Theo An Ninh Thế Giới, 14 năm nay, ở nhà xác Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM, anh Khương đã chứng kiến biết bao chuyện buồn nhân thế.
Trong căn phòng lạnh băng lặng phăng phắc, không kèn, không trống và không một tiếng khóc, chỉ có tiếng sè sè vô cảm phát ra từ cái tủ xác cũ kỹ như một tiếng khóc vĩnh biệt những đứa trẻ xấu số. Cỗ quan tài nhỏ nhắn dài 1m, rộng khoảng 0,3m được đóng bằng những tấm ván ép, đôi lúc có thể chứa 4 ''đứa lớn'' và nhiều hơn là 6 “đứa nhỏ''. Chỉ cần nhỉnh hơn 1 kg, cái hình hài ấy đã được gọi là ''đứa lớn'' và những đứa nhỏ chỉ non 100g đến 200 g, có khi có những đứa chỉ nặng khoảng chừng 50g. Đáy quan tài đã được rải lên một lớp lá và hoa nhài khô, anh Khương giải thích rằng để lá và hoa nhài thấm nước cho quan tài có một mùi thơm dễ chịu. Trước khi yên vị trong cỗ quan tài chung, mỗi thi hài đều được anh Khương mở ra xem xét cẩn thận đâu là đầu, đâu là chân để đặt sao cho đúng. Từ 13h, gần 20 cái xác được chuyển từ tủ xác ra, chúng lặng lẽ nằm bên nhau giữa những thớ vải ướp hương hoa cho đến khi anh đậy nắp quan tài, khẽ đóng mấy chiếc đinh là khi ấy đã đặt dấu chấm hết cho một số phận ngắn ngủi nơi ngưỡng cửa của thế giới con người.
Ngày khâm liệm thường diễn ra vào thứ 5 hằng tuần, vì hôm sau người của Công ty Môi trường đô thị sẽ đến ''rước" những thây nhi đem đi thiêu tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa, tro cốt được cho vào những cái tiểu sành có dòng chữ "Hài cốt tập thể trẻ sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ ngày...", rồi sẽ đưa chuyển vào những ngôi chùa lân cận.
Trên bàn làm việc của anh Khương lúc nào cũng có một sấp giấy báo tử. Những đứa trẻ ở nhà xác có đứa chết ngay khi còn trong bụng mẹ, có đứa sống được vài ngày đã phải ra đi, cao lắm là vài tuần và hầu hết đều không có giấy khai sinh nên danh tính trên giấy báo tử đều ghi theo tên người mẹ. Không phải ai cũng có cách hành xử “tử tế” với những đứa trẻ chưa được làm kiếp người: người biết xót đau cho núm ruột, giọt máu của mình thì mang thây nhi về nhà khâm liệm, hỏa táng. Người cảm thấy đã giải quyết được hậu quả mang thai ngoài ý muốn thì lòng nhẹ tênh vứt bỏ con mình. Những đứa trẻ ấy bệnh viện lập hồ sơ để chuyển xuống nhà xác, sau 3 ngày không có ai đến nhận, những thây nhi bất hạnh sẽ trở thành như cái xác vô thừa nhận, được chuyển đặt vào trong những ngăn lạnh. Sau 3 ngày lưu với niềm hy vọng sẽ có ai đến nhận xác con mình, anh Khương mới tiến hành khâm liệm. Những lúc ấy trong tâm thức anh luôn đau đáu suy nghĩ: Những đứa trẻ cũng cần một danh phận.
Ba anh Khương, ông Trần Văn Loan, nguyên là cán bộ ngành y tế, ông là một người theo đạo Phật, tu tại gia. Ông gắn bó với công việc giữ xác thai nhi từ những năm 1977- 1978. Trước ông Loan cũng đã có vài người giữ xác nhưng rồi họ bỏ việc vì không chịu nổi cái cảnh mỗi ngày “tiễn” vài đứa bé đỏ hỏn lên “thiên đường” trong căn phòng lạnh nặng mùi của những xác chết. Bệnh viện lao đao một phen vì không tìm ra người thay thế, ông Loan nghe chuyện, đắn đo mấy ngày rồi ông nộp đơn xin làm công việc này đến Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.
Ông Loan có 8 người con, anh Khương là con trưởng, khi còn nhỏ anh đã nhiều lần theo cha vào nhà xác, mới đầu những thi thể đỏ hỏn, mùi hôi bốc ra từ những xác chết cứ ám ảnh anh mãi. Hồi ấy anh không tài nào hiểu nổi vì lý do gì mà ba mình lại bỏ công việc nhẹ nhàng bên ngành y tế để chọn cái nghề mà anh cho là kinh hãi ấy.
