Đột nhiên sau vài ngày bỏ ăn, chẳng hiểu nguyên nhân gì mà cứ động đến cơm hay thức ăn, Nguyễn Thị Tuyến (23 tuổi, thôn Cửa Hà 1, Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) lập tức nôn thốc nôn tháo. Vậy là, suốt 5 năm trời, cô chỉ sống nhờ rau luộc và hoa quả. Căn bệnh lạ lùng đã biến Tuyến từ một cô gái béo tốt, khỏe mạnh trở thành “bộ xương di động”. Không ăn được, trọng lượng của Tuyến giảm xuống một cách thảm hại, người xanh xao, gầy đét.
Bố mẹ Tuyến là ông Nguyễn Văn Lộc và bà Trần Thị Tú đưa con đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng vẫn chẳng rõ nguyên nhân. Gia đình cho biết, từ ngày mắc bệnh lạ, Tuyến hay xấu hổ và ngại tiếp xúc với người lạ.
Bà Tú vợ ông Lộc buồn bã kể: “Cách đây gần 5 năm, Tuyến bị thi trượt tốt nghiệp lớp 12, cháu nó bị sốc, khóc lóc và bỏ ăn mấy ngày liền. Vợ chồng tôi cũng động viên cháu nếu không đỗ năm nay thì sang năm thi lại nhưng nó vẫn suy nghĩ ghê lắm, gia đình tôi cũng chẳng biết phải khuyên nhủ sao nữa. Tôi nhẩm bụng, chắc buồn bã mấy ngày rồi cháu sẽ nguôi ngoai. Chẳng ngờ, cả một thời gian dài tiếp theo cháu vẫn không đã đụng gì đến cơm cháo. Vợ chồng tôi ép ăn thì cháu trệu trạo nhai được bao nhiêu lại nôn thốc nôn tháo ra hết. Mà lần nào đụng đến cơm hay thức ăn thì lại là như vậy. Hoảng quá, tôi mua thử hoa quả về cho cháu ăn thay cơm thì Tuyến lại ăn no được và không bị nôn."
Vợ chồng ông Lộc cũng đã đưa con ra Hà Nội khám. Thế nhưng, đi mấy bệnh viện các bác sĩ khẳng định cháu hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh gì. Từ đó đến nay đã 5 năm, Tuyến chẳng hề đụng tới một hạt cơm nào, người càng ngày càng héo mòn như que củi. Trước đây, cô nặng 50 kg nhưng sau một thời gian, ai nhìn cũng thấy sợ vì cô gái quá gầy. Thân hình Tuyến gầy như một cây củi khô, làn da xanh dớt như tàu lá, khuân mặt hốc hác. Nếu không được giới thiệu trước, hẳn nhiều nghĩ sẽ cô gái đang ở tuổi đôi mươi này chỉ là đứa bé 13-14 tuổi.
Không ăn được trọng lượng của Tuyến giảm xuống một cách thảm hại, người xanh xao, gầy đét chẳng khác nào bộ xương di động. |
Tuyến kể, từ nhỏ đến lớn, cô vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường thậm chí còn háu ăn nữa. Vì vậy, năm lớp 12 Tuyến béo lắm. “Sau khi bỏ ăn mấy ngày, ít hôm sau chẳng hiểu sao nhìn thấy thức ăn em cũng rất đói và thèm. Thế nhưng, em vừa đưa thức ăn vào miệng là lại nôn ra ngay. Em cũng sợ lắm, chẳng biết mình mắc bệnh gì nữa”, Tuyến tâm sự.
Tuyến bảo, từ ngày không thể ăn được cơm, đến nay thức ăn chủ yếu của Tuyến là hoa quả. Mùa nào có quả gì thì đó chính là đồ ăn thay cơm của Tuyến. Có lúc, cô có thể ăn hết 5 kg táo mèo hay cả buồng chuối là chuyện bình thường.
