Những chai Sriracha của David Trần là biểu tượng tương ớt ở Mỹ, dễ nhận diện bởi chiếc nắp xanh và logo gà trống. Chúng phổ biến trên cả bàn tiệc cũng như trong các bếp ăn gia đình.
Hình ảnh chai nước sốt quen thuộc đến mức ngôi sao như Kylie Jenner làm hẳn style theo và các nhà du hành NASA không quên mang dùng kèm bữa ăn trên trạm không gian. Thậm chí năm 2016, Lexus cho ra đời mẫu thiết kế xe thể thao Lexus IS lấy cảm hứng từ sắc màu của lọ tương ớt này.
Ông Trần ban đầu chưa có ý định trở thành triệu phú như bây giờ, mà chỉ vì không tìm ra nổi tương ớt nào vừa miệng lúc mới nhập cư nên đành tự chế. Thế mà Sriracha giờ là gia vị cho mọi nhà ở Mỹ.
"Tôi vẫn chưa thể tin nổi tương ớt của mình thành ra phổ biến đến thế. Đơn giản là tôi chỉ định làm nước chấm mình thích", cụ ông 72 tuổi chia sẻ từ California khi được hỏi về tăng trưởng ấn tượng của công ty.
'Mọi thứ ngon hơn với Sriracha'
Hồi còn ở Việt Nam, ông Trần đã kiếm sống bằng nghề làm sa tế và tương ớt. Đựng trong bình tái chế, ông bán dạo trên xe đạp cho các quán ăn. Đến TP Los Angeles năm 1979, cư dân gốc Việt không thể tìm ra nổi vị tương ớt nào ưng ý. Bằng tay nghề sẵn có, người đàn ông này tự đáp ứng nhu cầu gia vị quê hương cho mình, rồi cho người nhập cư Đông Nam Á tại nơi ở mới.
Khởi đầu, ông vẫn giao tương ớt dạo như ngày nào nhưng lần này, trên xe van và trong khu phố người Hoa. Chiếc ôtô màu lam được ông Trần tự tay sơn logo gà trống mà nhiều năm về sau trứ danh. Lý do là ông chào đời năm con gà (1945). Biệt danh "tương ớt gà trống" như cách được gọi hiện tại xuất phát từ năm sinh chủ nhân của nó.
Thành phần chính của Sriracha gồm ớt tươi, muối, đường và giấm. Chúng đều có nguồn gốc địa phương. Ông Trần nói rằng: "California không thiếu thứ gì cần để làm tương ớt, chẳng khi nào tôi thấy phải nhập khẩu nguyên liệu". Điểm khác biệt của thứ nước sốt này là sệt, cay nhưng không át hương vị đồ ăn. Chính ông Trần là người hâm mộ tương ớt mình làm ra khi khẳng định cho lên mọi món ăn hằng ngày và tuyên bố: "Mọi thứ ngon hơn với Sriracha".
Nhu cầu cho Sriracha tăng vùn vụt khiến nghệ nhân tương ớt cuối cùng phải mở nhà máy để phục vụ. Nhãn hiệu gia đình Huy Fong Foods đi vào sản xuất từ năm 1980, một năm sau ngày ông chủ đặt chân đến nước Mỹ.
Công thức bí mật hơn cả Bộ Quốc Phòng Mỹ
Tương ớt Sriracha bắt nguồn từ thị trấn ven biển Si Racha, Thái Lan. Ông Trần sau đó đưa vào một vài điều chỉnh để tạo ra phiên bản của riêng mình và hàng chục năm nay chưa bao giờ thay đổi công thức.
Kể từ ngày ấy, tương ớt con gà chưa từng trải qua một năm doanh số giảm, dù không quảng cáo và ít khi tiếp báo chí.
