Phạm Giang, chàng trai vừa tốt nghiệp trường đại học Kinh tế Quốc dân, đã chia sẻ câu chuyện xúc động và đáng ngưỡng mộ về cuộc chiến đấu của cả gia đình để giành lại sự sống cho người mẹ từ tay thần chết. Những thông tin hữu ích này đồng thời cũng là động lực để những bệnh nhân ung thư chống chọi với tật và giúp mỗi người có sự điều chỉnh thích hợp nhằm bảo vệ sức khỏe.
Mẹ của Phạm Giang mắc bệnh ung thư vú, di căn giai đoạn 2. "Cái tin sét đánh" đó ập đến đã làm cho cả gia đình cậu "rất loạn". Họ hàng, người thân đều ở quê, chỉ mình gia đình cậu sống trên Hà Nội. Bố của Giang thường xuyên phải đi công tác, anh trai của Giang đang thất nghiệp và bản thân cậu đang căng thẳng ôn thi đại học... Mọi chuyện vô cùng khó khăn.
"11/3/2012 là cái ngày mẹ tôi lên bàn mổ tại bệnh viện K, cắt bỏ khối u ung thư. Sau khi mổ xong, bác sĩ bảo cơ thể mẹ quá yếu, không thể truyền hóa chất, nếu có truyền thì chỉ diệt được 30% khối u di căn thôi và diệt tế bào lành nhiều hơn. Như vậy, sự thật là bệnh viện trả về và nằm chờ chết.
Cả nhà như tuyệt vọng, tôi với anh trai dù cứng rắn mấy cũng phải khóc, bất lực. Bạn bè, người thân tới thăm động viên mẹ, họ cũng biết rằng căn bệnh này không thể sống lâu. Bởi vậy, một số người còn nói riêng với cả hai anh em và bố là chuẩn bị tinh thần sớm đi. Nhưng lúc đó, lúc mà cái gia đình này yếu đuối nhất thì cũng là lúc tôi thấy được giá trị và trách nhiệm của người trụ cột trong gia đình. Bố tôi, vẫn đi làm để duy trì thu nhập cho gia đình, bố động viên và giao nhiệm vụ cho hai anh em phải chăm sóc mẹ và tôi thì cố gắng học để thi đỗ đại học. Bố về quê nói chuyện với ông, các cô (bố là con trưởng), động viên mọi người. Bố không hề gục ngã chút nào cả và chỉ cần có thế cũng quá đủ để hai anh em tối bấu víu niềm tin và đứng dậy", Phạm Giang chia sẻ về những ngày tháng đã qua.
Từ lúc đó đến giờ, bố của Giang ít đi công tác, về nhà sớm hơn, chủ động vào bếp làm việc nhà và gần như gánh vác tất cả mọi công việc thay vợ. Cùng với bố tìm tòi các bài thuốc nam, Phạm Giang đã lên cả thực đơn ăn uống, thuốc thang để giúp mẹ cậu kéo dài thời gian sống. Những kinh nghiệm chăm sóc mẹ bị ung thư đã được cậu tổng kết lại một cách chi tiết. Đó là:
1. Phương pháp chữa bệnh ung thư
- Uống thuốc Tây: Khi xuất viện, bác sĩ có kê đơn thuốc cho mẹ của Giang. Cậu đã tìm hiểu trên mạng và biết được rằng, thực ra chủng loại ung thư của mẹ cậu thuộc loại đặc biệt, không phải thuốc nào cũng uống được. "Chính bác sĩ cũng không biết, bởi vậy nên nhiều khi bác sĩ phát nhầm thuốc thì bố lại mua đúng chủng loại đó cho mẹ. Khốn nỗi thuốc dành cho người ung thư này đắt lắm", Giang cho biết. Theo cậu, thầy thuốc tốt nhất với bệnh nhân là chính mình.
