Vũ Thị Thanh Bình
(Truyện ngắn của tôi)
Ngay khi cái ý nghĩ về căn bệnh kia trở lại sau chữ mệt, Khuê lập tức bắt mình nhìn ra những giò hoa đung đưa trên đầu, ngắm con phố chính của thị trấn Sa Pa ngái ngủ trong một trưa hè vắng khách, và quên đi tất thảy.
Cô quyết định sẽ về nhà nghỉ ngủ trưa một chút, rồi đến chiều tiếp tục kế hoạch xuống bản Cát Cát. Đích thị là một hành trình quen thuộc mỗi lần lên Sa Pa. Bạn bè của cô đều đã ngao ngán với những kế hoạch này thậm chí sau lần đầu tham dự, mà không hiểu sao Khuê có thể hào hứng lặp đi lặp lại mỗi lần lên tới đây không biết chán. Chắc hẳn vì tình yêu Sa Pa tha thiết rồi.
Khuê mỉm cười khi đặt lưng xuống chiếc giường rộng rãi thoải mái. Không phải chung giường với ai như khi đi du lịch thời sinh viên. Khuê chìm vào giấc ngủ êm đềm.
Trong lúc ấy Dũng còn đang vật lộn với mớ giấy tờ và bản vẽ trong phòng. Anh tránh gặp mặt bác từ khi quay về nhà nghỉ, lòng chỉ mong làm sao kết thúc công việc này càng nhanh càng tốt. Vậy mà tâm trí lại cứ quay cuồng với hình ảnh bố mẹ đã mất, người đàn ông không quen và cô gái mới quen khiến anh phải bối rối kia. Kể cũng lạ, suốt mấy giờ đi bên cô ta anh không hề nhớ gì đến những chuyện buồn của mình, cứ đầu óc trống rỗng mà bám theo từng bước chân phía trước thế thôi.
Có những lúc tưởng như quên mất mình là ai nữa chứ. Vậy mà chia tay xong trong lòng Dũng lại dậy sóng ưu phiền. Anh muốn ghét cô rồi lại tự thấy có lỗi vì tự nhiên đi thù hằn một người mới quen vô tội. Anh muốn tránh xa những rắc rối cô có thể đem lại cho mình nhưng lại thầm mong ước cảm giác yên bình trong lãng quên khi ở cạnh cô.
Dũng nảy ra ý định muốn nhờ Khuê làm hướng dẫn du lịch khi ở Sa Pa. "Cô ấy có vẻ thông thuộc đường sá ở đây. Dù sao cũng một mình lên đến đây như thế này... ". Anh cân nhắc xem có nên gõ cửa lịch sự thử đề nghị Khuê một lần. Dũng biết cô đã về phòng rồi, từ hơn một tiếng trước. Cả nhà nghỉ chỉ có vỏn vẹn tám phòng cho thuê, gia đình bác anh và người làm ở tập trung tầng một, tầng hai cho khách ngoài anh và Khuê còn một đôi vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật nữa, nhưng chả mấy khi ra khỏi phòng bao giờ.
Anh đã để ý nghe thấy tiếng mở khóa rồi sập cửa ở phòng đối điện đầu kia hàng lang. Dũng cứ mở cửa đi ra rồi lại quay vào đóng cửa phòng như thế bốn năm lần. Lần cuối cùng anh thấy cửa phòng Khuê hé mở và cô bước ra, nhìn thấy anh, nở một nụ cười tươi thay cho câu chào lại thêm một lần khiến trái tim anh đóng băng trong tích tắc.
Khuê đã có một giấc ngủ ngon không mộng mị trong khoảng một tiếng đồng hồ. Rồi cơn đau nhói trên ngực xuất hiện đột ngột như muốn bóp nghẹt trái tim làm cô ngộp thở. Cô vật vã trên giường một hồi lâu, nước mắt giàn giụa. Tự nhiên Khuê thấy sợ hãi kinh khủng. Thật là dại dột làm sao khi một mình tìm đến nơi này. Nếu như cô phải chết cô độc ở đây?... Cơn đau tan dần, Khuê cứ tiếp tục khóc cho đến hết nước mắt.
