Cái chết bi thảm của CEO công nghệ Fahim Saleh khiến cộng đồng khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm quốc tế chấn động. Saleh không chỉ là một doanh nhân công nghệ tài ba mà còn là người tiên phong phát triển công nghệ cho các quốc gia đang phát triển. Saleh chính là người đồng sáng lập Pathao, dịch vụ chia sẻ xe ôm công nghệ và giao nhận lớn nhất Bangladesh. Anh cũng là CEO hãng gọi xe Gokada ở Nigeria và là nhà đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp.
"Cái chết của Fahim Saleh là mất mát lớn của đất nước chúng tôi", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Bangladesh Zunaid Ahmed Palak bày tỏ sự tiếc thương vị CEO trên Twitter hôm 15/7.

Fahim Saleh là một trong những doanh nhân công nghệ có ảnh hưởng nhất ở Nigieria và Bangledesh. Ảnh: Gokada.
Saleh có bố mẹ người Bangladesh. Anh sinh ngày 23/9/1986 ở Saudi Arabia và sau đó chuyển đến định cư ở New York, Mỹ. Saleh sớm học lập trình và xây dựng rất nhiều trang web khác nhau như AIMdude.com, iconfun.com, msndollz.com, icondude.com ở tuổi 15. Những trang web này đã đem đến cho Salesh hàng triệu USD khi chỉ ở độ tuổi 20.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bentley ở Massachusetts vào năm 2009, anh đã thành lập PrankDial, một ứng dụng cho phép người dùng gửi các cuộc gọi chơi khăm cho bạn bè của họ. Ứng dụng này được Saleh bán lại với giá 10 triệu USD.
Sau đó, Saleh tiếp tục thành lập hai công ty gọi xe công nghệ, một ở Bangladesh tên là Pathao và một ở Nigeria tên là Gokada. Pathao hiện là dịch vụ gọi xe ôm, giao nhận thực phẩm lớn nhất ở Bangladesh và được định giá trị giá hơn 100 triệu USD. Còn Gokada huy động được 5,3 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái trước khi hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do Nigeria cấm xe máy trong thành phố Lagos. Gần đây, vị doanh nhân này cũng đã đầu tư 15 triệu USD vào Picap, công ty xe gọi xe lớn nhất Colombia.
Là doanh nhân nổi tiếng và giàu có nhưng Saleh giữ lối sống giản dị, không phô trương. Sumeet Rametra, bạn học thời sinh viên của Saleh, cho biết anh là người có lối sống đơn giản và hiếu thảo với cha mẹ. Anh đã mua cho cha mẹ một ngôi nhà và một ôtô điện Tesla.
"Anh ấy thích chạy bộ mỗi buổi sáng. Lịch trình hàng ngày anh ấy đều bận rộn với dày đặc các cuộc họp. Anh ấy là tín đồ của công nghệ và sống một mình với chú chó nhỏ Laila", Sumeet nói.
Cuộc sống của vị CEO này chủ yếu xoay quanh công việc và các chuyến đi đến các quốc gia đang phát triển ở Tây Á, châu Phi để tìm hiểu về các công ty khởi nghiệp ở đó. Saleh đặt tham vọng đưa các ứng dụng công nghệ ở các quốc gia phát triển đến với các nước đang phát triển.

Fahim Saleh là người gần gũi và hiếu thảo. Ảnh: Gokada.
"Fahim là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, nguồn cảm hứng và ánh sáng tích cực cho tất cả chúng ta. Sự thông minh và sáng tạo của anh ấy đã đưa tất cả những người ở thế giới thứ ba (các nước đang phát triển) bước hành trình công nghệ và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau", đại diện công ty Gokada nói về vị CEO quá cố.
Gia đình Fahim Saleh vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của anh. "Chúng tôi không thể tưởng tượng được kẻ sát nhân có thể gây ra tội ác khủng khiếp như thế này", chị gái Saleh chia sẻ.
Hung thủ giết chết Fahim Saleh chính là trợ lý riêng của anh, Tyrese Devon Haspil, 21 tuổi. Người này đã cùng vị CEO đến nhà riêng của anh ở khu Lower East Side, Manhattan vào tối 13/7. Sau đó Haspil đã dùng súng điện khiến vị CEO ngất đi rồi dùng dao đâm nhiều nhát khiến anh tử vong. Ngày hôm sau hắn quay lại phân xác Saleh để xóa dấu vết thì chị gái vị CEO đến gõ cửa nhà và nhìn thấy tửng mảnh thi thể em trai rải rác khắp nhà, bên cạnh là chiếc cưa điện.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, Haspil giết Saleh bởi vị CEO đã phát hiện người này trộm của anh khoảng 90.000 USD. Dù phát hiện bị trợ lý riêng lấy trộm khoản tiền lớn nhưng vị CEO đã không báo cảnh sát mà chỉ yêu cầu người này hoàn trả lại. Tyrese Devon Haspil sẽ bị khởi tố về tội giết người.
Động cơ gây án của trợ lý riêng vị CEO được tiết lộ càng khiến cộng đồng khởi nghiệp thương xót cho vị CEO. "Lòng nhân từ đã khiến anh phải đánh đổi mạng sống của mình", Mark, một cư dân mạng bày tỏ.
Sơn Nam (Theo NYT, CNN)