- Các bài thuốc cổ truyền, truyền miệng, thuốc nam, thuốc Đông y: Có bệnh thì vái tứ phương, mẹ của Giang đã thử qua nhiều phương pháp, thậm chí cả những cách "thần thánh" như vẩy tay, ngồi thiền, rồi nghe hát... Hầu hết đều không hiệu quả hoặc hiệu quả chẳng đáng kể. Riêng về thuốc nam, thuốc Đông y, Phạm Giang rút ra một số điều khi mẹ cậu thử khá nhiều loại.
Giang cho biết: "Mẹ tôi hiện nay vẫn tự bốc thuốc cho riêng mình với các thảo dược, liều lượng do mẹ điều chỉnh, chủ yếu là có linh chi, cây lược vàng. Hai loại dược liệu này sinh ra ở nơi đất xấu, bởi vậy rất khó uống và có thể tiêu được một phần. Do hồi xưa mẹ học về nông nghiệp, rồi làm tại Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam nên việc tìm mua được các loại dược liệu này cũng dễ và an toàn. Mẹ mình còn ăn thêm cả quả mắc-ca, tỏi đen.
Uống thuốc nam cũng phải cẩn thận vì có thể chữa được bệnh này thì lại bị bệnh khác. Ví dụ, mẹ mình uống tam thất để giảm đau nhưng khi sử dụng cái đó thì lại bị ù tai, suýt bị điếc. Thêm nữa, khi đi cắt thuốc của một số thầy lang thì thường là thuốc gốc từ Trung Quốc, thuốc khi sắc lên rất hôi và bẩn. Nếu rửa sạch thuốc rồi bỏ lần sắc đầu tiên thì như vậy hiệu quả cũng giảm".
2. Chế độ ăn low/no carb cho người ung thư
Phạm Giang đã nghiên cứu kỹ chế độ dinh dưỡng này để áp dụng cho mình (giảm cân từ 92 kg xuống 57 kg) nên cậu hiểu khá rõ về phương pháp. Phạm Giang cho biết nguyên lý cơ bản khi bắt đầu theo chế độ low carb (cụ thể là Das Diet) như sau: "Các tế bào ung thư (hay còn gọi là u, đặc biệt là u ác như mẹ tôi) có thể được coi là những tế bào rất tham ăn. Khi truyền năng lượng (thức ăn, nước uống, thuốc...) vào cơ thể, những tế bào ác này sẽ hấp thụ trước và phát triển. Cũng dựa vào nguyên lý này, khi một cơ thể được truyền hóa chất, các tế bào u ác này sẽ hấp thụ trước và tự chết. Và tất nhiên các tế bào lành cũng nếm thử một ít và cũng chết theo. Bởi vậy, việc truyền hóa chất khiến bệnh nhân rụng tóc và cơ thể yếu đi. Còn về xạ trị, việc chiếu xạ vào cơ thể để làm các tế bào ung thư bị tiêu diệt - liệu pháp này chỉ áp dụng với các tế bào ở ngoài, còn khi đã di căn vào nhiều chỗ ở bên trong cơ thể thì 'chịu chết'.
Điều đặc biệt là các tế bào ung thư quái ác này hấp thụ Glucose gấp 20 lần tế bào bình thường. Khi bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn di căn thì nó càng hấp thụ Glucose mạnh và có nghĩa rằng bao nhiêu cơm gạo, hoa quả, đường sữa... bệnh nhân ăn hàng ngày sẽ đem ra để nuôi tế bào ung thư hết. Và càng chữa trị thì tế bào ung thư sẽ càng phát triển. Bởi đơn giản là phẫu thuật, xạ trị, tiêm hóa chất không tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Cắt xẻo chỗ này mà vẫn cung cấp glucose cho tế bào ung thư thì nó lại lan ra chỗ khác".
Hiểu nguyên lý phát triển của bệnh như vậy, Phạm Giang đã lên thực đơn hàng ngày cho mẹ theo chế độ low carb và high good fat. Bằng việc nâng nồng độ ketone trong máu, giảm glucose xuống tối đa, tế bào ung thư sẽ chết. Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư được chia theo quy tắc đèn giao thông như sau:
- Đèn đỏ: Những thức ăn cần phải kiêng tuyệt đối là những thực phẩm chứa đường và tinh bột (gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mì, đường, sữa không đường (tuy không có đường kính nhưng bản thân trong sữa đã có lượng đường lactoza cao) và sữa có đường, bánh ngọt, lạc, hạt điều, đỗ, vừng (nếu chỉ ăn 50-100 gr thì không vấn đề gì), tất cả các loại hoa quả (không ăn ít nhất trong 2 tuần đầu, sau đó có thể ăn các loại quả trong nhóm 'đèn vàng'), đồ ăn nhanh, rượu, bia).