Nước mắt khô cũng là lúc trong lòng trở lại cảm giác trống trải. "Có lẽ phải quay về đối diện với sự thật, nói cho bố mẹ và bạn bè thôi... " - Khuê tập làm quen với ý nghĩ mới. Nhưng rồi hoang mang lo sợ qua đi, nhìn ra nắng chiều ánh sắc đang trải trên thung lũng phía sau khung cửa sổ những đốm hoa nắng khổng lồ, cô lại quyết tâm ở lại với Sa Pa cho đến khi không còn níu giữ được nữa. Lau mặt, thay đồ, vừa bước ra khỏi phòng Khuê thấy phía bên kia Dũng cũng đang mở cửa. Nhìn thấy một người dù là mới quen nhưng có thể coi gần như là bạn, Khuê bất giác thấy lòng vui vui và trao cho anh một nụ cười.
Dũng chủ động tiến bước về phía cô, chào thêm lần nữa. Anh để ý thấy mắt Khuê hơi đỏ, mí mắt vẫn còn hơi sưng, nhưng tế nhị giữ lại thắc mắc ấy trong lòng.
- Chào anh, tôi định đi xuống Cát Cát bây giờ.
Chỉ chờ có thế Dũng tiếp lời:
- Thế thì hay quá, tôi cũng muốn đi nhưng chưa biết đường. Có thể đi cùng cô được không?
Chẳng có lý do gì để từ chối cả, hai người cùng nhau bước ra trời chiều Sa Pa lộng gió cuộn lẫn với nắng vàng.
Trên đường đi Khuê giải thích cho Dũng lai lịch cái tên bản Cát Cát, miêu tả những cảnh vật bên trong, y như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Anh hầu như chỉ im lặng lắng nghe, ngạc nhiên trước sự am hiểu Sa Pa sâu sắc của cô gái đi cùng, thỉnh thoảng mới cất lời hỏi lại vài câu cho rõ.
Cái tên Cát Cát xuất phát từ từ tiếng Pháp cascade nghĩa là thác nước. Người Pháp đã đến đây đặt nhà máy thủy điện đầu tiên ở Sa Pa để cung cấp điện cho khu nghỉ dưỡng ở thị trấn này. Nhưng Cát Cát cũng là một bản văn hóa truyền thống lâu đời của người H'Mong ở Sa Pa. Ở đây còn lưu giữ nhiều kiến trúc nhà cửa và cổ vật từ xưa.
- ... nhưng từ khi trở thành khu du lịch thì những nhà cửa và vật dụng ấy đều bị bỏ không cả. Người bản xứ đã chuyển ra phía ngoài cất lán bán đồ lưu niệm rồi. Ngoài mấy cây cầu treo và dòng thác, Cát Cát bây giờ chỉ như vùng đất chết, thỉnh thoảng khách du lịch đến lục lại tàn tích mà thôi... Anh có muốn vào xem tận mắt thì mua vé ở đây rồi đi một mình, tôi sẽ đợi ở lối ra dưới kia. - Khuê kết thúc câu chuyện kể khi cả hai cùng đứng trước quầy bán vé dưới tấm biển to đề "Bản Cát Cát".
- Sao cô lại không vào?
- Tôi đã vào đấy một lần rồi, và không muốn nhìn thấy lần thứ hai nữa...
- Cô mà không đi cùng thì tôi vào làm gì? Nếu lạc thì sao? - Dũng cười bông đùa khi thấy giọng Khuê trầm xuống.
- Thế thì ta cứ đi tiếp đến cổng ra của bản nhé! - Khuê lại nở nụ cười - Mỗi lần đến đây gọi là đi Cát Cát thực ra tôi chỉ đi trên con đường này qua cổng vào, cổng ra rồi lại vòng về. Nhìn ngắm ruộng bậc thang hai bên còn đẹp hơn bên trong ấy chứ.
