![]() |
Ông Diêm (bác ruột em Thông) kể: Năm 2001, sau một thời gian đi làm thợ hồ ở TP HCM trở về cùng cô vợ mới cưới được hai tháng, chưa kịp vui vì thấy cô em dâu là công nhân may vừa đẹp người vừa đẹp nết, ông Diêm thấy em trai buổi chiều liên tục bị sốt. Sau khi đi khám về, anh ta lẳng lặng rời nhà để lại một bức thư cho biết mình đã có HIV nên quyết định nhảy sông tự vẫn và dặn gia đình đừng nhận xác. Đau đớn hơn là lúc đám tang người em trai cũng là lúc người em dâu biết mình vừa mang thai. Sau khi sinh con được một tháng rưỡi, người mẹ cũng qua đời. Vợ chồng ông Diêm đón cháu từ nhà ngoại về nuôi. Bà Năm (bác dâu em Thông) kể: Người ta bảo rằng, xác suất lây truyền từ mẹ sang con chỉ khoảng 40%, nhưng ban đầu khi nhận cháu về nuôi cũng chỉ dám nghĩ nghĩa tử nghĩa tận, thôi thì chắc nó cũng không sống được mấy nữa nên thương lắm mà cố gắng. Nhưng trong những ngày ấy, bà cứ cầu khấn cho Thông được ở trong những phần trăm còn lại kia... Nuôi một đứa trẻ sơ sinh chỉ nặng hơn 2 kg mất mẹ đã vất vả, nuôi một đứa trẻ con của người có HIV còn khó khăn gấp trăm bề. Lặn lội về Đà Nẵng tham gia các chương trình hướng dẫn chăm sóc người có HIV để cập nhật cho mình những kiến thức cần thiết, được những người từ tâm giúp đỡ, em Thông (cái tên được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đặt cho) dần qua khỏi những hiểm nghèo. Khi Thông 15 tháng tuổi, ông Diêm đưa cháu về bệnh viện xét nghiệm và điều kỳ diệu đã đến: Em không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những khó khăn về vật chất chưa phải là rào cản lớn nhất để giúp em Thông trở thành một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, mà chính là sự phân biệt đối xử của một bộ phận xã hội. Từ ngày có Thông, cái quán mì nhà bà Năm vắng hẳn khách, thỉnh thoảng bồng cháu đến nhà hàng xóm chơi, người ta cũng tránh... Muốn cắt tóc cũng phải chở cháu đi xa vì ở quanh đó không ai nhận cắt (sợ mất khách)... Bốn tuổi, những đứa trẻ khác được ba mẹ đưa đến lớp mẫu giáo, bà Năm cũng bồng cháu ra nhưng rồi sau đó các cô giáo cũng phải nói bà thông cảm vì đa số các phụ huynh đều yêu cầu không để con họ học chung. (Xem biên bản họp phụ huynh học sinh lớp Mẫu giáo nhỏ Trường Mầm non Hòa Châu, khu vực Đông Hoà ngày 15/9/2005 về vấn đề để cho em Thông đến học thì chỉ có 4 phụ huynh học sinh đồng ý, còn lại 28 phụ huynh không đồng ý). Ông Diêm và bà Năm đã đem đơn kiến nghị đến gõ cửa nhiều nơi, nhiều cơ quan. Báo chí, các đài phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương đã nhiều lần lên tiếng. Em Thông được nhiều cơ quan, nhiều nhà từ tâm hỗ trợ. Nhưng đường đến trường của em vẫn rất gian nan. Bà Năm kể, có hai lần, một cặp vợ chồng người Pháp tìm đến xin nhận em Thông làm con nuôi. Thấy gia đình bà khó khăn, họ nói sẽ đổi lại cho bà một số tiền khá lớn. Tự nhiên bà thấy sợ, giống như mình bán cháu, với lại Thông đã ở với bà và tự nó đã gọi bà là mẹ, bà không nỡ. Cũng có một cán bộ một ban, ngành của thành phố xuống khuyên bà một câu: Hãy gửi em Thông vào Làng SOS. Mắt bà Năm ngấn nước: "Cháu mất cha, mẹ, vượt qua búa rìu dư luận, chúng tôi nuôi nó, tuy của cải vật chất ít nhưng chẳng lẽ không nuôi được nó hay sao mà gửi vào Làng SOS?". Chiều 30/1, ông Diêm đã đến Trường Mẫu giáo bán công xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) nộp hồ sơ xin vào học. Đáp ứng nguyện vọng của gia đình, cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng đã làm giấy báo nhập học cho em Lê Đức Thông vào học ở Trường Mẫu giáo Hòa Châu khu vực Đông Hòa. Tuy nhiên, trước nguyện vọng tha thiết của gia đình là muốn em Thông được đi học ngay, vì em rất mong ngóng được đến trường, thì cô Hiệu trưởng cứ khất lần và cuối cùng ký giấy nhập học cho em Thông với lời hẹn ngày đến lớp vào tuần sau: ngày 5/2. Theo cô Thủy, có em Thông vào học thì trường phải phân bổ thêm một giáo viên trực tiếp phụ trách, đó là chưa kể, phụ huynh học sinh sẽ đưa con đến trường khác thì nhà trường sẽ thất thu, thu nhập của giáo viên sẽ bị ảnh hưởng. Trước khi em Thông đến lớp, phải làm một đợt tuyên truyền cho tất cả các phụ huynh học sinh ở Trường Mẫu giáo Hòa Châu khu vực Đông Hòa hiểu rõ, ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra, nhà trường không chịu trách nhiệm. Sáng 3/2, cuộc họp bất thường phụ huynh đã được tiến hành dưới sự chủ trì của ông Lê Đức Bánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu với 40/175 phụ huynh đến dự. Cuộc họp đã nghe ông Nguyễn Ngọc Ba, Trưởng Trạm Y tế, Chuyên trách Phòng chống AIDS xã Hòa Châu tuyên truyền về HIV/AIDS, các đường lây bệnh, một lần nữa công bố em Thông không bị nhiễm bệnh và thuyết phục phụ huynh yên tâm khi cho con mình học cùng. Ông P.H., một phụ huynh học sinh lớp nhỡ lo âu bày tỏ nghi ngại của mình: "Riêng tôi, khoan nói đến chuyện cho cháu Thông vào học cùng với con tôi, tôi vẫn rất lo và liệu có đảm bảo cho con tôi hay không?". Một phụ huynh khác đứng lên: "Vì chuyện học của cháu Thông, anh Diêm đã kêu khắp nơi, báo chí lên tiếng nhiều, các ban, ngành chuyên môn đã kỹ càng với những xét nghiệm, các anh chị hãy yên tâm để cháu học cùng và giúp đỡ cháu!". Sáng 5/2, từ 4h30' sáng, em Thông đến lớp, hai cô giáo phụ trách lớp em Thông ngăn lại: Nếu như không có giấy giới thiệu của Hiệu trưởng, không được chụp ảnh và gặp gỡ. Em Thông được bố trí ngồi một mình, riêng biệt ở đầu lớp. Và đáng lẽ ra, các cô giáo nhiệt tình giúp em hòa nhập tốt với cộng đồng, xóa nhòa sự phân biệt đối xử thì đằng này, các cô lại càng tách riêng em ra. Cứ đến 10h trưa, chưa thấy bà Năm đến đón Thông là các cô lấy xe chở em về tận nhà, để các em khác còn ăn cơm. Ngày 28/2, em Thông không chịu đến lớp, cho dù ông Năm, bà Diêm mặc sức thuyết phục, động viên. Khi được hỏi, em chỉ có khóc mà không nói là vì sao. Hoá ra trước đó, trong lúc chơi với một trẻ ở gần nhà, hai em đã gây gổ nhau. Em kia bảo rằng: “Tau không chơi với mi vì mi bị bệnh AIDS”, em Thông bảo rằng: "Mi nói tau bị bệnh AIDS, tau lấy cây dây máu bệnh cho mi luôn". Các cô giáo của Trường Mầm non bán công Hòa Châu khu vực Đông Hòa khi nghe một phu huynh nói vậy, không biết đã nói và đối xử với Thông như thế nào khiến em không chịu đến lớp! Một tuổi thơ dữ dội bởi những bất hạnh đã đành, còn bị mọi người phân biệt, kỳ thị trong khi em chỉ mới là đưa trẻ. "Khi lớn lên không biết cháu sẽ như thế nào và sẽ nghĩ gì, làm gì khi nhớ lại quá khứ của mình?", đó là trăn trở của ông Diêm, bà Năm và những người quan tâm đến một đứa trẻ bất hạnh như em Thông. (Theo Công An Nhân Dân) |