- Đèn vàng: Những thực phẩm được ăn ít và chỉ được sử dụng một loại thực phẩm thuộc nhóm đèn vàng trong một ngày (Pho mát (không quá 200 gr), cà chua (300 gr/ngày), hành tây, cà rốt (400 gr/ngày), cùi dừa (200-300 gr/ngày), nước cốt dừa (loại ít ngọt, 200-300 ml/ngay), hạt mắc-ca (100-200 gr/ngày), chanh leo (3-4 quả/ngày pha với đường ăn kiêng), dâu tây, mâm xôi, quả bở (300 gr/ngày), củ đậu (200 gr/ngày)...
- Đèn xanh: Những thực phẩm được ăn thoải mái, không hạn chế (Tất cả các loại thịt có mỡ hoặc không nhưng không ăn nguyên cả miếng thịt mỡ và không ăn thịt nạc như ức gà, thịt bò vì ít chất béo, trứng, dầu mỡ, bơ, hải sản, trà xanh, trà mạn, rau xanh, rau gia vị...).
Nguyên nhân gây ra ung thư rất đa dạng nhưng kiểm soát chế độ dinh dưỡng là liệu pháp hiệu quả, an toàn. Người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống như thế này khoảng 3 năm để bệnh giảm. Với mẹ của Phạm Giang, chỉ sau 1-2 tuần ăn low carb với thực đơn dưới đây đã cảm thấy không còn bị đau nhiều.
- Buổi sáng: Uống nghệ pha với mật ong và tam thất; uống nước linh chi; ăn rau xanh + cá/thịt, thỉnh thoảng đổi món với trứng.
- Bữa trưa, chiều, tối: Gạo lứt/miến hoặc ăn ít cơm/mì hàn quốc với lượng khoảng 1/2 bát. Gạo lứt muối mè là món ăn thường xuyên của mẹ Phạm Giang; Rau xanh; cá, thịt.
3. Trị liệu về mặt tinh thần
Niềm tin vào tương lai là điều quan trọng nhất với người bị bệnh ung thư. Theo Phạm Giang, chính sự chia sẻ từ những người vượt qua được căn bệnh này là cách tạo niềm tin tốt nhất. Ngoài ra, trong quá trình chiến đấu với ung thư vú, mẹ của Phạm Giang còn áp dụng các phương pháp sau để có tinh thần tốt:
- Phương pháp vẩy tay theo Dịch Cân Kinh: Từ giữa năm 2012, bà đã kiên trì áp dụng cách này, mỗi ngày vẩy tay 2.000 cái. Những lúc bệnh phát tác, bà đều tập vẩy tay để giảm cảm giác đau đớn. Cách này bây giờ bà vẫn thực hiện như một bài tập thể dục.
- Phương pháp ngồi thiền: Cũng như vẩy tay, cách này tuy không trực tiếp chữa bệnh nhưng giúp người bệnh thanh thản, thoải mái hơn để tiếp tục chiến đấu. Hiện nay có nhiều môn phái thiền nên người bệnh có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhất với mình.
4. Giữ ấm cơ thể
Theo Phạm Giang, bệnh ung thư phát triển rất nhanh đối với những người có thân nhiệt thấp, người lúc nào cũng yếu, lạnh. "Mẹ tôi là người điển hình. Đặc biệt vào mùa đông 2015 vừa qua, nhiệt độ chung xuống rất thấp, bởi vậy, những lúc lạnh nhất thì mẹ cũng bị khối u cắn. Thường những lúc đó, mẹ sử dụng tấm thảm nhiệt để giữ ấm cơ thể".
Song Giang
Theo FB Phạm Giang