Một xe BMW X5 biển NN do người Việt lái. |
Xử lý chỉ như muối bỏ biển
Trao đổi với trinh sát của Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC15) CATP Hà Nội, chính họ cũng ngán ngẩm khi nhắc tới tình trạng "nóng" này. Có những chuyên án, trinh sát phải mày mò và kỳ công cả năm trời, nhưng việc xử lý thì bị vấp nhiều áp lực. Những đối tượng nào nằm trong tầm ngắm?
Theo điều tra của phóng viên, những người đi xe bạc tỷ là cỡ đại gia, không thì cũng con nhà giàu, quan chức. Có đại gia liền một lúc sử dụng hai xe mang biển NN và NG (chưa đổi biển) đi ung dung trên đường. Chỉ nhìn vào tấm biển ấy thôi, giới ăn chơi sẽ biết chủ nhân của nó là người sành điệu và lắm tiền đến thế nào.
Đêm chủ nhật, phóng viên dạo quanh một số tụ điểm ăn chơi ở Hà Nội. Bãi đậu xe san sát, xe máy thì vào dạng đắt tiền, còn ôtô thì khỏi phải nói, những con "mẹc" cáu cạnh và trong số đó nhiều xe mang biển sang trọng NN. Những chiếc xe mang biển ngoại mà phóng viên bắt gặp trên đường, trong số ấy đã có bao nhiêu phần trăm làm thủ tục đổi biển, nộp thuế trước bạ?
Theo trinh sát Phòng PC15, từ năm 2003 đến nay, ở các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, một số đối tượng buôn bán ôtô đã lợi dụng cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với các cá nhân có thân phận ngoại giao nhập khẩu xe du lịch trong tiêu chuẩn theo NĐ73/CP của Chính phủ (được miễn trừ thuế nhập khẩu).
Để đối phó với việc kiểm tra và xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tượng mua xe và sử dụng xe đã sử dụng các giấy tờ ủy quyền toàn bộ quyền sử dụng xe, hợp đồng thuê lái xe, bảo dưỡng. Theo số liệu điều tra ban đầu, số xe nhập khẩu dưới dạng trên tới hàng trăm chiếc đã và đang lưu hành, hiện vẫn tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam. Việc nhập khẩu xe trên, thực chất là người Việt Nam nhập khẩu và sử dụng, đã gây thất thu thuế nhập khẩu hàng chục tỷ đồng/năm.
Qua điều tra, bước đầu Phòng PC15 đã xác minh 9 xe ôtô có mua bán kiểu trên. Đó là xe Toyota Lexus biển kiểm sát 80 NN 31… của một đại sứ quán bán trên 1,5 tỷ đồng cho một ngân hàng của Việt Nam qua "cò xe" có tài khoản ở ngân hàng này; xe Mercedes S500L BKS 80NN 16 cũng của một Đại sứ quán bán ra cho một ngân hàng với giá 191.000 USD qua "cò"; xe BMW 745 của một Đại sứ quán khác đăng ký ngày 16/1/2004 có giấy ủy quyền sử dụng toàn quyền cho Nguyễn Văn Hải, ở ngõ chợ Khâm Thiên, giấy để khống ngày tháng năm…
Ngoài ra, Phòng PC15 còn xác minh 4 doanh nghiệp kinh doanh loại xe ôtô mang biển kiểm sát: NG-NN từ 2003 đến nay, đã mua của người nước ngoài và làm thủ tục chuyển nhượng 33 xe (33 xe này người nước ngoài nhập mới 100% và đã sử dụng từ 1 đến 2 năm). Khi đưa giám định chất lượng xe còn lại để tính thuế chất lượng từ 21-30% (giá tính thuế bằng 10% của giá nhập khẩu hàng mới).
Ông chủ đóng vai người đi bảo dưỡng xe
Sau khi các ngành chức năng có kiến nghị, Bộ Tài chính đã có văn bản bổ sung NĐ73/CP, sửa đổi trong điều hành chính sách Xuất nhập khẩu. Đến nay, tình trạng gian lận thương mại trong vấn đề nhập khẩu xe biển NN-NG và mua bán "suất" trong các Đại sứ quán vẫn diễn ra.
Những chiếc xe biển NN mà Công an Hà Nội đã điều tra, xác minh chủ sở hữu người Việt, mua của các Đại sứ quán, có giấy tờ bán xe, xoá sổ… khống chỉ nhưng đến nay vẫn chưa chịu đổi biển, nộp thuế thì sẽ xử lý ra sao? Theo Công an Hà Nội, họ vẫn tiếp tục xác minh và xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Theo quy định, ôtô là phương tiện được nhập khẩu ưu đãi miễn thuế, loại hình tạm nhập tái xuất cho các nhân viên được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao trong thời hạn công tác tại Việt Nam. Kỳ hạn thanh lý xe là 2 năm, sau 2 năm nếu không tái xuất các xe trên nếu bán tại Việt Nam thì phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
Tuy nhiên, rất ít trong số đó thực hiện theo pháp luật, vi phạm nghiêm trọng NĐ73/CP, nhằm trốn thuế nhập khẩu, ước tính hàng chục tỷ đồng/năm.
(Theo Công An Nhân Dân)