Trong cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều người bỏ qua bữa sáng vì bận làm việc, muốn giảm cân, có thêm thời gian ngủ. Tuy nhiên, thói quen này tác động khôn lường đến sức khỏe thể chất. Bạn không chỉ nên ăn sáng mà còn nên ăn sớm.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết để bắt đầu ngày mới. Sau một đêm, cơ thể rất cần được bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng vào buổi sáng để duy trì các chức năng sinh lý bình thường.
Nên ăn sáng lúc mấy giờ?
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế tháng 6/2023 cho thấy so với những người ăn sáng trước 8h, những người ăn sáng sau 9h có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai tăng 59%. Các nhà nghiên cứu cho biết bỏ bữa sáng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, kiểm soát lipid máu cũng như nồng độ insulin.
Do đó, các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng gợi ý thời điểm thích hợp nhất để ăn sáng là từ 7h đến 8h, không nên muộn hơn 9h, vì lúc này cảm giác thèm ăn của con người là mạnh nhất. Tốt nhất nên để bữa sáng và bữa trưa cách nhau khoảng 4-5 tiếng. Mặt khác, nếu bạn dậy sớm, tính đến thói quen hàng ngày và đặc điểm sinh lý của hệ tiêu hóa, bạn nên ăn sáng sau khi thức dậy trong khoảng nửa tiếng.
Thời gian ăn sáng đều đặn giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học để các bộ phận trong cơ thể có thể hoạt động và nghỉ ngơi vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, ăn sáng cũng sẽ kích thích nhu động của đường tiêu hóa và tiết dịch tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón và các bệnh về đường tiêu hóa.
Bỏ lỡ thời điểm vàng để ăn sáng (7h-9h) không chỉ ảnh hưởng đến mức năng lượng và lượng dinh dưỡng hấp thụ mà còn có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn trong bữa trưa và tối. Bỏ bữa sáng lâu hoặc ăn sáng không đều đặn sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể và dẫn đến rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết, khiến lượng đường trong máu giảm, gây chóng mặt, suy nhược. Thói quen này diễn ra trong thời gian dài còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch.
Một bữa sáng tiêu chuẩn nên có gì?
- Ngũ cốc: bánh mì nguyên hạt, bột yến mạch... Những thực phẩm này rất giàu carbohydrate và có thể cung cấp năng lượng lâu dài cho cơ thể.
- Thực phẩm giàu protein: trứng, sữa, đậu phụ... Những thực phẩm này giúp sữa chữa tế bào, rất cần thiết để duy trì cơ bắp và các cơ quan khỏe mạnh.
- Rau quả tươi: Các loại trái cây như táo, chuối, cam, rau như bina, cà chua rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp duy trì quá trình trao đổi chất và giải độc bình thường của cơ thể.
- Các loại hạt: quả óc chó, hạnh nhân, hạt lanh... Những thực phẩm này giàu chất béo lành mạnh và chất chống oxy hóa, tốt cho việc duy trì sức khỏe tim mạch.
Kết hợp những thực phẩm này đúng cách, bạn có thể tạo ra một bữa sáng ngon miệng và bổ dưỡng.
>> Bốn đặc điểm vào buổi sáng báo hiệu sống thọ
Hằng Trần (Theo Aboluowang)