- Tại sao chị lại chọn Hàn Quốc để đến thực tập và tìm hiểu về thời trang? Giữa hai nước có điểm tương đồng, khác biệt gì và đâu là điểm yếu lớn nhất của ngành thiết kế Việt Nam?
- Mục đích của tôi khi sang Hàn Quốc là đi tìm đáp án cho câu hỏi: "Tại sao ngành thời trang của họ làm tốt như vậy?" dù cùng phải trải qua các công đoạn như nhau từ: ý tưởng, thiết kế, ra mẫu cho đến sản xuất và bán hàng. Bản thân tôi phải tiếp thu những gì được trao đổi, nhìn, nghe thấy và tìm hiểu cả những gì họ không nói, tập trung hơn hết là chất lượng sản phẩm và marketing.
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng như có cùng hình thể của người châu Á, có nền văn hóa đậm chất Á đông. Khí hậu miền Bắc nước ta có bốn mùa như họ và vì thế thời trang cũng có nhiều nét giống nhau. Điểm khác biệt có lẽ là môi trường làm việc sáng tạo, cạnh tranh hơn và ngành thời trang của họ đi trước Việt Nam hơn chục năm. Tuy nhiên, khoảng cách đó đang được rút lại rất nhanh.
Để hiểu bản chất công việc của người khác không phải dễ, đặc biệt là khi khối lượng công việc lớn. Ngoài ra, ban đầu tôi cũng khá bỡ ngỡ với những vấn đề địa phương như ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực và giá trị tinh thần. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng để hòa nhập bởi tôi hiểu rằng trong khó khăn mới nảy sinh tình yêu lớn.

- Bài học lớn nhất về kinh doanh thời trang mà chị thu được sau chuyến đi là gì?
- Tôi nghĩ trong sự bão hòa của thị trường nói chung và đặc thù của ngành thời trang nói riêng, cóp nhặt là điều rất dễ xảy ra mà khách hàng thì không mua những gì được làm ra dễ dãi. Ngoài kiến thức chuyên môn, tôi đã biết được những bài học về quản lý mà theo tôi đó là bí quyết để thành công của các công ty lớn.
Thứ nhất: một công ty không nhận thức và tôn trọng giá trị của từng thành viên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Một thương hiệu muốn thành công thì đằng sau đó là cả tập thể đoàn kết. Tôi xin được ví dụ: có những nhân viên buộc phải ra đi khi ở một nơi nào đó, nhưng họ lại làm rất tốt ở công ty đối thủ. Như vậy, anh vừa mất tiền và thời gian đào tạo họ và lại mất thêm một lần nữa để đào tạo người thay thế.
Bên cạnh đó tầm nhìn và sứ mệnh của công ty phải luôn rõ ràng, thấu hiểu đến từng thành viên. Mỗi cá nhân trong tập thể cần biết tại sao họ hành động và những người lãnh đạo cần truyền cảm hứng cho họ.
Tôi thấy, trong sự bão hòa của thị trường nói chung và đặc thù ngành thời trang nói riêng là rất dễ cóp nhặt thì khách hàng sẽ không mua những gì được làm ra dễ dãi, mà họ chỉ mua những gì nhà sản xuất hiểu rõ tại sao mình phải làm ra. Với cá nhân tôi, thời trang luôn chuyển dịch theo vòng xoay của thời gian, cứ mỗi mùa qua đi lại đến một xu hướng mới, nên chất liệu vải cũng được thay đổi sao cho phù hợp. Vậy nên, ta có thể khẳng định không một loại vải cố định nào được ưa chuộng lâu. Ở miền Bắc Việt Nam có khí hậu khá giống với HQ nên có thể sử dụng hầu hết các chất liệu giống họ, tuy nhiên thời gian sẽ ngắn hơn vì họ có mùa đông dài và lạnh hơn mình.

- Chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng vừa về nước Đan Lê đã ngồi ngay lên ghế nhà đầu tư cho một chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm Ngôi sao Thiết kế Việt Nam. Chị nghĩ sao về việc một lính mới như mình sẽ bị các "đàn anh, đàn chị" làm lu mờ?
- Trong hoạt động sáng tạo, kinh nghiệm rất hữu ích và quý báu nhưng nó lại giống cái gậy giúp người ta đi mà không giúp người ta chạy. Tại sao tôi phải học kinh nghiệm buộc thư vào chân chim bồ câu thay vì chỉ gửi một tin nhắn qua máy điện thoại? (cười). Tôi thấy những điểm nổi trội ở một "lính mới" như mình là nhiệt huyết còn tràn đầy, táo bạo và mới mẻ, sẵn sàng chấp nhận vấp váp, dễ được thông cảm, được học hỏi và tiếp nhận những gì mới nhất.
- Những kiểu thiết kế nào sẽ không "lọt vào mắt xanh" của chị?
- Tôi không thành kiến mà luôn rộng mở vì về cơ bản, sáng tạo là đã bao hàm rủi ro Chúng tôi chấp nhận và quen thuộc với rủi ro như vậy, “no pain no gain” (Không vấp ngã, khó mà thành công). Quan trọng là sản phẩm của họ phải phù hợp với tiêu chí và chiến lược của công ty là trang phục dành cho nữ công sở 20-40 tuổi với giá cả trung bình tới cao.
Tôi và công ty thời trang của mình đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn thiết kế. Chỉ những mẫu thỏa mãn tiêu chí của thương hiệu thì chúng tôi mới đầu tư và quyết định đầu tư. Theo tôi, đó là kết quả của công sức sàng lọc “đãi cát tìm vàng”, mà đã là vàng thì đáng đầu tư.

- Có người đoán Đan Lê sẽ hối tiếc khi bỏ nghề MC, diễn viên để làm chuyên viên marketing kiêm trợ lý CEO cho một công ty thời trang Việt. Chị nghĩ sao?
- Nếu sự lựa chọn sau luôn tốt hơn trước thì không có lý do để tôi phải dừng, thành công là sự tiến bộ không ngừng. Tôi tin vào sự thành công của tôi ở vai trò này. Tôi thoải mái vì được tin cậy giao trọng trách. Ngoài năng lực bản thân, tôi ngồi đây cùng với những thứ mà CEO của tôi truyền đạt và định hướng.
- Rủi ro thường gặp nhất đối với chương trình truyền hình thực tế là scandal. Chị nghĩ thế nào về ảnh hưởng của chúng tới công ty mình?
- Scandal nếu có sẽ không đến từ phía chúng tôi. Hình ảnh và lợi nhuận của công ty được xây dựng không trong một ngày. Do đó, chúng tôi không thể bị ảnh hưởng bởi một sự bê bối nào đó bên ngoài đưa lại.
Thành Trương thực hiện
Ảnh: Tuấn Anh