Bà Tú tâm sự: “Nhiều hôm mới sáng ra thấy con mang xoài xanh ra làm bữa sáng mà thấy phát sợ. Ngày nó mới bị bệnh lạ đời ấy, tôi phải mua cả yến xoài nhét vào trong tủ cho nó ăn dần. Thậm chí, quả chanh chua như vậy mà nó ăn được cả tuần. Tôi sợ nó ăn chua nhiều quá sẽ hỏng dạ dày nhưng không cho nó ăn thì nó lại đói. May mắn đi khám bác sĩ bảo, nó không mắc bệnh gì”.
Những ngày đầu, Tuyến tưởng chừng không thể sống được, nhất là vào mùa đông. Ông bà Tú luôn phải sắm một cái lò sưởi bằng than để cho cô ngồi sưởi.
Sau khi mắc bệnh một thời gian, vợ chồng bà Tú xin cho Tuyến học lại để ôn thi tốt nghiệp năm sau nhưng do sức khỏe quá yếu nên Tuyến đành bỏ học giữa chừng. Bà Tú ngậm ngùi kể, trước kia Tuyến rất vui tính và ham học. Thậm chí, Tuyến đã lên kế hoạch ôn thi để thi vào trường Đại học Sư phạm. Thế nhưng, vì trượt môn tiếng Anh mà ước mơ đó mãi chỉ là ước mơ. Chẳng những thế, nó còn khiến Tuyến trở thành người... “bất bình thường”.
Ông Lộc và bà Tú lấy nhau từ năm 1989 và có sinh được 3 người con. Tuyến là con đầu và là người con gái duy nhất nên tình cảm có phần ưu ái hơn, tuy gia đình không khá giả nhưng cũng muốn Tuyến học hành đỗ đạt để sau này đỡ khổ. Thấy con bị bệnh, bao nhiêu vốn liếng ông bà Lộc đều dồn hết vào việc đi khám cho Tuyến, bệnh viện không được, ông bà Lộc lại tìm đến thuốc nam, thậm chí cầu cúng nhưng tiền thì mất mà tật thì vẫn mang.
Hiện nay, được sự chăm sóc của gia đình Tuyến đã tăng được 40 kg và không còn tự ti như trước. Tuyến cũng đang tích cực uống nước cháo để làm quen dần với những thức ăn có gạo.
Người mắc chứng bệnh chán cơm như Tuyến cũng từng được y học ghi nhận ở Việt Nam. Như trường hợp của bà Võ Thị Huệ Thu, 49 tuổi, ở ấp Đông, thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây (Tiền Giang). Suốt 10 năm trời bà nói không với cơm và thức ăn. Thực phẩm hàng ngày của bà Thu là trái cây, nước lã, nước dừa, chủ yếu là chuối, khoai lang luộc, rau sống. Tuy nhiên, dù không ăn cơm nhưng bà Thu vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đảm đang việc nhà.
Một trường hợp khác là cụ bà Nguyễn Thị Lúa (75 tuổi, Tam Bình, Vĩnh Long). Bà Lúa mắc bệnh này sau cơn bạo bệnh, khi ấy bà ăn cơm vào lại nôn ra, ruột đau như cắt, ho sặc sụa suýt chết. Quá sợ hãi, từ đó bà không đúng tới một hạt cơm suốt 46 năm trời. Mỗi khi đói, bà Lúa hái vài trái cóc, ổi ăn, uống vào mấy ly nước lọc để có cảm giác no... như đang ăn cơm.
Còn ông Phan Tấn Lộc (sinh năm 1944, TP Cần Thơ) lại chọn... trà đá thay cơm, đến nay đã tròn 25 năm. Ông kể, từ lúc thay đổi khẩu vị, chuyện “đời sống vợ chồng” bỗng dưng mất hẳn, nhưng sức khỏe của ông không hề bị ảnh hưởng. Do chỉ uống nước nên chuyện đi tiểu tiện của ông bình thường, chỉ có việc đại tiện thì một tháng ông mới đi một lần.
Dù rằng, chứng bệnh “sợ cơm” này khiến nhiều người xôn xao nhưng đến nay, các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa tìm được nguyên nhân và lời giải thuyết phục cho chứng bệnh kỳ lạ này.
Theo Gia Đình & Cuộc Sống