Những đêm diễn có chủ đề được dàn dựng kỹ lưỡng, đầu tư không tiếc tiền vào âm nhạc và cảnh trí sân khấu, dù là sân khấu nhỏ bé của phòng trà, với lượng khán giả nhỏ hẹp nhưng rất chọn lọc, đã đem lại danh tiếng nhanh chóng cho Đức Tuấn, hơn cả một liveshow rầm rộ hay những album gây sốc.
Đức Tuấn nhanh chóng trở thành cái tên có "trọng lượng" đáng kể trên thị trường ca nhạc, xuất hiện đàng hoàng trong những chương trình ca nhạc quy mô lớn nhất nhì năm như Đêm thần thoại - Trịnh Công Sơn, Phạm Duy - Ngày trở về, Duyên dáng Việt Nam... là "chủ nhân" những đêm diễn phòng trà đông khách, những album ra liên tục và bán rất đều...
Nhưng hơn cả những ồn ào ấy, Đức Tuấn đã thực sự tạo ra được một cá tính âm nhạc riêng biệt. Chính cá tính ấy giúp vị trí của anh dù mới tạo dựng đã rất vững chắc. Cắt nghĩa cá tính ấy cũng là cách để biểu hiện được những cơ hội vô tận mà thị trường ca nhạc có thể mang lại cho một ca sĩ may mắn nào đó.
Ca sĩ Đức Tuấn. |
Về hình ảnh, với việc mượn "Trương Chi" như một hoán dụ thể hiện hình ảnh lãng tử, Đức Tuấn nhanh chóng chiếm được cảm tình của số đông khán giả thích nghe "nhạc xưa" theo lối hát trau chuốt, hát mà như đang... tán tỉnh lả lơi. Mỗi lời hát của chàng Trương Chi nhắm vào đối tượng cụ thể, là người chàng yêu, là Mị Nương.
Chính lối hát ngày xưa đã đưa tài tử Ngọc Bảo lên ngôi trong trái tim của biết bao cô gái đương thời, cho tới tận ngày sắp đi xa, ông vẫn làm bao nhiêu bà, bao nhiêu cô rung động mỗi lần xuất hiện trên sân khấu hay trên truyền hình. Ở phe nữ, Thái Thanh là hiện tượng độc sáng, ngự trị hơn nửa thế kỷ, khó thay thế. Với một hệ thẩm mỹ mới, có thể kiểu hát như thế dễ bị cho là... điệu đà, và thực sự là Đức Tuấn đã bị "chê" là hát rất điệu.
Nhưng cái tưởng như nhược điểm với một số khán giả nào đó lại trở thành nhân tố quyết định thành công, chính vì hát như thế mà Đức Tuấn không giống ai. Anh tự tạo ra được một vùng cảm xúc riêng biệt cho những khán giả của mình. Bài "hit" lúc này của anh lại là một bài rất cũ, Áo anh sứt chỉ đường tà (nhạc Phạm Duy, thơ Hữu Loan). Anh được yêu thích với bài hát này vì đã hát không dữ dội như Elis Phương, không bị kịch như Thái Thanh, vì thế mà không bị so sánh. Tương tự, Đức Tuấn hát nhạc Trịnh Công Sơn bằng lối hát bán cổ điển trau chuốt từng con chữ, do đó, may mắn thoát khỏi cái bóng của Tuấn Ngọc hay Quang Dũng.
Với cách hát này, Đức Tuấn có một "đồng minh" - nữ ca sĩ Thái Hiền, chị cũng tạo được một lối hát nhạc Trịnh riêng biệt, quyến rũ, không bị so sánh với ai. Điều này chẳng phải dễ làm được với nhiều ca sĩ đi sau. Sau cuộc "tao ngộ" trở thành tri âm với nhạc Phạm Duy, nhạc Trịnh Công Sơn, giờ đây, Đức Tuấn đang tràn đầy tinh thần "chinh phục" với âm nhạc của Văn Cao. Những đêm "Trương Chi" với Thiên thai ngọt ngào, Trương Chi day dứt hay Buồn tàn thu, đưa Đức Tuấn trở thành một "người kể chuyện" độc đáo... đã cho thấy trước một thành công.
Đến giờ thì hình ảnh (được gọi đùa) là Trương Chi "new version" của Đức Tuấn khá rõ, và loạt show diễn phòng trà Tiếng hát Trương Chi có lẽ là một cuộc "sơ kết" hai năm khá thành công với mật độ hoạt động dày đặc, để chuẩn bị cho một kế hoạch xa hơn, một hình ảnh mới, hấp dẫn hơn...
