Sáng 2/10, tại trụ sở Công an thành phố Vinh, Lê Ngọc Sơn (35 tuổi), người cố thủ hơn 14 giờ trong nhà riêng, số nhà 128 đường Hồng Bàng (thành phố Vinh), lộ rõ vẻ mệt mỏi.
Giọng khá bình thản, Sơn thi thoảng nở nụ cười mỗi khi cán bộ công an nêu câu hỏi. Theo Sơn, nguyên nhân hôm qua không hợp tác với cảnh sát là do bản thân đang có một số bức xúc.
"Giờ nghĩ lại thì hối hận vì đã chống đối lại công an, nhưng vụ việc cũng đã xảy ra rồi, biết làm sao...", Sơn bỏ ngỏ câu nói.
Hồ sơ của cảnh sát cho hay do mâu thuẫn với chị Phương (trú thành phố Vinh) nên ngày 24/9, khi phát hiện chiếc Audi của người thân chị này đang đỗ ở gara tại xã Nghi Phú, Sơn dùng kiếm đập vỡ kính sau. Công an xác định Sơn phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây thiệt hại 175 triệu đồng.
Ngày 28/9, Công an thành phố Vinh tới nhà riêng của Sơn để thực thi lệnh tạm giữ. Khi vừa thấy bóng lực lượng làm nhiệm vụ tới cổng, Sơn nhảy từ tầng hai chạy trốn.
Sáng 1/10, khi Sơn trở về nhà, hai cảnh sát tiếp tục tới để thực hiện lệnh tạm giữ. Lúc này, Sơn đang ở cùng hai người bạn. Khi lực lượng hành pháp chuẩn bị đọc lệnh, Sơn mở ngăn kéo rút ra hai quả lựu đạn để uy hiếp, hai người bạn cũng bị lôi kéo cố thủ cùng. Tổ công tác cố gắng thuyết phục nhưng không có kết quả nên phải lùi xuống tầng một.
Nhận thấy diễn biến vụ việc phức tạp, hơn 9h, Công an thành phố Vinh phối hợp với công an tỉnh điều động 250 cảnh sát gồm hình sự, cơ động, giao thông, đặc nhiệm bao vây ngôi nhà nơi nghi phạm cố thủ. Đoạn đường 300 m ở phố Hồng Bàng bị phong tỏa, đội cảnh khuyển cũng có mặt tại hiện trường, tốp lính bắn tỉa vào vị trí ở tòa nhà chung cư cách đó vài trăm mét.
Theo cán bộ tham gia phá án, để tránh gây nguy hiểm tới tính mạng của hai người đang ở cùng Sơn, cảnh sát duy trì phương án thuyết phục đầu hàng để hưởng khoan hồng.
"Cảnh sát một mặt kêu gọi Sơn đầu hàng, một mặt tìm cách đưa hai người trong căn nhà này ra ngoài. Đầu giờ chiều, lần lượt hai người được công an đưa ra và cầm một quả lựu đạn thật để giao nộp", cán bộ công an nói.
Từ 15h, khi còn lại một mình trong căn phòng rộng chừng 25 m2, trên tay của Sơn vẫn khư khư một vật nghi là lựu đạn đã tháo chốt. Mỗi lúc nghe tiếng cảnh sát kêu gọi đầu hàng, Sơn lại đáp trả "Hãy lên đây. Nếu lên thì cùng chết...". Một bình gas cũng được Sơn đặt trước cửa phòng để đe dọa cho nổ. Cùng lúc này, Sơn viết Facebook cá nhân, với nội dung được cho là thách thức cảnh sát: "Mưa to, nên vào luôn đi. Sẵn sàng lâu lắm rồi".
Việc thuyết phục rơi vào bế tắc, ông Lê Ngọc Lan (bố đẻ của Sơn) được cảnh sát đưa tới hiện trường để khuyên nhủ con trai, song anh ta vẫn không nghe lời. Trời tối, tốp lính bắn tỉa rút, song ngôi nhà nơi nghi phạm cố thủ tiếp tục bị cảnh sát bao vây. Phương án tấn công được tính đến.
"Căn phòng nơi Sơn đang nấp có hai cửa ra vào. Chỉ một cầu thang rộng chừng 70 cm từ tầng một lên tầng hai. Tại tum ở tầng ba, cũng chỉ có một lối lên xuống rộng chưa đầy một mét. Xác định Sơn có lựu đạn nên việc tấn công vào căn phòng này cũng được tính toán cẩn thận vì tính sát thương của lựu đạn cao", cảnh sát tham gia phá án nói.
Sau hơn 14 giờ thương thuyết bất thành, lúc 23h30 phút, cảnh sát dùng loa thông báo tới Sơn rằng đây là lần kêu gọi đầu thú cuối cùng. Hết thời gian 10 phút, nếu Sơn không đầu hàng, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ dùng biện pháp mạnh. Chưa hết thời gian của "tối hậu thư", Sơn buông vũ khí đầu hàng.
Khám căn phòng nơi nghi phạm cố thủ, nhà chức trách thu một quả lựu đạn thật (loại M67); hai vật được chế tạo giống lựu đạn; một bình gas và một con dao.
Trung tá Nguyễn Hữu Cường (Phó trưởng Công an thành phố Vinh) cho hay cơ quan điều tra thực hiện lệnh tạm giữ Lê Ngọc Sơn về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản người khác; Chống người thi hành công vụ và có dấu hiệu tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép. Việc Sơn có bị ngáo đá trong thời gian cố thủ hay không đang được xác minh. Sơn từng có tiền án về tàng trữ trái phép chất ma túy, bản thân không có công việc ổn định.
Về việc kéo dài thời gian thương thuyết với nghi phạm, Phó Công an thành phố cho rằng đây là biện pháp thích hợp và nhân đạo do lãnh đạo công an tỉnh đề ra nhằm thuyết phục kẻ phạm tội.
"Chỉ đến bước đường cùng không thể thuyết phục được thì nhà chức trách mới dùng biện pháp mạnh", ông nói và cho hay việc triển khai lực lượng với quân số đông, trong đó có cả đội lính bắn tỉa là bình thường. Bởi trong các cuộc giải cứu con tin, vây bắt người có sử dụng vũ khí nguy hiểm, chống khủng bố, nhà chức trách vẫn triển khai các biện pháp này.