Các tài liệu xưa ghi chép, trong những năm đầu thế kỷ 18, vùng đất Sài Gòn (tức vùng Chợ Lớn ngày nay) là nơi định cư của người Hoa ở Cù Lao Phố (tức Biên Hòa ngày nay) sau khi chạy lánh nạn do chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Đây cũng là nơi mà chàng thiếu niên 14 tuổi người Hoa tên là Quách Diệm, hay còn gọi là Quách Đàm chọn khởi nghiệp.
Quách Đàm người làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc rời quê hương với hai bàn tay trắng. Lang bạt xứ lạ quê người, ông bắt đầu bằng việc quang gánh đi khắp mọi tuyến phố của vùng Sài Gòn thu mua ve chai, lông vịt và các loại nguyên liệu phế thải để kiếm sống qua ngày.
Những hình ảnh về chợ Bình Tây |
Theo lời các tài liệu xưa, nhìn thấy ông không ai tưởng tượng được cảnh về sau ông trở nên giàu có bởi so với thương lái đương thời, chú Đàm không có nhà cửa, tài sản chỉ có mấy bộ đồ, ngày đi thu mua ve chai về bán, tối nằm ngủ dưới các mái hiên. Tuy nhiên chỉ vài năm sau đó, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi.
Từ gánh ve chai, Quách Đàm chuyển sang nghề thu mua da trâu và vi cá bán lại cho các thương lái nước ngoài. Công việc thuận lợi, tiền bạc dành dụm được khiến chàng trai có máu làm giàu nghĩ đến chuyện kinh doanh lớn hơn. Nhìn xa trông rộng, thấy đất đai của vùng Bình Tây thuở ấy chỉ là đồng ruộng mà người đổ về càng nhiều, Quách Đàm dùng tiền mua đất ruộng rồi nhờ "biến' chúng thành đất ở. Chỉ vài năm sau, cơ ngơi của ông đã thuộc hàng bậc nhất Sài Gòn.
Ăn nên làm ra, nhìn thấy cảnh ngôi Chợ Lớn ở tại khu Sài Gòn (nay là Bưu điện quận 5) trở nên bé nhỏ trước lượng thương gia ngày càng đông, Quách Đàm nghĩ đến chuyện mua đất làm chợ. Khi được chính quyền tỉnh Chợ Lớn đồng ý, ông tổ chức xây chợ mới theo lối kiến trúc Trung Quốc và áp dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại của Pháp thời bấy giờ.
Khởi công từ năm 1928 và hoàn thành chỉ sau hai năm, chợ được xây bằng xi măng cốt thép theo phương Tây nhưng lại phối hợp với nét kiến trúc Trung Quốc. Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có lưỡng long chầu minh châu, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông.
Sau khi xây cất trên khuôn viên rộng lớn, chợ của Quách Đàm làm chủ được người dân gọi là Chợ Lớn mới. Với lợi thế thuận tiện đường bộ lẫn đường thủy, Chợ Lớn mới lập tức trở thành nơi làm ăn của tiểu thương người Việt và người Hoa. Nơi đây trở thành khu kinh doanh sầm uất, giữ tính chất đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Phồn thịnh từ đó đến nay, ngôi chợ của người khởi nghiệp tay trắng họ Quách vẫn hoạt động dù trải qua nhiều thay đổi. Từ năm 1975, Chợ Lớn mới tiếp tục mua bán phục vụ hàng hoá cho cả nước và các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc và đổi tên chợ là chợ Bình Tây cho đến ngày nay. Hiện chợ Bình Tây có hơn 2.300 quầy sạp. Khu vực nhà lồng chợ có 1446 sạp, trong đó tầng trệt là 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Khu vực ngoài nhà lồng có 912 sạp, kinh doanh đủ mọi loại hàng hóa. Thương gia người Việt dần thay chỗ cho người Hoa nhưng chợ vẫn còn khoảng 25% số lượng hộ người Hoa đang làm ăn sinh sống.
Riêng về Quách Đàm, chợ chưa kịp xây thì năm 1927 ông đã qua đời ở tuổi 64. Sau thời gian buôn bán da trâu và vi cá, sự nghiệp của ông bắt đầu chuyển sang hướng khác, ông mở xưởng sản xuất da, buôn gỗ, trữ lúa gạo xuất khẩu, ông cũng là người lập ra nhiều nhà máy gạo ở Mỹ Tho (Tiền Giang), thu mua bông vải... Sự nghiệp của Quách Đàm cũng từng thất bại bởi khủng hoảng kinh tế nhưng những sự cố nhất thời không làm cho danh tiếng của ông bị phai tàn. Ngày ông mất, đám tang có đủ loại kèn Tây - Ta - Tàu - Miên và hàng nghìn người thương kính ông đến tiễn đưa.
Trải qua hơn 80 năm hình thành và phát triển, chợ Bình Tây ngày nay vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn của thành phố và của quận 6 (TP HCM). Gắn liền với câu chuyện của một nhà buôn huyền thoại cùng lối kiến trúc cổ, ngày nay chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là một địa điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước.
Tưởng nhớ đến vị tiền bối, ngày nay nhiều bà con tiểu thương vẫn có mặt tại khu miếu thờ Quách Đàm ở giữa chợ để thắp hương tưởng niệm. "Với chúng tôi, ông không phải là người lập chợ mà như một vị thần tài. Ông chính là người mà chúng tôi luôn ghi nhớ và yêu kính", đại diện nhóm tiểu thương ở chợ nói.
Thiên Chương