Năm ngoái, trong loạt đêm diễn "An Evening with Đức Tuấn", lần đầu tiên Đức Tuấn giới thiệu đam mê âm nhạc thầm kín của mình một cách... có hệ thống: nhạc kịch. Nhạc kịch ở đây không phải opera - dù những người biểu hiện rõ giọng hát của anh đều nhận thấy cữ giọng và kỹ thuật của Đức Tuấn không khó khăn gì cho việc hát thể loại thanh nhạc khó bậc nhất này - mà là những vở musical, những nhạc "kịch hiện đại" đang làm mưa làm gió trên sân khấu thế giới, là nơi thành danh của những tên tuổi lớn như Judi Dench, Julie Andrews, Barbra Streisand, Bernadette Peters, Sarah Brightman, Michael Ball, Hugh Jackman...
Thách thức cho ca sĩ chọn dòng nhạc này là phải vừa hát cực tốt, vì đa số những bài hát đều là sự pha trộn cổ điển và hiện đại, vừa phải biết diễn, biết biểu lộ cảm xúc ứng với nội dung của bài hát. Bất ngờ đầu tiên Đức Tuấn đem lại là màn song ca với Hồ Quỳnh Hương bài The phantom of the opera trích từ vở nhạc kịch cùng tên (bóng ma trong nhà hát). Âm nhạc tuyệt hay của Andrew Lloyd Webber và diễn xuất của cả Đức Tuấn và Hồ Quỳnh Hương hôm đó đã đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị. Và may mắn thay, khán giả của những đêm nhạc ấy đã hào hứng đón nhận, thay vì chỉ yêu cầu chờ nghe những bản pop quen thuộc.
"Thừa thắng xông lên", đến giờ thì kế hoạch cho một album toàn những trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng đã xong xuôi, chỉ còn vào phòng thu là... xong. Đây là album Đức Tuấn làm công phu nhất, bởi đơn giản, đam mê lớn nhất đang dần được thỏa mãn.
Tương ứng với âm nhạc ấy là một hình ảnh Đức Tuấn mới: lịch lãm hơn, đôi khi... bí ẩn. Bài The phantom of the opera giúp anh tự tin hơn ở khả năng... nhập vai, còn khán giả thì thích thú với hình ảnh Đức Tuấn mang mặt nạ hát những lời yêu của một kẻ si tình. Lại một phép hoán dụ khác, khi Đức Tuấn muốn mượn hình ảnh bóng ma, thiên tài âm nhạc để thuyết phục khán giả tin vào giọng hát của mình, giọng hát đẹp với những âm thanh quyến rũ, chứ không phải chỉ có xem - đó chính là tinh thần của nhạc kịch.
Cái khó là Đức Tuấn phải tiếp cận dòng âm nhạc mới bằng một thứ ngôn ngữ khác với những gì khán giả đã quen ở anh, và "nhiệm vụ" là phải thuyết phục được khán giả nhà trước khi có thể tính đến những chuyện xa hơn, ngoài biên giới chẳng hạn. Rõ ràng là "fan" của Broadway ở Việt Nam thì không thể nào so bì với "fan" nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh... nhưng tự tạo ra thách thức để vượt qua là bản tính của Đức Tuấn. Nếu thành công, được coi như mở đường thì... cũng tốt, còn không thì là chuyện thường, ca sĩ Việt làm nên chuyện với nhạc Việt còn là chuyện khó, huống chi...
Ngày 5/11 tại phòng trà Không Tên, Đức Tuấn có đêm diễn "Tiếng hát Trương Chi" theo "phiên bản" mới, với những bài hát lần đầu được hát lại của nhạc sĩ Phạm Duy. Cùng lúc này, là một loạt album đang trên bàn biên tập. Một album nhạc Phạm Duy được hòa âm công phu, một loạt dự án hợp tác với các nhạc sĩ Hà Nội, một album nhạc kịch, kế hoạch lớn nhất gối đầu sang năm, một liveshow lớn, một loạt phòng trà mới, một hình ảnh mới nữa... Tất cả chừng đó vẫn chưa đủ, nhất là khi Đức Tuấn đang ở trạng thái... si tình hết cỡ như lúc này.
