
Ảnh minh họa: QQ
Hải My, nhân viên văn phòng, 34 tuổi, sống tại Hà Nội, nói cuộc sống trở nên xáo trộn khi hai con trai vừa học xong lớp 4, 5. "Bình thường, con cần đi học đúng giờ, phải tuân theo thời khóa biểu của nhà trường. Nhưng vì được nghỉ hè nên buổi sáng mẹ gọi con rất khó. Lịch của các con thay đổi nên nhịp sinh hoạt cả gia đình cũng phải thay đổi theo", My nói.
Vì không gửi được con cho ai trông giúp, mấy hôm liền, vợ chồng My phải để con ở nhà một mình. Cô hay bị công ty trừ tiền phụ cấp cơm trưa do đi muộn vì phải chuẩn bị đồ ăn sáng, ăn trưa cho con. Vợ chồng My kiểm tra camera, nhắn tin hoặc gọi điện nhắc nhở con tự ăn uống, làm bài tập về nhà và cho phép bé xem TV nhiều hơn.
My cho biết cô cũng dặn dò hai con kỹ rằng: không mở cửa cho người lạ, không nghịch điện, gas, cấm leo trèo lung tung. "Nhưng nói thật việc để con ở nhà không có người lớn trông coi, hai vợ chồng cũng nơm nớp lo suốt ngày, làm việc mà lòng như ngồi trên đống lửa", My nói. Cô cũng phải nhờ các hàng xóm thân quen thi thoảng sang để ý con giúp, tránh xảy ra sự cố.
Mỗi ngày, gia đình Hải My cũng trải qua loạt tình huống bi hài. "Kể ra thì cười chảy nước mắt. Có bữa, hai anh em ở nhà hí hoáy nghịch ngợm, làm đổ tủ, vỡ bát đĩa, bác hàng xóm thấy tiếng động lớn, liền gọi điện cho tôi như báo động đỏ". Lúc đó, My phải tức tốc chạy vội về xem con thế nào.
Kể từ lần ấy, một vài hôm vợ chồng My thay nhau nghỉ phép hoặc xin làm từ xa để trông con, năng suất công việc cũng giảm đi thấy rõ. "Có hôm mình đang họp online, con trai nhỏ sau lưng vừa mặc đồ siêu nhân vừa hét to: 'Mẹ ơi, cứu thế giới", My kể.
Video tổng hợp các pha náo loạn của 'khối nghỉ hè' năm nay. Video: Facebook Người CưJút
My cũng từng thử đưa một bé nhỏ đi làm cùng, nhưng cảm thấy "khó lắm". Bởi vì văn phòng không phải ở nhà, bé nhanh chán, hỏi 1001 câu và chạy nhảy khắp nơi. My giải thích: "Mình vừa phải làm việc, vừa canh chừng con, khó mà tập trung được. Đồng nghiệp thông cảm nhưng đôi lúc cũng nhăn mày nhăn mặt".
Hiện tại, vợ chồng My tính sẽ gửi con về quê ở Nghệ An vài tuần để ông bà trông giúp, hoặc đăng ký mấy lớp học thêm, học năng khiếu cho con có chỗ "gửi tạm". Đôi vợ chồng từng nghĩ đến việc thuê người trông con theo giờ nhưng giá cao, mà cũng không yên tâm khi giao con cho người lạ. "Hết hai, ba tháng hè, chắc chắn chi phí sinh hoạt của gia đình sẽ tăng vừa vì con ăn ở nhà nhiều hơn, cả học thêm và vợ chồng biếu ông bà một khoản vì chăm cháu giúp", bà mẹ hai con nói.
Nguyễn Lan, 37 tuổi, cũng là nhân viên văn phòng, đến từ TP HCM có cách làm khác. Gia đình cô gửi con vừa học xong lớp 4 về nhà ngoại ở Bình Dương từ sớm. "Mọi chuyện không tới mức sứt mẻ nhưng có căng thẳng. Ông bà đều hơn 70 tuổi, trông cháu cả ngày dễ mệt, có lúc bực mình quát cháu. Mà trẻ con đang tuổi tò mò, nghịch ngợm, cãi lý nên va chạm là khó tránh khỏi", Lan nói.

Nguyễn Lan dẫn con trai Gia Huy đến công ty vào ngày 1/6 để tham gia hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi vào buổi sáng. Đến chiều, bé ngồi một mình một bàn, được mẹ giao bài tập để bớt chạy nhảy lung tung. Ảnh: NVCC
Để con không xem điện thoại, máy tính nhiều khi ở nhà với ông bà, Nguyễn Lan thường xuyên giao bài tập tiếng Anh, Toán cho con làm. Khoảng 1-2 tuần, chị sẽ đón con về lại nhà nếu hai vợ chồng không phải chạy dự án, deadline. "Lúc ấy, mình đưa con lên công ty làm việc cùng vì công ty cũng tạo điều kiện. Nếu có bố mẹ bạn nào mang con lên, mình sẽ cho con chơi cùng", Lan cho hay.
Cũng chủ trương gửi gắm con cho ông bà nội sống cùng nhà, Thùy Tâm đã lên kế hoạch tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong gần một tuần và "toát mồ hôi, vắt óc" vì nhà đông con. Cô có ba bé, một bé 8 tuổi sắp lên lớp 3, một bé 5 tuổi và một bé hơn một tuổi. Các bé đều hiếu động, ồn ào và thích tranh luận.

Thùy Tâm tổ chức nhiều hoạt động cho các bé tại nhà.
"Việc đầu tiên mình làm là ưu tiên lịch sinh hoạt cho ba con như khi đi học, tức là giờ nào việc đó, ví dụ trên trường các con ăn trưa lúc 11h, gia đình cũng sẽ ưu tiên sắp xếp như thế để các con duy trì giờ giấc đều đặn", cô nói. Các bé khá hiếu động nên gia đình lúc nào cũng ồn ào, với cả các con cũng hay tranh luận rất mệt mỏi.
Ba con đều nhỏ nên Tâm kiểm soát việc xem TV, điện thoại của các bé. Ví dụ vào buổi sáng, các con có khoảng 30 phút xem thiết bị giải trí. Còn lại, cô thường giao đề (gồm Toán và Tiếng Việt) cho bé lớn làm, bé 5 tuổi sẽ tô tranh hoặc chơi xếp hình.
Thời gian còn lại các con phụ ông bà trông em út, làm một số việc vặt như quét nhà, sắp cơm, dọn dẹp đồ chơi. Đến buổi tối, Thùy Tâm ưu tiên cho các con ra khu công viên gần nhà để hoạt động thoải mái, gần gũi thiên nhiên hơn. "Dù có ông bà, mình vẫn sắp xếp lịch học hè cho bé như học tiếng Anh, học vẽ, học nhảy", Tâm nói.
>> Xem thêm Cặp vợ chồng cưu mang 6 em bé bị bỏ rơi
Hằng Trần