Đầu năm 2007, sau một lần đi khám bệnh định kỳ, ông Lê Nam Thắng, một cán bộ ngân hàng nghỉ hưu tại Hà Nội, bị sốc khi được bác sĩ thông báo mắc ung thư hạch (giai đoạn 3). Lúc đó, bà Nguyễn Thị Duyên, vợ ông Thắng còn đang đi làm, đã "nuốt nước mắt vào trong", trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp chồng vượt qua được sự buồn chán, mệt mỏi về tinh thần và thể trạng. Sau 9 năm, nhờ có sự sát cánh của người vợ hiền, ông Thắng đã khống chế được sự phát triển của khối u, "làm nên một kỳ tích" mà chính các bác sĩ điều trị cho ông cũng phải bất ngờ.
Nhớ về những ngày đầu khi biết tin chồng bị ung thư, bà Duyên vẫn chưa hết bàng hoàng. Còn với ông Thắng, từ một người khỏe mạnh, lạc quan, ông trở nên sa sút về tinh thần, gầy và yếu hẳn đi. Sau mỗi đợt truyền hóa chất, ông đều bị rụng tóc, mệt mỏi và nôn mửa. Cùng thời điểm này, con dâu của ông bà chuẩn bị nhập viện sinh em bé, bà Duyên đã quyết định cùng ông vào viện phụ sản để chứng kiến sự ra đời của cháu đích tôn. "Sau khi nghe thấy tiếng khóc chào đời của cháu nội, ông ấy như bừng tỉnh. Ông ấy hạnh phúc đến phát khóc", bà Duyên kể lại. Sau lần đó, tinh thần của ông Thắng cũng phấn chấn hơn, ông không còn nghĩ nhiều đến bệnh tật của mình mà chuyên tâm chạy chữa bởi ông muốn "làm một ông nội lạc quan, yêu cuộc sống để trở thành tấm gương cho con cháu".
Gia đình có thêm thành viên mới, mọi mối quan tâm đều dành cho em bé, bà Duyên cũng nhân cớ này để "lên giây cót tinh thần" cho ông xã. Bà "rủ" ông mượn một mảnh đất trống của người bạn cùng xóm để trồng rau sạch, trước là để ông "đỡ buồn chân, buồn tay" và sau là có rau sạch nấu cháo cho cháu, cho cả gia đình ăn. Cứ như thế, sau mỗi lần đi truyền hóa chất về, nghỉ ngơi đỡ mệt là ông bà lại cùng nhau ra vườn. "Khi làm vườn, ông ấy không những được hòa vào thiên nhiên, cây cỏ mà còn mau đói bụng và ăn được nhiều hơn. Ông ấy còn bảo là mỗi khi ngồi ngắm vườn rau của mình xanh tốt, lớn từng ngày, bao nhiêu mệt mỏi bỗng tiêu tan", bà Duyên vui vẻ kể về thú vui vườn tược của hai ông bà.
Sau 3-4 năm điều trị bằng hóa chất, ông Thắng quyết định dừng phương pháp chữa bệnh này và dành nhiều thời gian để điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Cộng thêm với sự động viên tinh thần của người bạn đời luôn sát bên, ông Thắng đã lấy lại được nhiều phần sức khỏe. Và điều đáng nói là tinh thần của ông thay đổi hoàn toàn theo hướng tích cực. Bây giờ, trong gia đình ông Thắng - bà Duyên luôn tràn ngập tiếng cười và những câu chuyện vui về dự định cho tương lai. Điều này trái ngược hoàn toàn với khoảng thời gian u ám khi ông Thắng biết tin mình mắc bệnh. 6 năm nay, dù ngày nắng hay mưa, ông bà đều không quên ra vườn tưới nước, chăm cây hay đơn giản chỉ là cùng nhau ngồi ngắm mảnh vườn nhỏ - thành quả của những tháng ngày vất vả. Nhìn ông Thắng thoăt thoắt cắt rau trong vườn, không ai có thể tin rằng đó là một bệnh nhân ung thư và từng chán nản tột cùng.
"Ông ấy là trưởng họ, mọi việc lớn, bé trong họ tộc đều do ông ấy đứng ra lo liệu. Ông ấy luôn là người sống có trách nhiệm với tất cả mọi người cho dù ông ấy đang mang trọng bệnh", bà Duyên cho biết. Mỗi năm đều đặn 4 lần, ông bà lại xách balo về quê để lo việc họ tộc. Ông Thắng "không cho phép" mọi người nghĩ ông là một người bệnh, chừng nào còn khỏe thì ông vẫn tiếp tục góp sức sửa sang nhà thời họ, quy tập mồ mả của ông bà cha ông và làm những việc có ích khác.
Lệ Thúy