Hơn 9 tháng làm việc tại trường mầm non tư thục ở tỉnh Bình Dương đem đến cho cô giáo Nguyễn Ngọc Trinh, 20 tuổi, nhiều trải nghiệm thú vị. Từ cô gái vụng về, chưa từng làm mẹ, Trinh biết cách chăm lo, dỗ dành gần 50 đứa trẻ. Mỗi ngày đi làm, với Ngọc Trinh, là một ngày vui bởi phải "biến hóa khôn lường" để ứng phó với những tình huống dở cười, dở khóc. Điều cô giáo trẻ tâm đắc nhất khi theo đuổi công việc được đánh giá khó khăn là sự hồn nhiên, vô tư của các học trò tuổi mẫu giáo.
Đều đặn mỗi ngày, Ngọc Trinh rời nhà lúc 5h40 để kịp có mặt ở trường lúc 6h20 đón các bé. Học trò của Trinh tầm 4-5 tuổi, đã đi học được một thời gian nhưng vài bé vẫn khóc khi tạm biệt mẹ. Có bé níu mãi tay bố không chịu buông khiến cô phải dỗ dành cả chục phút; bé khác vừa xuống xe đã lao ngay vào lớp nghịch đồ chơi hoặc chọc ghẹo các bạn.
Trinh cùng một đồng nghiệp phụ trách lớp học có 42 học sinh. Bữa sáng và bữa trưa là lúc các cô vất vả nhất vì phải dỗ dành và xúc cho từng bé. Hết nịnh "ai ăn ngoan sẽ được thưởng kẹo", "ai tự xúc sẽ được chơi đồ chơi cả ngày", Trinh chuyển sang: "ăn không hết phải xuống lớp mầm học". Mải chăm sóc bé này, lúc quay lại, cô "tá hỏa" khi thấy bé kia làm đổ bát cơm, trêu bạn hoặc bôi thức ăn lem nhem lên mặt.
Bữa trưa kết thúc lúc 10h30, hai cô giáo mất khoảng 30 phút vẫn chưa "lùa" hết các bé lên giường ngủ. Khi đã nằm vào vị trí, một số bé chưa ngủ ngay, nhắm mắt giả vờ ngủ hoặc quay ngang, quay ngửa. Một lần, Trinh hỏi đùa "ai ngủ rồi thì giơ tay lên", quá nửa lớp giơ tay ngay lập tức. Các cô thường phải đến chỗ từng bé, vỗ về, đắp chăn mới yên tâm học trò có giấc ngủ ngon, đủ năng lượng cho hoạt động buổi chiều.
Cô giáo 20 tuổi được các bé coi như người bạn nên thường vây quanh âu yếm và tâm sự. Có bé thắc mắc "Sao bố mẹ không gả chồng cho cô Trinh", có bé lại kể lể buồn bã vì bị bố mẹ phạt hoặc không mua cho món đồ chơi yêu thích. Nhiều phát ngôn như "cụ non" được nói ra bởi những cô, cậu bé 5 tuổi khiến Trinh buồn cười tới mấy ngày sau. Khi một bé bị lớp trưởng phạt sẽ phản ứng bằng cách thốt lên: "Phạt gì phạt hoài", "Thích ngồi vậy đó, ngồi sao hổng được?" hay "Người ta cũng biết đau chứ bộ".
"Cô Trinh ơi bạn ấy trêu con", "Thưa cô bạn ngồi chỗ con", "Bạn dẫm chân, giật tóc con nè"... đó là những màn "kiện tụng" cô giáo Ngọc Trinh phải phân xử hàng ngày. Cô thích nghĩ ra những hình phạt hài hước, tạo không khí vui vẻ nhưng khiến bé nhớ lâu để không tái phạm. Có bé ngồi trong lớp luôn tay làm súng "bắn" các bạn bị cô cho đứng góc lớp, giơ tay làm súng tới cuối buổi mới thôi.
"Giáo viên mầm non là công việc nhiều niềm vui nhưng đầy áp lực", Ngọc Trinh chia sẻ. Những hôm bé nô đùa bị ngã sưng trán hoặc xước da, cô và đồng nghiệp lo lắng suốt buổi. Bữa nào học trò ăn ít hoặc ngủ không được, các cô cũng chẳng yên tâm. Theo Trinh, động lực giúp cô vượt qua những khó khăn là lòng yêu trẻ. "Coi các bé như con, cháu ruột thịt của mình và chăm chúng bằng tình yêu sẽ không thấy vất vả, mệt mỏi", cô giáo tuổi đôi mươi tâm sự.
17h30 là hết giờ trả trẻ nhưng thỉnh thoảng cô Ngọc Trinh vẫn phải nán lại trường đến 19-20h vì có bé chưa được mẹ đón. Trở về nhà sau một ngày "đánh vật" với hơn 40 đứa trẻ, Ngọc Trinh thỉnh thoảng cười khi nghĩ lại những trò nghịch ngợm của các bé lúc ở lớp. Được gần gũi trẻ nhỏ, được múa hát và vui chơi cùng chúng, theo cô, đó là cách giúp các giáo viên mầm non yêu đời, trẻ lâu. Công việc hiện tại không chỉ mang đến cho cô giáo trẻ thu nhập, niềm vui mà cả kinh nghiệm để trở thành một người mẹ tốt khi lập gia đình.
Lam Trà