- Anh nói mình ra đi khỏi hãng phim Giải phóng vì không muốn tiếp tục "vô kỷ luật" hay "ăn cắp" thời gian và tiền bạc của nhà nước. Vì sao đến thời điểm này, khi hầu hết các hãng phim nhà nước bước vào cổ phần hóa, anh mới quyết định ra đi?
- Chuyện tôi ra đi và cổ phần hóa không trực tiếp liên quan gì đến nhau, nhưng nó nói lên một đòi hỏi và xu thế tất yếu cho những cơ chế mới rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên việc cổ phần hóa trên thực tế rắc rối hơn chuyện ra đi của tôi nhiều, và chắc chắn nó không thể thực hiện được trong tương lai gần vì nhiều người chưa muốn nó xảy ra. Có lẽ cơ chế cũ còn những "ưu việt" và một số nhiệm vụ nhất định.
- Anh nói mình muốn đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam thêm phần chuyên nghiệp. Nhưng với một hãng Thiên Ngân hay Phước Sang, điều đó liệu thành công được bao nhiêu?
![]() |
Khi đàn ông có bầu - đạo diễn Phạm Hoàng Nam. |
- Đã, đang và sẽ có nhiều hãng phim tư nhân hơn nữa, và thực tế sẽ trả lời. Đừng nên nhìn điều đó một cách mỉa mai và nghi ngờ như vậy. Đứa trẻ suốt ngày được chăm sóc và quen bú mớm bầu sữa mẹ sẽ rất ngại và coi thường khi nhìn lũ trẻ khác phải tự bươn trải kiếm ăn, nhưng trong số đó sẽ có những đứa thực sự trưởng thành, tự lập và vững mạnh. Khoảng 3 hoặc 5 năm nữa chắc chắn mọi người sẽ có cái nhìn khác. Nhưng hãy cảm thấy điều đó từ ngày hôm nay nếu muốn trưởng thành hay đã là người tự kiếm tiền và tiêu xài những đồng tiền do mình tự kiếm được. Còn nếu vẫn xin tiền của bố mẹ thì không nên mạnh miệng quá.
- Nói đến phim tư nhân, điều đó cũng đồng nghĩa với doanh thu. Vì thế, các hãng tư nhân làm phim thường hướng tới những chủ đề ăn khách, và cũng ít tính nghệ thuật. Anh sẽ thế nào nếu cứ phải làm những tác phẩm thương mại?
- Thực sự tôi không thích những định kiến chủ quan. Chính vì những tư duy như vậy sẽ kìm hãm sự phát triển. Nói hãng tư nhân đồng nghĩa với doanh thu là mới nhìn hẹp từ một góc độ trong nước ở thời điểm hiện tại. Hãy nhìn rộng ra nước ngoài một chút. Trên thực tế có bao nhiêu nước còn hãng phim quốc doanh? Những phim nghệ thuật trên thế giới phải chăng toàn là do các hãng nhà nước sản xuất? Các hãng tư nhân cần thu hồi vốn trong thời điểm ban đầu vì phải tồn tại và vững mạnh. Chắc chắn lúc đó họ sẽ cho ra đời nhiều phim hấp dẫn đa dạng, trong đó có "phim nghệ thuật". Họ đã, đang và sẽ cùng với những "hãng phim cổ phần" làm cho không khí điện ảnh sôi sục hơn.
Điều chúng ta cần là một "chiến lược" và Luật Điện ảnh. Mong những cơ quan chức năng cũng có suy nghĩ như vậy và tạo điều kiện cho các hãng phim tư nhân, cũng như đẩy nhanh cổ phần hóa cho môi trường điện ảnh thêm sức cạnh tranh để phát triển. Tôi kể một câu chuyện vui: Khi đoàn điện ảnh chúng ta hỏi một nhà sản xuất phim Hollywood rằng mỗi năm Mỹ "tài trợ" bao nhiêu tiền cho điện ảnh, họ rất ngạc nhiên và nói rằng: "Tại sao nhà nước phải "tài trợ" tiền cho chúng tôi, họ lấy đâu ra tiền? Chúng tôi đang "nuôi" họ mà".
- Trong "Khi đàn ông có bầu", tính giải trí cũng như thương mại rất cao. Anh nghĩ sao nếu nó trở thành một phiên bản của "Lọ Lem hè phố" - bộ phim ít nhiều khiến anh thất vọng?
- Thử tưởng tượng một ngày, khi điện ảnh Việt Nam sản xuất 100 phim một năm, trong đó có nhiều phim cả "nghệ thuật" lẫn "tính giải trí và thương mại" rất cao, đương nhiên không ai có cơ hội để hỏi cụ thể về tên những bộ phim cụ thể. Tôi ước mong đến ngày đó. Lọ Lem hè phố là của đạo diễn Lê Hoàng do hãng Giải phóng sản xuất, Khi đàn ông có bầu là phim của tôi do hãng Phước Sang sản xuất, hoàn toàn khác nhau, tại sao lại là "phiên bản"? Tôi không thất vọng cụ thể về Lọ Lem hè phố, mà thất vọng vì làm phim thương mại theo tư duy bao cấp.
- Tạo thương hiệu với những bộ phim mang tính nghệ thuật cao, anh nghĩ sao khi từ nay, người ta sẽ nhắc đến Phạm Hoàng Nam với tư cách một nhà sản xuất phim doanh thu?
- Khi dùng từ "thương hiệu" để nói về "tính nghệ thuật", chính điều đó đã tự mâu thuẫn! Cuộc đời tôi thuộc về điện ảnh, và khi quyết định làm điều đó, tôi không phân biệt những thể loại và tìm cách phân loại phim nào mình sẽ làm. Mà ngay cả muốn để trưng bày hay ngắm nghía cũng cần phải có người chứ! Không lẽ tự làm rồi tự ngắm? Tôi cũng chưa có ý định làm "nhà sản xuất" phim. Muốn làm "nhà sản xuất" phim phải vừa có kiến thức, vừa có tiền. Làm đạo diễn thì chỉ cần kiến thức. Tôi thì còn đang mày mò vừa làm vừa học để thêm kiến thức cần thiết cho nghề, nói gì đến "sản xuất". Trước đây, rất nhiều người chỉ "đọc" phim của chúng tôi qua báo chí và đã thành thói quen, thay vì phân tích phim một cách "học thuật" thì họ thường "kể chuyện" phim. Bây giờ tôi muốn khán giả "xem" phim tại rạp.
- Điều gì khiến anh nhận lời làm đạo diễn tác phẩm điện ảnh "Khi đàn ông có bầu", trong khi anh chưa hề đảm nhiệm vai trò này theo đúng ý nghĩa của một đạo diễn phim truyện?
- Tôi muốn thử sức mình và thể hiện khả năng cũng như dự định của mình trong những khu vực và vai trò khác nhau. Tôi nhận lời bởi Khi đàn ông có bầu được làm theo cách chuyên nghiệp và sẽ tiếp tục nhận lời làm nhiều thể loại phim khác nhau theo cách chuyên nghiệp đó.
- Với tư cách đạo diễn của bộ phim "Khi đàn ông có bầu", anh có thể nói gì về "đứa con tinh thần" này?
- Khi đàn ông có bầu là câu chuyện về hai thế hệ trong một gia đình, về mối quan hệ cha con. Nhưng những hành động và trải nghiệm trong cuộc sống cùng những "giấc mơ riêng" của họ lại là "hiện thực chung" của mỗi con người, mỗi gia đình của ngày hôm nay. Vì thế khán giả xem phim và cùng cười, cùng khóc với các nhân vật, đồng thời có thể xem lại chính mình.