Dịp Tết dương lịch, Đàm Thu Trang đưa hai con về quê ngoại chơi. Mỗi khi về Lạng Sơn, bà xã Cường Đôla luôn thưởng thức lại những món ăn tuổi thơ đặc sản quê hương như bánh áp chao, bánh cuốn, bánh ngải... Được học nữ công gia chánh từ nhỏ, Đàm Thu Trang cũng có thể nấu nhiều món ăn đặc trưng xứ Lạng và từng nhiều lần chế biến tại nhà ở TP HCM cho chồng con thưởng thức. Lần này, khi về Lạng Sơn, Đàm Thu Trang trổ tài làm món bánh coóng phù nổi tiếng.
Coóng phù có cái tên khá lạ tai, bắt nguồn từ cộng đồng người Tày sinh sống lâu đời ở Lạng Sơn. Bánh gần giống món trôi nước ở các vùng miền khác nhưng kích thước nhỏ hơn và thường có hai màu là trắng và đỏ cam. Đây là món ăn nhất định phải thử khi đến Lạng Sơn vào mùa đông bởi giúp cơ thể ấm lên nhanh giữa tiết trời lạnh giá. Bánh được làm từ bột gạo nếp, loại bánh đỏ cam trộn thêm ruột gấc. Thi thoảng, một số gia đình cho thêm lá cẩm để tạo nên bánh coóng phù màu tím sặc sỡ.
Để làm vỏ bánh, người ta bánh dùng gạo nếp xay thành bột nước, đựng trong túi vải chắt hết nước rồi nhào bột cho dẻo. Khác với bánh trôi, nhân bánh coóng phù được làm bằng đỗ xanh nấu chín giã nhuyễn trộn đường kính thay vì dùng nhân là đường phên cắt thành từng viên. Bột bánh dàn đều, cho nhân vào giữa rồi vo tròn, thả vào nước sôi đến khi bánh nổi trên mặt nồi nước thì vớt ra.
Viên bánh ngon là đạt độ chín vừa phải, không bị nhừ, vỏ bánh mềm dẻo, không nhũn. Mỗi bát bánh có khoảng 10 viên, xen kẽ hai màu sắc đỏ cam và trắng bắt mắt, phù hợp với không khí Tết đến xuân về. Phần nước chan bánh được làm từ đường hoa mai, thêm gừng đập dập ấm sực và ít dầu vừng. Cuối cùng, thả dừa nạo và lạc rang giã nhỏ.
Đàm Thu Trang khoe nồi bánh coóng phù do cô tự nấu hôm 3/1. Từng viên bánh tròn mẩy, kích cỡ vừa xinh, vỏ không nát. Trước khi ăn, người ta thường hít hà cảm nhận mùi thơm của gừng cay. Bánh mềm dẻo, nhân đỗ xanh bùi bùi, nước chan nóng, ngọt thanh, lạc rang béo béo, thêm chút dừa nạo ăn vui miệng. Nếu không tự nấu tại nhà, khách lên Lạng Sơn có thể tìm thấy món này ở các khu chợ bình dân.