ hội để rèn luyện tính trầm tĩnh, tính "nhẫn" vốn rất đàn ông của mình.
Đàn ông có tí máu phiêu lưu mạo hiểm, thì thật không gì kích thích bằng mặc quần rách đi gặp người yêu hay ra mắt ông già vợ. Quan Vân Trường chắc cũng phải tái mặt, đồ mồ hôi, không dám liều mà thử!
Lại nói, đàn ông vốn biết tính đàn bà hay chở che đùm bọc, cho nên khi tán tỉnh cố ý để lộ ra chỗ rách ở áo hầu mong làm xúc động người đẹp. Chàng trai trong bài ca dao "bỏ quên cái áo trên cành hoa sen" khi đặc tả cái áo, làm như vô tình nhắc đến:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu!
Tán thế mới là tán chứ! Tuyệt thật. Biết cái nhược điểm đáng yêu của đàn bà là thương yêu chăm sóc mà đánh vào, thật là đúng với Tán gái bí kíp mật tông, chương ba, mục "đánh nhanh thắng nhanh" đã dạy: "Phải lợi dụng điểm yếu hay chăm sóc của gái mà đánh vào". (Theo Điền Bá Quang, Tán gái bí kíp mật tông, NXB Sinh Nở, 1988, trang 127).
Thật ra, đàn ông cũng có lúc may vá, mà may rất khéo nữa kia. Khi gà trống nuôi con, gà trống phải đóng luôn vai trò của gà mái. Cho nên, không có gì xúc động lòng người hơn cảnh gà trồng ngồi vá áo cho gà con. Cái đẹp đến đạt độ tuyệt đối, lay động lòng người ghê gớm.
Nghệ thuật thứ bảy thích dùng tứ này dựng phim. Trong bộ Tây Du Ký của nữ đạo diễn Vương Khiết có đoạn Tam Tạng may áo da cọp cho Tôn Ngộ Không. Con khỉ đá Ngộ Không nhìn thấy liền xúc động tâm can. Lúc giận Tam Tạng liền bỏ đi đến chỗ Long Vương uống chén rưọu, định thôi không đi thỉnh kinh nữa, nghe Long Vương khuyên nhủ, lại dẫn tích Trương Lương ba lần dâng hài cho thầy, liền nhớ đến cái áo da cọp Tam Tạng may cho mình. Tức thì hết giận, quay về một lòng phò Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh.
Tài tử Châu Tinh Trì (Stephen Chow) cũng lấy cái tứ này cho bộ phim Yangtze River 7 (Băng đĩa lậu dịch tạm là: Trường Giang Số 7).
Đàn ông có lúc quá nặng tình, kỷ niệm quá lớn, đau thương quá sâu, cho nên cứ để tấm áo vậy mà không thèm vá. Áo rách nát, như cõi lòng tan nát. Trong bài Màu tím hoa sim, Hữu Loan kể:
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím, tím thêm màu da diết.
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Đàn ông rốt cuộc cũng nên cầm lấy cái kim mà may may vá vá một đôi lần. Có những chuyện mà đàn ông không cầm kim may vá thì không thể nào nghĩ đến được, không thể nào thấy được, không thể nào thấu suốt được. Cho nên, lâu lâu vụng vụng về về cầm kim chọt chọt qua lại cũng vui.
Vậy đó, kẻ viết bài này cũng là một gã đàn ông vụng về. Sống xa nhà. Xa mẹ già. Vì còn nghèo nên vẫn chưa vợ. Một chiều đẹp trời lấy áo ra mặc mới biết rằng cúc áo sứt chỉ. Ngồi vá áo lan man, nên suy nghĩ lan man.
Suy nghĩ lan man nên ngồi viết lan man.
Vậy thôi!
Sài Gòn 25/03/2008
Phan Mạnh Tân
Vài nét blogger:
Thường độc hành, thường độc bộ, cô đơn như một con sói lạc bầy. Tôi là ai? - Cafe chiều thứ bảy, "buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn...". Bài đã đăng: Chuyện phiếm bên nồi lẩu, Ta yêu em, Sài Gòn, Ẩm thực, Hà Nội ơi, chờ ta, Viết cho thiên thần nhỏ, Ừ, thế mà vui, Chọn một ngày đi em.