Những scandal trốn tuyển của VĐV rộ nhất là khoảng 10 năm trở lại đây, chủ yếu nằm ở môn vật. Đến nay, có tổng số 13 VĐV bỏ trốn và 3 trong số này đã bị trục xuất về nước. Số còn lại, họ làm bằng đủ thứ nghề, có người mang về nhà tiền tỷ sau vài năm làm cửu vạn nơi xứ người, có người ra về tay trắng rồi lại tiếp tục trở lại với nghiệp thể thao như chưa hề có chuyện gì xảy ra trước đó.
Tạ Đình Đức và Phí Hữu Sơn là hai đô vật bỏ trốn tại Hàn Quốc trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho Asiad 2002. Sau 3 năm làm bốc vác tại Hàn Quốc, năm 2005 người ta thấy Tạ Đình Đức bất ngờ có mặt ở Việt Nam. Trái với dự đoán của nhiều người, những tưởng sau ba năm kiếm sống nơi xứ người, Đình Đức sẽ mang tiền tỷ về cho gia đình thế nhưng trai ngược lại, đô vật này chẳng có đồng nào trong người, quần áo cũng rách nát đến thảm hại.
Mọi người hỏi không nói nhưng nghe đâu ở bên Hàn Quốc, Đức không chăm chỉ làm ăn như người đồng đội của mình. Khi bỏ trốn, báo chí thời đó chưa nhiều như bây giờ nên Đình Đức ít bị nhiều người chú ý đến. Chính vì thế khi đô vật này về nước, cũng chẳng thấy có cán bộ nào trên đội tuyển ngó ngàng. Có lẽ vì thế mà năm 2010, Đình Đức bất ngờ tái xuất giang hồ tại giải vật dân tộc toàn quốc và đoạt luôn tấm HC vàng năm đó.
Nhìn chung, đa số VĐV trốn tuyển khi về nước đều có vài trăm triệu đến tỷ đồng dắt lưng. Với sức vóc như họ, các công việc chân tay, bốc vác không quá khó khăn. Thậm chí hầu như VĐV nào cũng tranh thủ làm thêm để kiếm thêm chút tiền gửi về nhà. Tuy nhiên, trước khi tự do làm ăn nơi xứ người, các VĐV cũng phải mất một thời gian dài ban đầu sống nay đây mai đó để trốn sự truy lùng của cảnh sát nước sở tại.
![]() |
Nhiều đô vật Việt Nam từng bỏ trốn ra nước ngoài để lao động. Ảnh: ĐH. |
Câu chuyện về 3 đô vật Dương Đình Nam, Nguyễn Doãn Dũng và Nguyễn Văn Phong cho thấy khả năng thích nghi ở môi trường làm việc nước ngoài. Nghe một số đồng đội của 3 đô vật này kể lại, họ làm đủ thứ nghề ở bên Hàn Quốc, thậm chí là cả... nuôi lợn. Các VĐV luôn có tính cần kiệm nên dù là công việc vất vả đến mấy, họ cũng cố dành dụm được vài chục triệu đồng mỗi tháng. Chỉ sau một năm, cả 3 đã ổn định được cuộc sống và bắt đầu gửi tiền về nhà đều đặn.
Có một thời, xuất khẩu lao động chính là con đường đổi đời nhanh nhất với người dân ở vùng quê Việt Nam. Tuy nhiên, nếu muốn có một việc làm ở Hàn Quốc chẳng hạn, người đi xuất khẩu lao động sẽ phải đóng một khoản phí không nhỏ gọi là phí môi giới hay đặt cọc. Chính vì thế, tất cả đều phải mất ít nhất 1-2 năm mới trả hết số "vốn đầu tư" nên phải làm ít nhất ngoài 3 năm mới có chút vốn kha khá. Trong khi đó các VĐV với việc trốn đội, sẽ chẳng phải đóng bất cứ khoản phí nào, có chăng chỉ là chút tiền cho môi giới xin việc ở nơi họ trốn. Ngoài ra, do có sức khỏe đã tôi luyện sau nhiều năm làm VĐV, nên năng suất lao động luôn cao nhất.
Hầu như VĐV nào chăm chỉ, sau 3 năm họ về nước, xây nhà mới, mua xe, kiếm công việc nào đó hay mở cửa hàng, kinh doanh... còn sướng hơn nghiệp VĐV nhiều lần. Hài hước ở chỗ, các VĐV này sau khi bôi nhọ màu cờ sắc áo, lại trở lại làm VĐV như Tạ Đình Đức thì cũng thật hết biết cho cách quản lý của thể thao nước nhà. Thậm chí, đô vật Dương Đình Nam sau 3 năm bỏ trốn tại Hàn Quốc, năm 2011 VĐV này về nước bất ngờ lại được một địa phương mời về huấn luyện môn vật.
Trong khi đó đồng đội của anh này là Nguyễn Doãn Dũng quyết chọn con đường khác. Với số vốn lên tới cả tỷ đồng, đô vật này đã theo đuổi nghiệp kinh doanh và nghe đâu cũng đang làm ăn rất khấm khá. Trong khi đó đô vật Nguyễn Văn Phong lại cố gắng làm thêm một vài năm nữa ở xứ Hàn với quyết tâm xây nhà mới cho mẹ, đồng thời chuẩn bị hướng sang nghiệp kinh doanh giống như đô vật Nguyễn Doãn Dũng.
Hai trường hợp mới nhất ở môn đua thuyền, nếu trốn trót lọt sẽ kiếm bộn tiền vì bên Australia, kiếm tiền dễ và nhiều hơn so với các nước châu Á. Tuy nhiên cũng như các tiền bối, hai VĐV này sẽ phải chịu khó, chịu khổ một thời gian đầu. Biết đâu sau vài năm, cả hai sẽ về nhà với nhà lầu xe hơi. Hoặc cũng có thể chỉ vài ngày nữa, cả hai sẽ bị bắt và như vậy, sẽ mất trắng, nghiệp VĐV cũng không ai mở cửa nhận lại.
Những cuộc đào tẩu chẳng khác nào canh bạc đỏ đen với các VĐV. Ở đó, cũng có người làm giàu, có người tay trắng, có những câu chuyện bi hài kịch chẳng biết nên cười hay khóc.
Mai Hương