Sáng 19/8, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức An, 62 tuổi, và bà Phạm Thị Ngọc Thúy, 44 tuổi, về việc tranh chấp khối tài sản khoảng hơn 200 tỷ đồng sau ly hôn.
Trình bày tại tòa, đại diện được ủy quyền của nguyên đơn là luật sư Quách Minh cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét một cách toàn diện công sức tạo dựng nên khối tài sản của ông Đức An, chia đôi khối tài sản tranh chấp là không thỏa đáng.
Cụ thể như việc mua bán đất ở phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM (nay là thành phố Thủ Đức), ông An đã chuyển về cho bà Thúy 35,8 tỷ đồng để mua miếng đất này. Quá trình xét xử, nguyên đơn đã cung cấp cho tòa bản thỏa thuận giá trị lô đất là hơn 35 tỷ. Song do mảnh đất không xin được giấy phép dự án nên đôi bên trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cho rằng chỉ có cơ sở xác định ông An đã chuyển hai tỷ đồng cho bà Thúy để mua đất, từ đó tuyên chia đôi mỗi người một tỷ là "không đúng với thực tế".
Đối với 13 căn biệt thự tại Phan Thiết đang tranh chấp, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của các bên về việc chia khối tài sản này.
Theo nguyên đơn, việc tòa xác định tiền bán 8/13 căn biệt thự đã được dùng vào việc mua các tài sản khác là không đầy đủ. 5 căn còn lại, Ngọc Thúy nhờ mẹ ruột là bà Trương Thị Bê đứng tên. Tuy nhiên, bà Bê sau đó đem bán và giữ tiền của 5 căn biệt thự này với giá trị khoảng trên 10 tỷ đồng, chưa trả cho ông An.
Việc tòa sơ thẩm không chia giá trị các căn biệt thự này là chưa xem xét đầy đủ các chứng cứ.
Ngoài ra, luật sư của nguyên đơn cho rằng, tòa chưa xét đến khoản tiền 700.000 USD mà ông An gửi về cho bà Thúy qua ngân hàng. Chưa kể nhiều lần khác, ông An gửi tiền mặt cho bà Thúy thông qua một số người thân quen.
Đối với các tài sản còn lại, luật sư đề nghị tòa xem xét đến công sức của ông An trong quá trình tạo lập khối tài sản và chia cho ông 70%, bà Thúy 30%, đồng thời ông An được đứng tên trên toàn bộ khối tài sản là hiện vật. Bởi hiện tại, ông có đầy đủ điều kiện được sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Luật sư Quách Minh nhấn mạnh nguyên đơn nỗ lực đòi phần tài sản tranh chấp là để dành cho hai con chung với Ngọc Thúy - bé Angelina và Valentina.
Chủ tọa phiên tòa giải thích, văn hóa của người Việt là "của chồng công vợ", hơn nữa bà Thúy đang nuôi hai con nên chia đôi tài sản cũng hợp lý. Do đó, tòa gợi ý nguyên đơn rút yêu cầu để thỏa thuận với bị đơn.
Người đại diện của ông An cho rằng việc chia đôi khối tài sản tranh chấp là không công bằng nên đề nghị tòa xem xét chia cho nguyên đơn được nhận theo tỷ lệ 7/3 hoặc 6/4.
Phía bị đơn cho rằng việc cấp sơ thẩm chia đôi tài sản tranh chấp là xác đáng nên không đồng ý chia lại. Song, họ cũng giữ nguyên kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.
Đại diện ủy quyền của Ngọc Thúy cho rằng, việc tòa sơ thẩm bác yêu cầu của cô về việc buộc đại gia Đức An chia 5 căn biệt thự tại Phan Thiết là "không phù hợp với thực tế khách quan". 5 căn biệt thự mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng do bà Bê đứng tên giúp. Đến năm 2010, bà Bê đã chuyển nhượng nhưng ông An là người nhận tiền.
