Zip
Mình đã bật cười khi lần đầu tiên mình nghe thấy điều này: "Vớ vẩn, phù phiếm". Nhưng rồi tới một ngày, những món canh, xào, kho của mình thường bị mặn hơn so với mọi ngày với mức độ thường xuyên hơn. Bố mỉm cười bảo: Sao dạo này muối rẻ thế nhỉ? Mẹ hơi nhăn mặt: "Đầu óc nó cứ để đâu đâu". Còn mình thì cười tủm tỉm: "Hình như mình đang yêu"?
Có đúng khi yêu thì nấu ăn thường bị mặn không nhỉ? Cũng đơn giản để giải thích thôi bởi khi đứng vào bếp nấu ăn mình mới thực sự cảm thấy vai trò của người phụ nữ trong gia đình quan trọng biết nhường nào. Mình được thể hiện nữ tính một cách thực tế nhất qua công việc nội trợ. Cảm giác rất vui khi nhận được lời khen từ mọi người khi vì nấu được một món ăn ngon.Và lúc đó mình thường tưởng tượng một ngày nào đó, gần, rất gần thôi mình được nấu cơm hàng ngày cho người đó ăn, tự tay đi chợ, vào bếp chế biến thức ăn và không quên tưởng tượng thêm anh ấy sẽ luôn ở bên xăng xái làm chân sai vặt cho mình: nhặt rau, lấy nước... Và tất nhiên không thể thiếu những chuyện rủ rỉ hàng ngày và những câu nói hài hước hay một hành động lãng mạn: ôm mình thật chặt từ phía sau, hôn thật bất ngờ trên má mình một cái. Ôi... còn gì hạnh phúc hơn.
Nhưng mà kìa, mải mê bay bổng với ý nghĩ đó, mình quên mất là đã cho muối vào canh mấy lần rồi, và còn món cá kho nữa, mình đã ướp rồi cơ mà, sao lại tay lại cứ thêm mắm vào thế này. Phải chăng khi yêu người ta thường hào phóng hơn và không hề tính toán. Vì vậy thức ăn mặn là điều khó tránh khỏi. Đó chỉ là cách lý giải rất đơn giản của mình thôi, chứ thực tế thì mình vẫn chưa tìm ra được quy luật của nó.
Giới hạn của tình bạn là cái nắm tay nhưng tình yêu chỉ thực sự bắt đầu bằng nụ hôn. Nụ hôn phá vỡ rất nhiều ranh giới của hai người. Người con gái khi trao nụ hôn cho người mình yêu đồng nghĩa đã trao tất cả trái tim của mình cho người đó. Sau nụ hôn đầu thường thì cảm giác của con gái là bị mất mát. Có phải vì vậy mà ai đó đã hài hước nói rằng: "Chỉ có nụ hôn đầu là bị đánh cắp, còn những nụ hôn sau là buộc phải đánh cắp". Theo thời gian thì nụ hôn cũng dần được mặn mà hơn theo tỷ lệ thuận của tình cảm.
Vị mặn cũng luôn xuất hiện trong từng nụ hôn : "Hôn không râu như trứng không muối". Câu nói này là chủ đề hài hước suốt mấy năm ở ký túc của phòng mình. Cứ có anh chàng nào tới tăm tia ai thì cả phòng lại quan sát xem độ mặn nhạt của người đó được biểu hiện ra sao trên khuôn mặt để rồi khi người ta về, cả lũ lại xúm xít bàn tán: "Anh chàng của mày ít muối thế", "Này, mặn vậy thì đang hôn phải dừng lại uống nước ah"... Nói nhiều tới mức đi ăn cơm chúng nó còn gọi nhầm: Bà cho con xin đĩa râu (muối). Mức độ mặn, nhạt của nụ hôn cũng chính là biểu đồ tình cảm của hai người. Có phải vì luôn mong muốn tình yêu ngày càng đậm đà hơn mà khi nấu ăn con gái lại thường cho thêm nhiều gia vị?
Người ta thường ví "yêu nhau như muối mặn, gừng cay". Tại sao lại là muối mà không phải là thứ gia vị khác? Hằng ngày chúng ta sống được không thể thiếu muối, nó cần thiết như cuộc sống không thể thiếu vắng tình yêu. Đã bao giờ một sớm bạn thức dậy lại thấy lòng mình đầy ắp thương yêu, cảm giác muốn hát lên, muốn gọi tên một người, muốn người đó ở bên cạnh mình ngay lúc này ấy chỉ để trao một ánh mắt cười. Đó chính là lúc bạn đang yêu. Tình yêu thì quá nhiều vị nhưng vị mặn luôn làm người ta nhớ nhất. Có cô gái nào khi yêu mà lại chưa một lần khóc? Vị tình yêu đó, vị mặn của nước mắt. Quá hạnh phúc làm người ta có thể khóc và tận cùng của khổ đau thì nước mắt cũng là người bạn rất gần. Vị mặn len lỏi trong sự giận hờn, xa cách, nhớ nhung. Và ai đã từng nếm cái vị mặn của sự chia tay thì đi hết cuộc đời cũng thấy khó quên. Cũng đơn giản như một bữa ăn mặn bị thì thường làm người ta nhắc tới và nhớ đến nhiều hơn là những bữa ăn bình thường khác.
Cuộc sống này thật muôn màu và tình yêu thì muôn ngàn vị. Quan trọng là bạn biết chọn vị nào phù hợp với khẩu vị của mình. Quá khó phải không hỡi những kẻ đang yêu. Và hình như mình lại đang bắt đầu chọn vị mặn?
Vài nét về blogger
Zip: Đừng đợi chờ ngày mai vì có thể ngày mai sẽ không bao giờ tới.