Lúc này Dũng mới bắt đầu để ý đến những thửa ruộng xanh mướt hai bên đường. Con đường vòng quanh những ngọn đồi đã được trải nhựa để phục vụ những chuyến xe chở khách du lịch, nhưng phía lề đường sát với triền đồi cao hơn vẫn có một lạch nước chảy qua rí rách. Trong buổi chiều Sa Pa vắng vẻ đượm buồn, tiếng nước chảy nghe như một lời thì thầm da diết.
Hai người ngồi nghỉ chân một lúc trên bờ tường đất của một ngôi nhà vô danh có những đứa trẻ chăn châu nhem nhuốc ngơ ngáo nhìn tất thảy mọi sự xung quanh gần lối cổng ra của bản.
- Cô có vẻ yêu Sa Pa lắm nhỉ? - Dũng bắt chuyện cho tan bớt bầu không khí im lặng.
- Một năm tôi có thể đến Sa Pa ba bốn lần ấy. Giá mà có thể ở luôn tại đây thì tốt. Còn anh?
- Sáng nay tôi còn nghĩ là tôi ghét cay ghét đắng nơi này.
- Thế bây giờ thì thế nào?
- Tôi cũng không biết nữa...
Khuê từ chối lời mời mọc của mấy bác xe ôm chuyên chở những khách du lịch đã quá mệt sau ba giờ đi bộ lòng vòng trong bản không muốn tự về khách sạn đang ế hàng và thách Dũng chạy thi về nhà nghỉ trong vòng một tiếng. "Điên rồi!" - Dũng thầm nghĩ khi ngó nhìn đồng hồ đeo tay. Từ khi cả hai bắt đầu rời nhà nghỉ đi đến đây với tốc độ không phải là chậm cũng mất gần hai tiếng. Nhưng anh vẫn giữ tốc độ ổn định bám theo sát cô, lúc thì vượt lên một đoạn đứng lè lưỡi trêu đùa, khi thì giả vờ tụt lại một lúc.
Phải công nhận rằng Khuê chạy khá nhanh. Những vị khách du lịch người nước ngoài to béo vừa đi vừa thở dọc đường đều phải ngoái nhìn theo đôi thanh niên nam nữ đang đuổi nhau tràn đầy sức sống.
Dũng chỉ hơi thắc mắc một điều, Khuê chạy nhanh nhưng không bền, cứ chốc chốc lại dừng ôm ngực thở, nhiều khi cúi gục cả đầu xuống. Mỗi khi anh lại gần định hỏi han hay đề nghị dừng cuộc đua cô lại như muốn lảng tránh mà vượt lên phía trước. Đã khắc ghi từ lâu trong lòng bài học đắt giá về việc tôn trọng những gì người khác muốn giấu, anh không có ý định hỏi thêm.
Gần đến nhà nghỉ, Dũng tụt lại để Khuê thắng cuộc. Cô chạy tuột vào trong nhà. Khi Dũng vào đến nơi Khuê đang ngồi thở dốc trên dãy ghế chờ cho khách. Anh cũng ngồi xuống cách cô một chiếc ghế, thở hồng hộc, lau mồ hôi túa ra trên khuôn mặt đỏ bừng dù Sa Pa vừa tắt nắng đã bắt đầu se lạnh. Mặt Khuê không đỏ, lại có vẻ như tái xanh đi. Nhận thấy cái nhìn của Dũng cô gượng cười:
- Cảm ơn anh đã nhường cho tôi thắng... Nhưng hơn một cô gái như tôi cũng không có gì đáng tự hào đâu nhé!
- Trông cô có vẻ mệt. Cô có sao không?
- Không sao cả. Tự nhiên tôi thấy buồn ngủ quá. Tôi lên phòng trước đây, chúc anh buổi tối vui vẻ! - Nói rồi Khuê bước vội lên cầu thang, không để cho Dũng kịp tiếp lời.