Ngoài ra, phía Ngọc Thúy cũng không đồng ý với việc tòa sơ thẩm tuyên giao cho ông An sở hữu 100% cổ phần thuộc Công ty TNHH Thương mại địa ốc trang trí nội thất Bình Minh; trong đó có quyền sử dụng hơn 3.700 m2 đất của Công ty TNHH Thương mại địa ốc trang trí nội thất Bình Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bị đơn đề nghị tòa cấp cao giao cho mình sở hữu 100% vốn góp tại Công ty TNHH Thương mại địa ốc trang trí nội thất Bình Minh, cô sẽ thanh toán cho ông An 50% vốn góp tương đương 43,6 tỷ đồng. Bởi, từ ngày thành lập công ty đến nay, bà Thúy là người đại diện theo pháp luật và quản lý công ty. Việc giao cho ông An nắm giữ cổ phần gây khó khăn cho hoạt động của công ty.
Đối với các khoản tiền khác, phía bị đơn khẳng định chỉ nhận tổng cộng 4,7 tỷ đồng và 700.000 USD ông An gửi về. Đây là tiền hình thành trong thời kỳ hôn nhân và cũng là nguồn tiền mua các tài sản khác đang tranh chấp.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên chia đôi khối tài sản tranh chấp cho các bên là "hợp tình hợp lý" nên đề nghị HĐXX giữ nguyên.
Bản án sơ thẩm của TAND TP HCM xác định, ông An đăng ký kết hôn với Ngọc Thúy tại Mỹ vào năm 2006, có hai con chung. Đến tháng 3/2008, hai vợ chồng ly hôn tại tòa án bang California, Mỹ.
Năm 2010, ông An gửi đơn kiện yêu cầu vợ cũ trả lại 39 loại tài sản mua tại Việt Nam, gồm: cổ phiếu, xe hơi, hàng chục căn hộ, lô đất, biệt thự tại các dự án lớn ở TP HCM và Phan Thiết (như Avalon Building, Sailing Tower, Sea Links Golf & County Club)... vì cho rằng tài sản "mua bằng tiền riêng có được trước khi kết hôn với Ngọc Thúy". Trong thời gian hai người là vợ chồng, do ông mang quốc tịch Mỹ nên phải nhờ vợ đứng tên sở hữu.
Do đó, đối với các tài sản gồm khoảng 30 bất động sản tại nhiều địa phương và cổ phần tại các công ty, phía ông Đức An yêu cầu tòa giao lại, để sang tên cho hai con gái chung với Ngọc Thúy.
Trong khi đó, phía Ngọc Thúy không đồng ý, cho rằng đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nên đề nghị chia đôi. Ngọc Thúy cũng muốn nhận tài sản, sẽ thanh toán 50% giá trị cho ông An.
Hồi tháng 11 năm ngoái, sau 13 năm thụ lý và giải quyết vụ kiện, TAND TP HCM xác định, tài sản tranh chấp là "tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân" của vợ chồng, chứ không phải là tài sản riêng của nguyên đơn trước khi kết hôn.
HĐXX tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông An và cả của Ngọc Thúy, chia đôi giá trị 15 tài sản cho các bên gồm: 5 căn hộ tại tòa nhà Avalon (quận 1); 4 căn hộ tại tòa nhà Sailing (quận 1); biệt thự ở quận Bình Thạnh; Công ty TNHH Bình Minh; 465.000 cổ phần tại Công ty Cảng Sao Mai; số tiền chủ đất ở quận 2 trả lại, số tiền bồi thường căn nhà 95A Trần Phú (Vũng Tàu); số tiền cho thuê 9 căn hộ tại quận 1 từ năm 2009 đến 2023.
Đối với 13 căn biệt thự tại dự án tại Sealing, tòa không chấp nhận yêu cầu chia của các bên, bởi 4 căn Thúy đã bán trong thời kỳ hôn nhân, 4 căn bán sau khi ly hôn lấy tiền mua các tài sản khác. Các căn này hiện không còn, nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc chia tài sản.
Với 5 căn còn lại (đứng tên bà Trương Thị Bê - mẹ đẻ Ngọc Thúy), bị đơn nói bà Bê đã ủy quyền cho nguyên đơn bán nhưng ông phủ nhận. Các căn này hiện cũng không còn, nên tòa không có căn cứ để chia.
Đối với yêu cầu khác của phía nguyên đơn về việc đòi lại một số khoản tiền và tài sản khác, tòa không chấp nhận vì cho rằng không có căn cứ.
>> Xem thêm: Ngọc Thúy được chia một nửa khối tài sản tranh chấp với Đức An tại phiên xử sơ thẩm
Nguyên Thảo