"Thể thao đã thay đổi cuộc đời tôi", Hà tâm sự. Thích học võ từ nhỏ, nhưng nhà đông con (có tới 7 chị em), nên cô sớm phải phụ giúp gia đình, không có điều kiện theo đuổi ước mơ. Mãi đến đầu năm 2001, Hà mới mạnh dạn ghi tên vào lớp học tán thủ nữ đầu tiên được mở ở Trung tâm Văn hoá Thể thao huyện Từ Liêm.
"3 tháng đầu tôi không biết đòn thế là gì, bài học duy nhất là cả ngày... ép chân vào tường. Tuổi đã lớn, phải làm thế để cơ thể có độ dẻo và quen với động tác, lại thêm đêm không ngủ vì vẫn đi chợ, ngày tập mệt. Có lúc chán nản, tôi muốn bỏ hết. Những lúc đó mình phải tự đặt một niềm tin và quyết tâm, tự động viên mình cố gắng hết sức".
Sau chiếc HCV hạng 60 kg ở giải vô địch toàn quốc cuối năm 2001, Hà mới thấy thoải mái, tự tin hơn. Còn chiếc HCV hạng cân 56 kg ở giải vô địch tán thủ thế giới tháng 11 vừa qua, Hà coi đó là một bất ngờ vì đó là giải đấu quốc tế đầu tiên Hà tham dự. Để vào đến chung kết, cô đã phải vượt qua các vận động viên Mỹ, Hy Lạp, tất cả đều có tầm vóc nhỉnh hơn, kỹ thuật tốt và khỏe.
"Trước khi vào trận, tôi đã tìm hiểu rất kỹ lối đánh của bạn, tìm ra kỹ thuật để khắc chế, vào trận đánh áp sát ăn điểm và thắng tuyệt đối. Với tôi, tấm huy chương này rất có ý nghĩa, nó giúp có thêm niềm tin để bước vào SEA Games", Hà nói.
Từ khi chưa tập thể thao, những vận động viên nổi tiếng như Thuý Hiền, Trần Hiếu Ngân... là thần tượng của Hà. Bây giờ nghĩ lại, Hà cảm thấy ngạc nhiên với chính mình. "Nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, các thày, mình đã được như hôm nay. Và quan trọng hơn cả là phải luôn đặt cho mình một niềm tin".
Nói về mục tiêu tại SEA Games 22, Hà cho Lao Động biết: "Khó nói trước vì các VĐV Thái Lan, Lào cũng rất mạnh, mà mình thì chưa gặp họ bao giờ. Đương nhiên sẽ phải cố gắng hết sức mình. Nếu được vàng thì quá tuyệt vời. Với cương vị là một nhà vô địch thế giới, tôi nghĩ mình sẽ tự tin hơn nhiều".