Ở dưới nhà Dũng nghe tiếng cửa phòng đóng sập đầy giận dữ. Anh băn khoăn: "Mình đã làm gì nhỉ? Giả vờ thua làm cô nàng tự ái hay sao?".
Khuê tự nhủ mình điên mất rồi. Chẳng hiểu từ ngõ ngách nào trong đầu cô bỗng xuất hiện ý tưởng chạy thi như vậy. Có phải vì cái cảm giác người con trai xa lạ này sẽ sẵn sàng tuân theo mọi ý nghĩ điên rồ cốt chỉ nhằm làm vui lòng cô? Khuê vốn không được tự nhiên thoải mái khi ở bên cạnh người khác giới. Lúc nào cũng thường trực trong cô một nỗi sợ mơ hồ bị lép vế, bị đe dọa.
Cô đã quen sử dụng sự lạnh nhạt làm vũ khí mỗi khi có dấu hiệu hiểm nguy. Mà sao với người thanh niên mới quen này kể cả những ác cảm lúc đầu gặp gỡ cũng không làm Khuê thấy khó chịu. "Nếu như đây là người ấy thì chẳng phải là một lúc xuất hiện không thích hợp chút nào sao?" - Khuê để cho trí tưởng tượng con gái của mình bay bổng chạm vào ý nghĩ ấy, rồi tuyệt vọng vẫy vùng.
Ở Dũng tồn tại một cái gì đó làm Khuê có xu hướng muốn tự hủy hoại bản thân, nhưng vẫn sẵn lòng và vui sướng. Cô quặn thắt trong cơn đau đớn bóp chẹt lồng ngực, nhưng đồng thời vẫn hạnh phúc vì có anh chạy theo bên mình. Cô nghĩ đến cái hoàn cảnh ngang trái chưa biết sống chết tương lai dài ngắn thế nào của mình, nhưng lại vẫn thầm mong được anh cảm thông. Tất cả những cảm xúc ấy ập đến chỉ sau một ngày gặp mặt, hẳn là Khuê điên rồi.
Khi đưa ra lời đề nghị chạy thi ấy, thoáng qua trong Khuê một ý nghĩ dù cô có gục xuống anh hẳn sẽ là người đến bên vực cô trở dậy, nhưng rồi là sự hối hận lo lắng anh sẽ phát hiện ra bí mật của cô. Khuê không muốn bị ai thương hại. Cô cũng đã gần như gục xuống rồi, khi nín thở nói lời chúc anh buổi tối vui vẻ rồi đi như bay lên cầu thang. Khuê chỉ sợ chậm trễ một giây thôi cô sẽ để lộ sự yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần của mình mất. Cánh cửa đóng sập sau lưng cũng là lúc Khuê ngã gục trong đau đớn, nằm thiêm thiếp gần như bất tỉnh.
Sự thay đổi nhanh chóng của Khuê làm Dũng thấy bất ngờ hụt hẫng. Còn lại một mình trong căn phòng tiếp khách, chị người làm hẳn đang sửa soạn nấu cơm tối trong bếp ở chái nhà. Dũng nghe thấy từ phòng ngủ của bác có tiếng tivi. Lúc hai người quay về chẳng có ai ở đây, cửa vẫn mở toang.
Sa Pa một buổi tối trời nhập nhoạng vắng vẻ hiu hắt và ở góc khuất cách xa trung tâm thị trấn náo nhiệt thế này, hẳn cũng làm người ta lơ là đi ý thức phòng kẻ trộm. Gió se lạnh cùng với mồ hôi khô đi làm Dũng lạnh rùng mình. Anh định quay lên nhà đi tắm và thay quần áo thì một giọng nói bất ngờ vang lên:
- Chú em mới lên một hôm mà đã chuẩn bị dắt mũi được em xinh tươi nào rồi đấy, ha ha... Cẩn thận không bị nó dắt mũi lại nhé! Cái đất Sa Pa hổ lốn này chả biết đâu mà lần, ha ha...