Năm 1990, 64 tuổi, ông Loan đã quá cái tuổi về hưu, cả một bệnh viện phụ sản lớn hàng đầu của TP HCM lại một phen mỏi mắt chờ ai đó có tấm lòng như ông Loan, tự nộp đơn để xin làm cái công việc “nhuốm màu chết chóc” này. Những người làm ở phòng tổ chức nhớ lại, có vài lần ông Loan bệnh không thể đi làm, đã có một cậu thanh niên đến nhà xác làm thay cho ông, hỏi ra mới biết đó là cậu con trai đầu của ông tên là Trần Trọng Khương. Ban giám đốc bệnh viện đã nhờ ông hỏi thử cậu con trai ông có thể ''nối nghiệp'' hay không.
Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Địa chính, anh Khương đã là một cán bộ. Hồi ấy làm ở ngành địa chính cũng có thể nói là tạm có của ăn, của để. Lần đầu tiên nhận lời đề nghị từ cha mình, anh đã nhẹ nhàng từ chối. Nghe câu từ chối của người con trai, ông Loan không hề trách cứ một lời nhưng lòng ông rười rượi buồn. Ông đã hết mình chăm sóc những thây nhi và ông muốn người kế nghiệp ông cũng thế. Ông biết anh Khương sẽ làm được. Mấy ngày sau, ông đâm ra thẫn thờ và già sọm đi. Thấy cha mình như thế, sợ cha lo lắng nhiều sinh bệnh, anh Khương suy nghĩ nhiều lắm: Nếu không có người thay thế thì cha mình sẽ không được nghỉ ngơi. Nét mặt lo lắng của người cha và trên hết là những hình hài bé nhỏ không có người săn sóc đã ám ảnh anh. Cuối cùng ở cái tuổi 26 phơi phới sức xuân, cùng những hoài bão, anh đã quyết định bỏ việc ở một cơ quan địa chính để thay bóng cha đi đi về về căn phòng lạnh lẽo.
14 năm, thời gian và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi nhiều thứ nhưng với công việc của anh Khương, với cái nhà xác lạnh lẽo và cái tủ xác cũ kỹ thì vẫn không hề thay đổi. Hằng ngày, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật anh vẫn đều đặn đến bệnh viện để ký nhận những thây nhi, chuyển những thây nhi vào trong tủ xác và chờ đến ngày thứ năm đưa chúng trở về cát bụi... Hồi mới vào làm, theo thói quen ăn sáng rồi mới vào làm việc nên cứ vào trong nhà xác, nhìn những thây nhi và cái mùi tử khí anh đã nhiều lần nôn thốc nôn tháo. Bây giờ, mỗi buổi sáng anh chỉ dám dùng một ly cà phê đen mà không ăn gì trước khi đi nhận xác.
Trong nhà xác cũng phân thành hai khu vực, khu chứa xác người lớn là những thai phụ bất hạnh, không nhiều nhưng mỗi năm cũng có vài ca và tất nhiên là những cái xác ấy anh Khương cũng phải lo coi sóc. Cách đây hơn ba năm, một thai phụ sau khi sinh con cả hai mẹ con chết, thử mẫu máu của người mẹ thì phát hiện người này đã bị nhiễm HIV và đã chuyển qua AIDS. Người chồng có lẽ đến lúc đó mới biết vợ mình bị nhiễm HIV, hoảng quá anh ta bỏ đi lang thang, không biết tung tích, xác người vợ được chuyển xuống nhà xác. Mặc dù có trang bị bảo hộ lao động đầy mình nhưng anh vẫn rờn rợn vì đây là lần đầu tiên anh trực tiếp tiếp xúc với cái xác người lớn nhiễm HIV. Trước đây anh cũng đã nhiều lần tiếp xúc với những thây nhi nhiễm HIV nhưng chúng đã được bọc bằng ny lông. Nhiều ngày trời, anh Khương phải làm việc trong một căn phòng có cái xác nhiễm HIV ấy. Lúc chuẩn bị đưa cái xác đi thiêu thì người chồng lù lù xuất hiện. Nhìn gương mặt hốc hác của người vừa mất vợ, mất con, anh Khương thương nhiều hơn giận. Người chồng kể rằng do bị sốc, anh ta chẳng biết phải làm gì, nỗi lo sợ mình đã bị nhiễm HIV từ người vợ ám ảnh. Vài ngày sau, trấn tĩnh lại anh ta mới đi xét nghiệm và biết chắc là mình không bị HIV. Có thế anh ta mới dám trở lại bệnh viện xin xác vợ con mình đem về quê chôn cất.
