Ngày 4/8, hai trong số 5 nạn nhân được cứu sống sau trận lũ dữ ở bản Sa Ná đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, cho hay bệnh nhân Hoàng Xuân Luyến nhập viện lúc 12h30, còn ông Lương Văn Chon (52 tuổi) vào viện lúc 16h30 ngày 3/8. Cả hai đều ở bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Ông Chon đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn trong tình trạng đa chấn thương.
"Qua thăm khám, hai người đều bị đa chấn thương, cơ thể bầm dập khắp nơi do va đập mạnh song không ai có vết thương lớn. Họ đang hồi phục tốt, không nguy kịch tính mạng...", bác sĩ Hưng nói và cho hay tinh thần các bệnh nhân nhiều lúc rơi vào trạng thái hoảng loạn, bất an do sang chấn.
Giọng yếu ớt, ngắt quãng, ông Hoàng Xuân Luyến bảo chưa bao giờ trong đời chứng kiến cơn lũ khủng khiếp như vậy. Người đàn ông 45 tuổi kể khoảng 5h sáng lũ trên suối Son dâng ngập sàn nhà chừng 40-50 cm nhưng sau đó lại xuống. Nghe các bản tin thời tiết cảnh báo mưa lũ trước đó nên dân bản Sa Ná đã cẩn trọng vác lúa và tài sản di chuyển lên các vị trí cao ráo. Người già, trẻ nhỏ được ưu tiên di tản trước. Một số chạy lên gò tha ma trên sườn đồi trú ngụ.
Khoảng 8h, ông Luyến quay về nhà định lấy chiếc bếp gas mini sang cho con trai nấu mì tôm thì những âm thanh khác lạ vang lên. "Tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng gầm gào vẳng từ phía xa. Ít phút sau, lũ ập đến nhanh như chớp mắt. Lũ kèm đất đá lẫn cây cối cuốn phăng những căn nhà đầu bản", ông Luyến hồi tưởng.

Nạn nhân Hoàng Xuân Luyến chưa từng chứng kiến cơn lũ nào khủng khiếp như sáng 3/8.
Theo ông Luyến, cảnh tượng ở Sa Ná lúc này như chạy giặc, tiếng người hò hét, gào khóc thất thanh vang cả một góc rừng. Ông Luyến bị cuốn trôi hơn 2 km từ suối Son ra sông Luồng. Đến khu vực bản Hiềng, may mắn, ông túm được một khúc gỗ lớn rồi tự đu mình vào bờ. Hơn 10 phút sau, ông được dân bản đưa đi cấp cứu. Ông Luyến bảo nằm ở bệnh viện nhưng rất sốt ruột vì vợ và hai con nhỏ (bé lớn 18 tháng, còn con thứ hai mới được ba tháng tuổi) chưa thể liên lạc, không biết sống chết ra sao.
Cũng bị lũ cuốn như ông Luyến, ông Lương Văn Chon trôi xa hơn 3 km, mắc kẹt trên ngọn cây phải vật lộn trên dòng lũ suốt hơn 10 tiếng. "Hôm qua tôi đã nghĩ không thể bảo toàn mạng sống, cái chết có lúc đã cận kề", ông Chon nói.
Hồi tưởng về cơn lũ, ông Chon kể đầu giờ sáng qua, nhận định lũ sẽ dâng cao, ông vội vã đưa hai cháu nhỏ cùng vợ và mẹ già sang nhà anh trai lánh nạn. Ông Chon sau đó quay về căn nhà giữa bản kiểm tra tình hình thì lũ ập đến.
"Tôi thấy những căn nhà sàn lần lượt sụp đổ nhưng không kịp chạy", ông Chon nhớ lại. Ông sau đó bám trụ trên nóc nhà vệ sinh nhưng nước dâng cao đẩy ông về hạ nguồn.
Bị cuốn ra sông Luồng, ông Chon có lúc kiệt sức, định buông xuôi nhưng vẫn cố vùng vẫy bảo toàn sinh mạng. Trôi khoảng 3 km, ông khua tay bám được một thân cây rồi bò dần lên ngọn. "Thân cây có lúc gập xuống, tôi lại nhoi lên nhưng sức càng ngày càng kiệt dần, vừa rét vừa run...", ông Chon kể. Đến hơn 15h cùng ngày, ông được lực lượng cứu hộ tiếp cận, đưa vào bờ sau hơn 10 tiếng mắc kẹt trong lũ.

Hơn 30 căn nhà ở bản Sa Ná bị san phẳng sau cơn lũ dữ.
Thời điểm lũ về, trong nhà ông Chon có mẹ già 98 tuổi, vợ và hai cháu nội còn nhỏ. Họ may mắn kịp lánh nạn. Toàn bộ hai ngôi nhà cùng tài sản khác như xe máy, tủ lạnh, tivi, máy gặt... đều bị lũ cuốn trôi.
Bản Sa Ná, xã Na Mèo, nằm ven suối Son, có 74 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào Thái. 5h ngày 3/8, mưa lớn do hoàn lưu bão Wipha làm xuất hiện lũ quét, xóa sổ hơn 30 căn nhà ở bản Sa Ná. 17 người bị lũ cuốn trôi, mất tích. Tối cùng ngày, một số người còn sống được tìm thấy, 10 người chưa rõ tung tích. Hiện công an, quân đội nỗ lực tiếp cận khu vực bị cô lập ở Sa Ná song do nước sông Luồng dâng cao, địa hình hiểm trở nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Dòng lũ quét cuồn cuộn ở miền Tây Thanh Hoá
Khoảng 22h ngày 2/8, bão Wipha, cơn bão thứ ba ở biển Đông, đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Ninh gây gió mạnh, mưa to, mất điện diện rộng. Bão sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đồng bằng trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa, gây sức gió 40-50 km/h, mưa rất to.
Một số nơi có lượng mưa lớn (từ 7h ngày 3/8 đến 7h ngày 4/8) trên 230 mm, như: Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Hưng Yên, Phủ Lý (Hà Nam). Lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra ở Thanh Hóa, Bắc Kạn, ngập lụt ở Hà Nội.