Trước Tết, giá cả đã bắt đầu leo thang. Giá thịt, cá, rau vẫn ở trên cao. Căng tin làng đại học Thủ Đức có tiếng là rẻ, ăn được, chỉ với 3 nghìn đồng là có bữa ăn ngon với một món mặn và canh. Thế nhưng, từ sau Tết đến giờ, giá cũng túc tắc lên 4.000-5.000 đồng. Căng tin những trường đại học trong thành phố giá còn "siêu sao" hơn nữa. Trường Bán công Hoa Sen, Đại học Mở Bán Công từ 5.000 đến 6.000 lên 7.000-8.000, nếu thêm tô canh khổ qua dồn thịt nữa là đi đứt 10.000 đồng một bữa ăn. Mà có gì đâu, mấy miếng thịt, vài cọng rau, một chén canh lõng bõng.
Khương, sinh viên năm 2 Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP HCM nói với VnExpress: "Chúng em mua hai đứa chung một suất cơm mang về phòng, để dành ăn cả ngày. Ký túc xá không cho nấu cơm vì sợ cháy, nhưng không nấu cơm thì tiền đâu mà ăn cơm ngoài? Có khi chúng em nấu cơm chui, bó rau muống, trái trứng cùng bỏ chung vào một cái nồi, khi thì luộc, khi thì hấp. Ban quản lý Ký túc xá đi kiểm tra, phải bưng cả nồi cơm vào toillet, chứ không bị phạt nặng lắm đó."
Linh, đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học tự nhiên, cho biết đang làm luận văn tốt nghiệp nên không thể đi làm thêm. Nhà gởi tiền lên, mỗi tháng mua phiếu ăn 15 ngày, còn lại ăn quấy quá cho qua bữa, để dành tiền làm luận văn. Từ ngày cơm tăng giá, cô tích cực ăn mì tôm hơn. Linh tính: "Mỗi dĩa cơm tăng ít nhất là 20%, có khi 40% không chừng, trong khi nhà gởi lên có 400-500 nghìn đồng một tháng, tiền cơm rẻ nhất cũng đã hết 300 ngàn, còn tiền ăn sáng, gởi xe, xà phòng... phải tiết kiệm thôi".
Chị Thắng, chủ một quán cơm gần 2 trường đại học lớn ở trung tâm thành phố nói: “Đồ ăn, thức uống, giá điện, nước, ga... tăng lâu rồi, nhưng chị không nỡ lên giá. Ra vào quen quá, tự nhiên người ta ăn bữa chiều, tối ngủ dậy thấy cơm tăng giá cũng kỳ. Đành chờ ra Tết tăng luôn. Nhiều đứa sinh viên tội nghiệp lắm, tụi nó mua một hộp cơm, xin thêm cơm để ăn cả ngày”. Chị còn cho biết, thêm tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công cao, dù thấy tụi nó cũng tội nhưng biết làm sao hơn bây giờ?
Góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Đinh Tiên Hoàng vốn được sinh viên ưa thích vì cơm ở đây nhiều, lại rẻ, nay cũng tăng giá. Chủ quán giải thích: “Không tăng giá không được. Từ đồ ăn cho đến gạo, nước, điện, ga, thuế kinh doanh, mặt bằng… đều đồng loạt tăng giá. Nếu không tăng thì làm sao có lời?”.
Chuyện tăng giá sinh hoạt ảnh hưởng không ít đến sinh viên. Nhiều người đã phải tạm thời nghỉ học đi làm. Sắp thi thì bạn bè thông báo, thế là xách bút đi mà trong đầu không một chữ nào. Chuyện thi lại, học lại được coi là bình thường "ở huyện".