Fan Fan không làm trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng, cũng không phải trong công ty khởi nghiệp về công nghệ. Cô hiện là ngôi sao livestream ở Trung Quốc, kiếm sống từ những món quà "ảo" mà người hâm mộ vẫn theo dõi cô qua những video cô hát, nhảy hay ăn trên mạng.
Để phục vụ cho công việc, Fan từng đi phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí nói dối tuổi thật rằng năm nay cô 23 tuổi.
"Tuổi tác, gương mặt và vóc dáng là ba yếu tố quan trọng tạo nên thành công của một nữ MC online", Fan nói. "Dù bạn có làm việc chăm chỉ đến đâu, bạn cũng chỉ có thể kiếm sống từ nghề này giỏi nhất là 5 năm".
Ngành công nghiệp livestream trực tuyến ở Trung Quốc gần đây xảy ra nhiều vụ bê bối và rủi ro, điển hình như vụ các bé gái vị thành niên cởi đồ qua mạng để thu hút người xem và việc ngôi sao mạo hiểm Wu Yongning rơi từ nóc tòa nhà 62 tầng xuống tử vong.
Wu chết khi đang thực hiện video livestream để nhận được 15.000 USD nhằm chuẩn bị cho đám cưới của anh, dự định tổ chức hai ngày sau đó. Chiếc điện thoại thông minh mà Wu thường dùng để quay các video của mình, đã ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời anh. Vụ việc khiến báo chí Trung Quốc phải đưa ra nhiều lời cảnh báo cho các hoạt động livestream nguy hiểm.
Trong ngành livestream trực tuyến, được nhận nhiều sự chú ý đồng nghĩa với việc sẽ kiếm được nhiều tiền từ lượt theo dõi của những người hâm mộ cũng như quảng cáo và doanh thu tài trợ. Và một số người còn sẵn sàng làm những điều cực đoan để được chú ý, dù những điều đó có thể đe dọa tính mạng họ.
"Người ta thường muốn làm nhiều điều gây chú ý để thỏa mãn sự hiếu kỳ của khán giả", Fan nói. "Đó là một phần lý do đằng sau cái chết của Wu".
Cái chết của Wu giống như lời nhắc nhở về sự cần thiết đối với việc kiểm soát các ứng dụng livestream, China Daily cho biết. "Nhiều người cố gắng làm những điều nguy hiểm với mục đích thu hút sự chú ý và kiếm thêm lợi nhuận".
Mỗi ngày, vào những lúc cao điểm, có khoảng hơn 100 kênh livestream hoạt động ở Trung Quốc. Credit Suisse ước tính thị trường livestream ở đất nước này trong năm 2017 có doanh thu khoảng 5 tỷ USD, chỉ sau doanh thu phòng vé của các rạp chiếu phim ở Mỹ năm ngoái với 5,8 tỷ USD. Nguyên nhân là do ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc thích sử dụng các chương trình giải trí tiện lợi mà điện thoại thông minh đem tới do không cần phải ra khỏi nhà.
Áp lực mà Fan đang đối mặt là điển hình cho cộng đồng livestream hiện nay ở Trung Quốc, nơi có khoảng 3,5 triệu người chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp phải cạnh tranh với nhau để có được sự chú ý của gần 350 triệu người xem trên điện thoại di động.
Công việc mà Fan đang làm tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng chắc chắn có ảnh hưởng đến sức khỏe cô.
"Một gương mặt đẹp và thân hình đầy đường cong chưa đủ. Lúc tôi bắt đầu làm công việc livestream này vào năm 2015, khi đó chưa có cạnh tranh nhiều. Còn bây giờ, bất cứ ai sở hữu chiếc smartphone đều có thể livestream, vì thế bạn sẽ chỉ có một phút, thậm chí vài giây, để tạo ấn tượng và thu hút người hâm mộ mới", Fan nói.
Fan cho biết trước đây cô thường phải thức muộn để làm video livestream, chủ yếu vào khung giờ vàng từ 8 đến 12h đêm. Tuy nhiên, từ sau ca phẫu thuật hồi đầu năm nay, cô thay đổi lịch phát sóng, chỉ livestream hai lần trong ngày, vào khoảng 10h sáng và 8h tối.
Mỗi ngày, Fan dậy từ 9h và làm việc tới nửa đêm, bởi việc livestream không thôi cũng đã mất 5 đến 6 tiếng. Ngoài ra, các công tác chuẩn bị, trang điểm, thay đồ, cũng chiếm thêm 2 tiếng. Fan còn phải đăng tải ảnh và video mới lên tài khoản Weibo, giao lưu với những người theo dõi cô trên nhiều kênh mạng xã hội khác để duy trì lượng người hâm mộ. Hiện cô có khoảng 350.000 fan trên Weibo và 40.000 fan trên Huajiao, một ứng dụng livetream.
"Tôi đang chủ động tìm kiếm các phương thức mới để kiếm tiền, thay đổi nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Tôi đã đầu tư vào một số nhà hàng và đang nỗ lực để những người hâm mộ trên Weibo dần chấp nhận tôi với tư cách blogger về thời trang", Fan nói, đồng thời cho biết hầu hết fan của cô là nữ giới, họ thích thời trang và làm đẹp.
(Theo SCMP)