Sáng 1/10, Lê Ngọc Sơn (35 tuổi, người có tiền án về ma túy), phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, cầm lựu đạn cố thủ trong ngôi nhà hai tầng tại đường Hồng Bàng (thành phố Vinh) khi bị cảnh sát thực thi lệnh tạm giữ.
Nhà chức trách Nghệ An điều động 250 người gồm hình sự, cơ động, đặc nhiệm bao vây ngôi nhà. Xạ thủ bắn tỉa cũng vào vị trí tòa nhà cao gần 20 tầng đối diện nơi nghi phạm cố thủ để chờ lệnh. Kêu gọi nghi phạm đầu hàng qua loa và gọi điện thoại trực tiếp là phương án được cảnh sát duy trì liên tục trong hơn 13 tiếng, song kết quả không khả quan...
23h cùng ngày, nhận thấy để vụ việc kéo dài sẽ ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại địa bàn, ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thống nhất phương án tấn công bằng biện pháp mạnh vào tòa nhà. Cảnh sát hình sự với áo chống đạn áp sát từ tầng một cùng với lựu đạn cay, quả nổ và súng, trong khi xe cứu thương, cứu hỏa được điều tới hiện trường để chờ lệnh.
Tuy nhiên, vài phút trước khi thực hiện cuộc tấn công, một phương án mới được ban lãnh đạo Công an tỉnh đưa ra là cử đại úy Phạm Văn Hội, Đại đội trưởng đại đội cảnh sát cơ động (Công an Nghệ An), tiếp cận để khuyên kẻ cố thủ lần cuối, đồng thời gửi tối hậu thư thông báo nếu không đầu hàng sẽ bị tấn công.
Cuộc thương thuyết khéo léo của đại úy Hội đã kiểm soát được tư tưởng, làm thay đổi nhận thức của nghi phạm.
"Tôi từ tầng một theo cầu thang lên căn phòng của Sơn và thông báo rằng mình đi tay không, trên người chỉ còn có áo giáp: 'Nếu em cần áo giáp thì anh cởi cho mà mặc, anh lên đây là để tạo lòng tin giữa hai người. Em hãy thật sự bình tĩnh để tháo gỡ vấn đề'", đại úy Phạm Văn Hội kể lại những trao đổi với nghi phạm trong lần thứ nhất.
Lần giáp mặt này, Sơn yêu cầu đại úy Hội đứng cách xa 3 bậc cầu thang mà không được vào phòng, nếu tiến gần hơn sẽ cho nổ lựu đạn và bình gas. Trên tay Sơn vẫn nắm một quả lựu đạn, đồng thời hô to "anh hãy cho lực lượng đang bao vây xung quanh nhà rút hết đi, ai vào đây sẽ chết". Đáp lại yêu sách của nghi phạm, đại úy Hội cho hay hiện lực lượng công an không thể rút được khỏi hiện trường nữa, bởi đây là khu dân cư, có đường giao thông nên phải chốt chặn để đảm bảo trật tự.
Không đạt được kết quả trong lần tiếp cận thứ nhất, đại úy Hội lùi xuống tầng một để gọi điện thì Sơn nói "anh cho em xin điếu thuốc, cầm lên đây cho em".
"Khi cầm thuốc lên, tôi đứng giáp mặt ở cầu thang, trên tay của Sơn vẫn cầm lựu đạn cùng bật lửa gas. Tôi có nghĩ đến tình huống nhào tới khống chế, tước lựu đạn nhưng lo sợ xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng tới tính mạng của những người có mặt trong tòa nhà này nên vẫn chọn cách thuyết phục", anh Hội kể.
Hơn 10 phút giáp mặt, đại đội trưởng cảnh sát cơ động liên tục dùng đòn tâm lý để tấn công, rằng hiện tại bố và người thân cùng nhiều bạn bè và lực lượng công an đều chung mong muốn Sơn hãy nhận thức để buông vũ khí bởi tương lai phía trước còn dài, nếu đầu hàng sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật. Khững lại sau những lời phân tích của chiến sĩ công an, Sơn nói để mình suy nghĩ vài phút và vào thay quần rồi cất lựu đạn để đầu hàng...
"Tâm lý của nghi phạm thay đổi theo thời gian, trong lúc nói chuyện, tôi phải phân tích nhanh để hiểu được diễn biến tâm lý tiếp theo của đối phương là gì rồi còn nói những câu tiếp theo. Quả thực lúc đó tôi cũng căng thẳng vì Sơn trong trạng thái manh động, nếu thương thuyết bất thành thì có thể sẽ bị chính anh ta tấn công", đại úy Hội nói và cho biết trước khi giáp mặt trực tiếp để nói chuyện, anh đã nhiều lần gọi điện và nhắn tin qua lại để thuyết phục Sơn.
Trong tin nhắn, nghi phạm có nhắc nhiều tới việc đợi một người bố nuôi tới hiện trường để trò chuyện với anh ta...
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng (Phó giám đốc Công an Nghệ An) kể thời điểm đại úy Hội nhận nhiệm vụ, mọi người ở phía ngoài cũng rất lo lắng bởi tâm lý của đối tượng lúc đó sẽ 50/50, tức do dự có nên đầu hàng hay không.
"Lời thương thuyết của đại úy Hội đã phân tán được suy nghĩ tiêu cực của nghi phạm, giúp hắn nhận thức được hành vi, kiểm soát được bản thân", ông Hùng cho hay. Với hành động dũng cảm này, đại đội trưởng cảnh sát cơ động được ban giám đốc Công an tỉnh thưởng 2 triệu đồng.
Trong thời gian Lê Ngọc Sơn cố thủ, ông Lê Ngọc Lan (bố đẻ của Sơn) là người thứ hai giáp mặt để khuyên bảo. Vẻ mặt mệt mỏi, ông Lan cho rằng hành động chống cự lại của con trai như vậy là dại dột.
Ông kể lúc Sơn cố thủ ở tầng hai, ông đã một mình trực tiếp lên phòng khoảng 15 lần để nói chuyện và mang theo bánh mì. "Tôi nói Sơn rằng con làm như vậy là dại rồi, hãy bỏ vũ khí rồi làm việc với công an, đối mặt với pháp luật. Tuy nhiên Sơn luôn lặp lại câu nói 'bố hãy xuống đi vì đây là việc của con, không liên quan tới bố'", ông Lan kể và cho hay con trai không hề đe dọa mình trong các lần giáp mặt.
Tới khuya, khi không có mặt tại hiện trường nhưng nhận được thông báo con trai đã buông vũ khí, ông Lan thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của ông là cơ quan chức năng xem xét để con trai được hưởng khoan hồng.
Sơn là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em, học hết lớp 12 và chưa có vợ. Ông Lan cho hay bình thường tính tình Sơn vui vẻ, thường ở nhà bán hàng quần áo với chị gái. Nhiều hàng xóm sống tại khu phố Hồng Bàng (thành phố Vinh) cũng tỏ ra bất ngờ khi biết Sơn cố thủ trong nhà. Họ nhận xét Sơn là một người hòa đồng, chưa bao giờ tỏ ra hỗn láo với láng giềng.
Trước đó, ngày 24/9, Lê Ngọc Sơn được xác định cầm kiếm chém xe Audi của người thân một phụ nữ mà Sơn mâu thuẫn. Công an thành phố Vinh xác định thiệt hại 175 triệu đồng nên thực hiện lệnh tạm giữ hình sự về hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản người khác đối với Sơn.