Những tràng cười xen vào giọng nói bông đùa đểu cáng làm Dũng khó chịu nhìn sang. Một người đàn ông trạc ba mươi tuổi, gầy gò xanh xao đang cười nhăn nhở.
- Sao, không nhận ra anh mày nữa hả? Cũng phải thôi, mười mấy năm rồi. Chú em giờ cao to đẹp trai quá, ha ha...
Một tràng cười nữa không ăn nhập vào đâu kết thúc câu nói. Dũng nhíu mày cố lục tìm trong trí nhớ mối quan hệ với cái kẻ mang dáng dấp "xì ke" đang đứng trước mặt.
- Anh Phúc... anh Phúc hả?
- Đúng rồi! Cứ tưởng chú mày cũng quên anh được thì đau đời quá! Ngày xưa toàn trèo cây hái quả, chặn đánh du côn cho chú mày, ha ha...
Trong ký ức của Dũng vụt qua hình ảnh ông anh họ học cấp hai to khỏe luôn đứng ra bảo vệ Dũng mỗi khi về thăm quê ngoại bị đám trẻ hàng xóm bắt nạt, hay lúc nào cũng xăng xái leo hết cành ổi sang cành nhãn tìm quả chín cho anh. Từ khi nhà bác chuyển lên Sa Pa rồi bố mẹ Dũng qua đời, anh chưa một lần gặp lại Phúc. Hôm mới đến Sa Pa bác có nói Phúc ở cùng giúp bác quản lý việc kinh doanh từ khi bác gái mất vì tai biến mạch máu não, sáu năm trước. Nhưng đến giờ Dũng mới gặp mặt.
- Anh đi đâu sao hai ngày qua em không thấy ở nhà?
- Đi chơi cho khuây khỏa chứ đi đâu? Chú tưởng bó gối mãi trong cái nhà nghỉ xập xệ này ở đất Sa Pa khỉ ho cò gáy vui lắm đấy hử?... Nếu có thấy buồn chỉ cần nói với anh một tiếng, anh sẽ đưa chú theo "khám phá cái đẹp tiềm ẩn của Sa Pa" ngay, ha ha...
Phúc kết thúc câu nói bằng những cái nháy mắt làm Dũng nóng tai trước khi cả hai con mắt nhỏ khép chặt trong tràng cười ầm ĩ. Dũng chẳng buồn nghĩ tiếp về những gì đã xảy ra trong mười mấy năm qua có thể làm biến đổi niềm tự hào của gia đình và người thân thành kẻ chỉ khiến người ta muốn lánh xa như Phúc bây giờ. Anh im lặng nhìn xuống sàn nhà. Phúc cười xong không thấy Dũng hưởng ứng gì có vẻ giận dỗi.
- Không thích hả, thế thì cứ chăm chỉ làm việc thiết kế của chú mày. Ông già cứ thích xây sửa lại cái nhà nghỉ ọp ẹp này rồi giữ tao lại kinh doanh. Nhưng mà tao chán cái đất Sa Pa này lắm rồi. Mày biết không? Ở một hai ngày đã chán ốm, chỉ có các em dân tộc là xinh, nhưng mà ở đâu chả có gái xinh. Tao đã bảo ông già bán tất tật đi chạy hai suất sang Mỹ cho hai bố con, sang hưởng đời an nhàn sung sướng...
Tiếng hắng giọng của bác trai phía sau làm Phúc thôi kể lể, ngúng nguẩy quẳng về phía bố đẻ một cái nhìn khinh khỉnh rồi bỏ đi không một lời chào. Dũng chưa hết bàng hoàng đứng nhìn theo. Nhìn đứa con đi khuất hồi lâu, bác quay sang nhẹ nhàng bảo Dũng:
- Cháu vào ăn cơm với bác nhé!
