
Eric Trump và vợ Lara trong bài phát biểu vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump ở Tulsa, bang Oklahoma, hôm 21/6. Ảnh: Independent.
"Chúng tôi sẽ gìn giữ những giá trị đạo đức của đất nước này, bởi khi bạn nhìn thấy một điều vô nghĩa trên tivi, khi bạn nhìn thấy những con vật này đang dần dần tràn ra khắp các thành phố của chúng ta, đúng không? Thiêu trụi cả các nhà thờ ư? Đây không phải nước Mỹ. Đó không phải những gì mà người Mỹ làm", Eric Trump, 36 tuổi, nói khi đứng cạnh vợ trong bài phát biểu vận động tái tranh cử cho ông Donald Trump trước đám đông ở Tulsa, bang Okahoma, hôm 21/6.
"Những người đó chỉ đại diện cho một phần nhỏ xã hội chúng ta, bởi vì bạn biết không, chúng ta có những con người vĩ đại nhất thế giới, và họ không thích kiểu hành xử như thế", Eric nói tiếp.
Theo Metro, Eric không phân biệt giữa những người biểu tình ôn hòa và những người đã gây ra bạo loạn. Theo báo cáo, không có nhà thờ nào bị thiêu trụi, tuy nhiên có vài nhà thờ bị hư hỏng. Một vụ cháy đã xảy ra tại nhà thờ St John's Episcopal gần Nhà Trắng nhưng đã được dập tắt trước khi nó kịp gây ra tổn thất.
Trong bài phát biểu, Eric Trump cam kết chính quyền của bố mình sẽ bảo vệ các quyền tự do tín ngưỡng đang bị "tấn công ồ ạt trong đất nước này".
Eric, con trai út của ông Trump với người vợ đầu tiên Ivana, cũng tuyên bố trong bài phát biểu rằng việc đám đông tập trung để theo dõi cuộc vận động tranh cử cho thấy người Mỹ đã chán với việc bị phong tỏa bởi Covid-19.
"Đây chính là điều mà đất nước này muốn. Đây thực sự là ví dụ hùng hồn cho thấy đất nước chúng ta muốn đi đến đâu. Họ muốn năng lượng. Họ muốn tinh thần. Họ muốn thoát ra khỏi ngôi nhà của mình", Eric nói.
Cuộc vận động tại thành phố Tulsa là sự kiện quan trọng đầu tiên của ông Trump trong chiến dịch tái tranh cử, kể từ khi Covid-19 càn quét khắp đất nước, khiến gần 2,3 triệu người nhiễm và hơn 120.000 người chết. Sự kiện này hứng chỉ trích kịch liệt bởi vừa có nguy cơ khiến Covid-19 lan rộng, vừa bị coi là nhạy cảm với lịch sử của Tulsa, nơi từng diễn ra một trong những vụ thảm sát người da màu tồi tệ nhất nước Mỹ vào năm 1921, với khoảng 300 người chết.
Hướng Dương (Theo Metro)