Mặc dù vậy, hữu xạ tự nhiên hương, Sriracha chẳng đừng được tiếng tăm khi đầu bếp dẫn dắt xu hướng David Chang đưa nó vào trong thực đơn nhà hàng nổi danh của mình ở New York và các quán ăn khác dần học hỏi theo. Ngoài ra, nhà phê bình ẩm thực Randy Clemens không viết một, mà tới hai cuốn sách về nước sốt của David Trần. Tạp chí ẩm thực Bon Appétit cũng chọn tương ớt gà trống là Nguyên liệu của năm 2017.
Bước ngoặt thực sự cho Sriracha thành hiện tượng là từ khoảng 4-5 năm trước. Cho đến lúc đó vẫn tồn tại một sự bí ẩn bao trùm quanh những chai tương ớt nắp xanh, về thành phần cũng như công thức làm nên thứ "nước sốt bí mật". Trong nhiều năm, người ta đồn rằng bước chân được vào nơi sản xuất chúng còn khó hơn xâm nhập vào Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Tuy nhiên, khi thông tin này đến tai ông Trần, vị chủ nhân không muốn bị hiểu nhầm và quyết định mở cửa đón khách lần đầu tới trụ sở Huy Fong Foods 60.000 m2 tại TP Irwindale, California vào năm 2014. 10.000 fan của Sriracha ùa đến tham quan quy trình sản xuất gia vị trứ danh. David Trần và tương ớt gà trống đến gần hơn với công chúng hơn bao giờ hết.
Năm 2014, công ty bán ra 20 triệu chai Sriracha, thu về 60 triệu USD và con số kể từ đó tăng nhanh. Ước tính ngày nay khoảng 180.000 chai được đóng mỗi giờ.
Nước sốt người giàu bán giá người nghèo
Ngoài bom tấn "gà trống", Huy Fong Foods bán các lọ sa tế, sốt sambal, sốt tỏi ớt…, đều trở thành hàng hot ở không chỉ Mỹ, Canada, Mexico mà còn nhiều nước khác. Quốc gia có nền ẩm thực phong phú như Ấn Độ cũng có nhà nhập khẩu và phân phối Sriracha độc quyền. Họ bán được 100.000 chai trong 2 năm và nhận xét rằng đó vừa là gia vị hảo hạng trên bàn ăn sang trọng vừa có thể dùng tại bếp gia đình.
Một nguyên nhân khác được nhìn nhận dẫn đến việc tương ớt và các đồ ăn đậm gia vị nói chung ngày càng được ưa chuộng ở Mỹ là dân nhập cư đông hơn, đem theo ẩm thực đa dạng mà thường nhận nhiều lời khen.
Sriracha, hơn một cái tên sản phẩm, giờ được nhắc đến như một chủng loại gia vị đặc trưng. Các tập đoàn nước sốt hàng đầu như Heinz hay Tabasco thậm chí đều ra mắt một dòng tương ớt kiểu Thái riêng và đặt ngay tên Sriracha để quen thuộc với người mua.
Lợi nhuận, với ông Trần, chưa bao giờ là động lực chính. Điều này được phản ánh trong chính triết lý kinh doanh cốt lõi của trùm tương ớt gốc Việt: "Nước sốt người giàu bán giá người nghèo". Muốn Sriracha là tương ớt cho mọi người, ông quan điểm: "Tôi vui và tự hào vì sản phẩm được tận hưởng bởi mọi nền văn hóa. Để đảm bảo ai cũng có thể mua, giá cần rẻ. Nhưng chất lượng phải ở mức cao".
Gần 40 năm kể từ ngày David Trần khởi nghiệp, các con ông đang nối nghiệp cha. Khi được hỏi dạy gì cho các con, ông nói đùa: "Ồ tôi làm việc cho chúng đấy chứ". Con trai và con gái ông Trần lần lượt nắm vai trò chủ tịch và phó chủ tịch công ty.
Không bán cổ phần và liên tục khước từ các nhà đầu tư tài chính, người đàn ông với công ty gia đình này có tầm nhìn luôn rõ ràng: "Tôi muốn thấy mọi người với chai Sriracha trong tay".
Quốc Việt
Theo Economic Times