Rất khó để khai thác chuyện tình cảm, riêng tư của Đức Tuấn. Lối sống của gia đình nhà giáo dường như đã rèn cho anh một sự kín đáo thường trực. Nhưng trong những cuộc trò chuyện vui vẻ, nhất là trò chuyện về âm nhạc, những sở thích đời thường và những chuyện được gọi là "tương tự tình yêu" thì khác hẳn, hào hứng và nói cả ngày không hết chuyện...
Người ta vẫn biết là rất khó moi chuyện tình yêu của Đức Tuấn, nhưng anh thì lý giải đơn giản là: "Cũng chẳng hẳn là khó, nói khó là có người muốn xoay tôi phải nói mà không được, nhưng tôi thấy là hình như chuyện riêng của mình cũng chưa đến nỗi khiến người ta phải mất nhiều thời gian để xoay, có lẽ tôi chưa phải là ngôi sao số 1 chăng? Nhưng tóm lại thế này, tôi tự thấy chuyện riêng tư, yêu đương của mình, nếu có, cũng chẳng liên quan gì tới thứ âm nhạc mà tôi vẫn trình diễn. Khán giả của tôi có rất nhiều người lớn tuổi, họ đến nghe tôi hát, chứ chuyện tôi yêu ai đâu có hấp dẫn gì họ".
Anh cũng phản ứng lại trước quan điểm phải có tình trường dày dặn mới đủ trải nghiệm thể hiện bài hát: "Tôi muốn mình là một ca sĩ giỏi. Không nhất thiết cứ phải trải qua cái gì đó anh mới tái hiện được nó thành công trên sân khấu. Tôi muốn mình nhập vai tốt, vai Trương Chi thì hát bằng tâm trạng của Trương Chi si tình, vai bóng ma thì hát bằng tâm trạng bị đổ vỡ do không nhận được tình yêu đáp lại từ người mình yêu. Mỗi bài hát một tâm trạng, một câu chuyện, không lẽ tôi hạnh phúc vì yêu thì không thể hát được những bài buồn như Sang ngang, Buồn tàn thu... Tôi muốn mình là kẻ "si tình" nhưng có kiểm soát.
Tôi muốn tình yêu của mình được bảo toàn trước sóng gió dư luận, tôi muốn mọi người đón nhận bản tình ca tôi hát như câu chuyện của tất cả mọi người, không phải của riêng tôi. Tôi mong được khán giả nhìn tôi như là kẻ si tình với âm nhạc hơn là xì xào tôi yêu người này, thích người kia, hay sẽ chọn mẫu phụ nữ thế nào làm vợ. Tôi thấy mọi câu trả lời kiểu "Mẫu phụ nữ, mẫu người vợ, người chồng của tôi là..." đều rất khách sáo, dường như buộc phải trả lời thì nói đại cho xong, chứ ai chẳng biết thích một đằng, "trời" có cho hay không là chuyện khác".
Nhưng với âm nhạc, Đức Tuấn đam mê không kiểm soát được, chẳng hạn anh mê nhạc kịch Broadway vô cùng. Anh bảo: "Nếu chỉ thích nghe và mua đĩa đầy nhà thì chẳng sao, mà tôi lại muốn được hát trên sân khấu Việt Nam, muốn thu đĩa nữa, thì có người bảo tôi... khùng, chọn thứ nhạc xa lạ ấy hát ai nghe. Nhưng tôi nghĩ thế này, những bản nhạc ấy đã nổi tiếng trên toàn thế giới, lại cũng rất dễ nghe, khán giả mình nghe được rock, hiphop, teenpop, nghe được cả giao hưởng, opera... thì cũng nghe được nhiều thứ khác nữa chứ?
Còn khi mọi chuyện đã phải... quy ra tiền thì tôi lại rất tỉnh táo. Tôi có thể bỏ nhiều tiền mua đĩa Broadway đầy nhà hay tặng bạn bè không sao, nhưng khi đã sản xuất, khi hát, tôi rất biết khán giả của mình cần gì. Khi hát trên sân khấu, tôi để ý quan sát khán giả của mình, và sau buổi diễn thì bao giờ tôi cũng nán lại nói chuyện với họ. Vì thế mà tôi rất hiểu họ. Gần đây những bài hát trong nhạc kịch như The phantom of the opera được yêu cầu thường xuyên trong mỗi đêm diễn của tôi. Vậy nên tôi mới tự tin mà làm đĩa nhạc kịch, vừa thỏa mãn đam mê của mình, vừa chắc chắn có khách hàng"...
(Theo Điện Ảnh Kịch Trường)