Thứ ba, 12/1/2016, 09:29 (GMT+7)

Cụ bà 40 năm ép giấy bằng bàn ủi con gà

Trong nhịp sống hiện đại, cụ Trần Thị Ba (75 tuổi) vẫn miệt mài gắn bó với nghề ép giấy bằng bàn ủi con gà để kiếm từng đồng mưu sinh.

Nghề ép giấy bằng bàn ủi con gà thịnh hành từ trước năm 1975. "Sau khi giải phóng, nhu cầu ép giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ lao động... nhiều khiến nghề ép giấy nở rộ. Từ đó tôi cũng sắm cho mình bộ đồ nghề mưu sinh từ đó đến nay", cụ Trần Thị Ba kể.

Sáng sớm, cụ lại ra ngồi tại một góc phố trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bắt đầu công việc của mình. Việc đầu tiên chính là cho những hòn than hồng vào bàn ủi.

Đến khi than cháy sinh ra nhiệt, bàn ủi nóng lên là lúc bà bắt đầu công việc ép giấy của mình. 

Bàn ủi con gà được dùng những thập niên trước nay không còn nhiều thay bằng bàn ủi điện và máy ép hiện đại. Nhiều người hỏi mua chiếc bàn ủi cổ nhưng cụ nhất quyết không bán vì đơn giản đây là dụng cụ hành nghề không thể thiếu.

Sau khi nhận hàng, cụ cắt nilon bao quanh mẫu giấy cần ép.

Thanh sắt có những ngất dùng để 2 mẫu nilon dính chặt vào nhau trước sức nóng của bàn ủi. "Nguyên lý đơn giản vậy thôi nhưng rất hiệu quả, có nhiều quyển sách dày hay giấy tờ to mà máy ép hiện đại không làm được họ lại cần đến tôi", cụ móm mém nói.

Mỗi lần ép giấy tiền công từ 5.000 đến 15.000 đồng tùy vào từng mẫu giấy. "Ngày xưa có ngày làm không kịp, tôi làm không có kịp phải đưa về nhà làm. Còn dạo này họ ít ép hơn rồi vì nhiều máy móc hiện đại ra đời", cụ cho biết.

Ngoài cuộc sống mưu sinh, việc ép giấy cũng là niềm vui của cụ vì hơn 40 năm nay cụ vẫn ngồi ở đó để làm công việc này. Có nhiều người không cần ép nhưng là khách quen hay đến nói chuyện với cụ. 

Khách hàng của cụ đủ thành phần từ công chức, tiểu thương, học sinh... "Có những loại giấy tờ hay tập sách đưa ra ủng hộ cụ. Ép thủ công của cụ vậy chứ đẹp và kỹ hơn", một khách hàng nói.

Những ngày trời mưa không có khách, cụ Ba ngồi một mình bên góc phố. "Giờ già rồi không biết làm gì, làm nghề này dù thu nhập ít những cũng kiếm được đồng ra đồng vào sống qua ngày, khi nào sức yếu không còn làm được nữa thì nghỉ", cụ cho biết.

Hoàng Trường

Đánh giá phiên bản mới