Có người sau nhiều năm biền biệt, họ quay trở lại tìm anh để xin những thứ ''còn lại" của con mình về. Mới đây có cặp vợ chồng người Phú Yên đến gặp anh để xin lại tro cốt của đứa con mà họ đã bỏ lại bệnh viện 5 năm về trước. Họ kể với anh, 5 năm qua họ lúc nào cũng bị những nỗi giày vò dằn vặt về chuyện đã nhẫn tâm bỏ rơi con mình, không cho nó có được một cái tên. Không thể cứ sống trong những ám ảnh, day dứt lương tâm ấy, hai vợ chồng lại khăn gói lặn lội từ Phú Yên vào để xin lại tro cốt của con mình. Đứa bé ấy bây giờ đã hóa thành tro bụi, có lẽ tro cốt của nó đang ở một ngôi chùa ở Thủ Đức, vì 5 năm trước tất cả những thây nhi anh đều trực tiếp mang đi thiêu ở Thủ Đức. Anh Khương lục tìm từ cuốn sổ nhật ký công việc của mình hy vọng giúp đôi vợ chồng nhà nọ. Nhưng không hiểu sao, trong chồng nhật ký không phải 5 năm mà đến 10 năm trước cũng không có một dòng tên họ nào của đôi vợ chồng này. Người phụ nữ nức nở: ''Cuối cùng mẹ vẫn không tìm lại được con, hãy tha lỗi cho ba mẹ”. Anh Khương đành khuyên họ hãy về lập một bàn thờ, thường xuyên nhang khói vọng tưởng cho lòng phần nào được thanh thản. Cứ mỗi lần nhớ lại bóng dáng đôi vợ chồng quay lưng lầm lũi bước, anh lại băn khoăn không biết mình có phạm điều gì sơ suất hay không?
Một ngày nọ có một đôi vợ chồng đã luống tuổi đặt một cọc tiền trước mặt anh: xin một cái xác trẻ sơ sinh. Họ giãi bày vì hiếm muộn, vì khao khát muốn có một đứa con, họ đã sử dụng nhiều cách khác nhau nhưng vẫn vô phương. Nghe đâu ở miền Đông Nam Bộ có bà thầy pháp, họ lặn lội từ Cần Thơ lên xem. Bà thầy pháp phán rằng: ''Phải đi kiếm một cái xác con nít về làm phép, vợ chồng ông bà mới có thể có con được''. Tin lời bà thầy pháp, họ nghĩ ngay tới Bệnh viện Từ Dũ. Đôi vợ chồng trên đến gặp anh Khương với bọc tiền và một ''yêu cầu nho nhỏ". Anh Khương thẳng thừng từ chối, anh không thể bán rẻ lương tâm của mình. Họ lập luận rằng, đây chỉ là những đứa trẻ vô tri và vô thừa nhận, có cho đi, anh nào có mất mát gì, không “xin" được chỗ anh thì họ cũng có thể “xin” được ở một bệnh viện khác, anh không "cho" thì chỉ có anh thiệt thòi. Người giữ xác đã mắng thẳng vào mặt họ: “Nếu cho các người, tôi sẽ mất gì à? Tôi sẽ mất lương tâm, mất sự thanh thản trong những tháng ngày còn lại. Các người cho rằng những thây nhi này chỉ là những thây nhi vô tri sao? Có thể chúng chưa từng hít thở khí trời nhưng chúng đã từng là con người. Thi thể của con người không thể ''đổi" bằng bất cứ thứ gì khác, các người hiểu không?". Anh đóng sầm cửa nhà xác trước sự thất vọng của đôi vợ chồng nọ.
“Cũng là hình hài một con người, nhưng có khi không sống mà lớn thành người lại là một điều may mắn...''. Anh mỉm cười, không phải nụ cười khinh mạn mà là cách biểu hiện cho những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình. Thấy một số người đối xử với những đứa trẻ xấu số mới hiểu được tại sao đời có người đa đoan và cũng không ít những kẻ thờ ơ đến không ngờ với những kiếp sống do chính họ tạo vóc tạo hình. Thế là anh lại lầm lũi tiếp tục công việc, lầm lũi đóng mở những ngăn chứa xác, lầm lùi giấu đi nỗi lo gánh nặng mưu sinh với đồng lương ba cọc ba đồng phải nuôi người vợ đang thất nghiệp và hai cô con gái nhỏ. Giữa một bệnh viện đầy ắp tiếng cười hạnh phúc của những người may mắn được làm cha, làm mẹ, tiếng khóc oa oa đón chào cuộc sống của những cô bé, cậu bé kháu khỉnh quẫy đạp trong nôi, có một người lại lặng lẽ giấu đi đoạn kết những cơn mê muội, những đớn đau nghiệt ngã của những ai đã được làm người với tất cả sự cẩn trọng và trách nhiệm trước những kiếp phận phù dung. Thế giới của những kiếp phận không cần mở mắt chứng kiến những hỉ, nộ, ái, ố; không hứng chịu những điều ô trọc, lọc lừa, phản trắc, không giết chóc, hận thù... Thế giới mà những sinh linh bé bỏng mãi mãi được gói ghém trong giấc ngủ rực rỡ hồng tươi ánh sáng của chốn thiên đường.