Suốt phiên xét xử ngày 16/10 tại TAND huyện Cẩm Xuyên, Phan Văn Thìn (31 tuổi, trú xã Cẩm Quan) tiên tục khóc, nói ân hận vì phút bốc đồng, nóng giận nhất thời đã gây trọng tội với mẹ, giờ phải trả giá. "Tình mẫu tử hàng chục năm, trong phút chốc bỗng tan thành mây khói", bị cáo khai.
Thìn cùng vợ và hai con nhỏ sống với bố mẹ già ở thôn Thanh Mỹ. Anh ta không có nghề nghiệp ổn định, thường tham gia các băng nhóm đòi nợ thuê trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên để kiếm tiền. Kinh tế gia đình vì thế cũng nhiều khó khăn nên nam thanh niên hay cáu gắt với mọi người, nhiều lúc có thái độ hỗn hào với mẹ đẻ.
Đầu cúi gằm xuống bục khai báo, Thìn kể, tối 11/2 khi đi chơi về, thấy thức ăn vương vãi trên nền bếp nên trách mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Linh (59 tuổi) là "không đóng cửa để chó mèo tha thức ăn khắp nơi". Bà Linh khi đó mới từ bên nhà hàng xóm về đáp: "Cứ để vậy, lát nữa lau dọn". Thìn gằn giọng: "Dọn thì làm đi".
Hai mẹ con sau đó to tiếng, Thìn định lấy xe máy đi chúc Tết song bà Linh không cho, giành lại chìa khóa nên bị con trai đánh trả. Vợ Thìn là chị Nguyễn Thị Trâm cùng một người hàng xóm liền chạy tới can ngăn. "Tôi bị mẹ mắng, cầm cốc thủy tinh ném trúng người. Khi bà cầm cuốc định đánh, tôi giành lấy rồi vứt đi", Thìn trình bày.

Bị cáo Thìn tại tòa. Ảnh: H.L
Giọng run run, bị cáo cho biết, khoảng một phút, tưởng mẹ đã nguôi giận nên anh lại lấy xe máy rời khỏi nhà, song bị bà Linh chạy lại rút chìa khóa. Hai người tiếp tục xô đẩy, tranh nhau chùm chìa khóa. Trong quá trình này, Thìn xô bà Linh ngã đập đầu xuống nền sân xi măng khiến bà bất tỉnh. Nạn nhân được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, một tuần sau tử vong.
Chủ tọa hỏi: "Tại sao khi mẹ kiên quyết ngăn không cho lấy xe máy đi chơi mà bị cáo vẫn cố tình giành cho bằng được?". Thìn đáp, lúc đó không làm chủ được bản thân nên hành động mù quáng. Khi mẹ ngã xuống nền xi măng, nghĩ bà chỉ bị vết thương nhẹ ngoài da thôi, không hay biết nó nguy hiểm đến tính mạng.
"Ngày đưa tang mẹ, lòng bị cáo day dứt khi không thể tiễn bà lần cuối. Bảy tháng bị tạm giam, đêm đến ngủ không tròn giấc, lúc nào cũng ám ảnh bởi sự việc do mình gây ra. Là anh cả, bố của hai con nhỏ, đáng lẽ tôi phải gương mẫu", Thìn cho hay.
Được tòa mời thẩm vấn, ông Phan Văn Hân (57 tuổi, bố Thìn) cho biết rất đau lòng, khi trong một phiên tòa, mình vừa là đại diện cho bị hại lẫn bị cáo. Ông cho hay, gần một năm qua khi vợ mất, con đi tù, gia đình ông sống khép kín, ngại tiếp xúc với xóm làng. Việc Thìn vướng lao lý ngày hôm nay cũng có một phần lỗi ở ông, khi không giáo dục được con sống tử tế.
"Sự việc đã qua, giờ có làm gì đi nữa thì vợ cũng không thể quay về. Bài học này giá thật đắt. Mong tòa giảm nhẹ hình phạt để Thìn sớm trở về làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội", ông Hân nói.
Được nói lời sau cùng, Thìn khoanh tay, quay mặt lại gửi lời xin lỗi đến bố, vợ con, cùng họ hàng phía dưới. Hàng trăm người ngồi chật kín hội trường bỗng cất lên nhiều tiếng thở dài, nói vừa giận vừa thương Thìn, đây cũng là bài học cho họ để giáo dục con cái được tốt hơn.
Nhận định hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đau thương tới nhiều người, HĐXX phạt Thìn 7 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, theo điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Bị cáo còn phải chấp hành thêm bản án một năm tù về tội Bắt giữ người trái pháp luật được tuyên hồi tháng 7, tổng hình phạt là 8 năm.
Trước khi rời phòng xử, Thìn xin phép được đi bên cạnh vợ cùng hai con nhỏ vài phút, sau đó im lặng, lấy tay lau nước mắt rồi bước lên xe thùng đi thụ án.