Không phải bữa cơm đầu tiên ở đây, nhưng là lần đầu Dũng ăn chung với người bác lâu ngày gặp lại. Mấy bữa trước chị người làm ý tứ dọn một mâm riêng, mời anh khi nào muốn ăn thì báo để đi hâm nóng lại. Bữa cơm tối nay là lẩu cá hồi. Cả bác và Dũng đều không một lời nhắc lại chuyện hôm qua và sáng sớm nay. Hai người đều mặc định trong lòng là đã coi như cho vào quá khứ, dù có tha thứ hay không thì tương lai vẫn phải tiếp tục. Bác tâm sự với Dũng dự định ấp ủ xây dựng Ngân Hạnh thành một khách sạn hiện đại, xứng đáng làm vốn liếng cho con trai duy nhất của bác thừa tự.
- Thằng Phúc nó cũng chịu thiệt thòi nhiều rồi, từ khi mẹ mất đến giờ...
Chưa nói hết câu giọng bác đã nghẹn ngào muốn khóc. Dũng không muốn làm bác nhắc lại chuyện buồn nhiều thêm nữa. Anh vội cướp lời:
- Bác đừng lo, cháu với công ty sẽ cố gắng hết sức. Nhà nghỉ của mình có vị trí tương đối thuận lợi, chỉ cần thay đổi kiến trúc rồi kết hợp với marketing là sẽ làm ăn phát đạt ngay thôi!
Người bác đưa tay run run nắm lấy tay Dũng, nghèn nghẹn:
- Cảm ơn cháu!
Sau bữa cơm Dũng cáo lui lên nhà xem xét tiếp tài liệu. Giờ đây anh bỗng cảm thấy việc sửa sang lại khu nhà nghỉ này không chỉ để giải phóng cho bản thân, mà còn giải phóng cho người bác tội nghiệp cả đời đã phải dằn vặt về cái chết của vợ chồng em gái cũng như sự sa ngã của đứa con trai duy nhất nữa.
Trước khi về phòng mình Dũng chợt nhớ đến Khuê. Từ chập tối không thấy cô bước ra nữa. Ngủ quên cả ăn uống hay sao? Anh gõ gõ cửa phòng cô mấy hồi mà không thấy trả lời đành quay về phòng mình, thấy hơi ngạc nhiên là sao trong lòng lại có chút lo lắng xen với bực mình. Cô nàng bí ẩn này làm anh tò mò, và thấy bất mãn nữa.
Dũng đã quen với việc anh mới là người được theo đuổi, và là người được đưa ra lời từ chối, là người có thể làm người khác tổn thương, trước khi họ làm tổn hại chính bản thân mình. Khuê cho anh cảm giác mình được ban ơn khi có thể cùng cô trò chuyện, và cũng chẳng mảy may tỏ ý cần đến anh quan tâm chút nào, có khi như từ chối anh nữa. Nhưng tắm và thay đồ xong là Dũng đã gói hết những băn khoăn ấy vào một góc để tập trung cho công việc. Thậm chí anh cũng chẳng mảy may nhớ đến ý nghĩ nào đã chạm cửa ngõ tâm trí anh buổi sáng hôm nay.
Còn tiếp...
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Đây là một câu chuyện mà tôi đã ấp ủ ý tưởng từ lâu, nhưng đến giờ mới có đủ quyết tâm để hoàn thành nó - một câu chuyện mà lẽ ra chỉ là một truyện ngắn ba phần gọn gàng, cuối cùng lại trở thành một câu chuyện dài miên man. Nhưng tôi quyết định sẽ không cắt bỏ bất cứ đoạn nào, vì mỗi một dòng miêu tả tâm lý nhân vật lê thê đều nhằm giúp người đọc hiểu cặn kẽ từng biến đổi trong suy nghĩ của đôi tình nhân ấy, để họ có thể chấp nhận tình yêu trong truyện mà không thấy quá gượng gạo - Vũ Thị Thanh Bình.
Truyện ngắn đã đăng: Chuyện tình Sa Pa (3), Chuyện tình Sa Pa (2), Chuyện tình Sa Pa (1), Khi yêu ai, đừng ngại ôm người ấy