Vũ Thị Thanh Bình
(Truyện ngắn của tôi)
Thế mà buổi trưa có khi nắng nóng đến toát cả mồ hôi. Dũng ghét cái thứ thời tiết bốn mùa trong một ngày mà dân tình cứ ngợi ca hết lời về Sa Pa. Dũng ghét cả cái khung cảnh nửa quê nửa tỉnh, nửa miền núi nửa thành thị nơi đây nữa. Ôtô xe máy lẫn với ngựa thồ không ngừng chạy lòng vòng khắp mọi nẻo đường, đổ hàng buôn và bắt khách. Đám trẻ con người dân tộc lấm lem đua nhau đeo bám chèo kéo khách du lịch. Chợ thì rặt những hàng Trung Quốc chất lượng hổ lốn rẻ mạt. Nhà thờ đá nằm chơ vơ lạc lõng giữa hàng dãy nhà nghỉ cao tầng, hoài niệm về quảng trường trung tâm uy nghiêm một thời nay đã thành chợ giời bán đủ thứ hàng Tàu tạp nham. "Chỉ còn đợi ai nữa đến trát xi măng lên những viên đá đã trăm năm tuổi kia thôi là đủ bộ..." - Dũng nghĩ thầm vào buổi sáng đầu tiên đặt chân lên đất Sa Pa.
Những em bé dân tộc trên thị trấn Sa Pa. Ảnh: Hồng Liên. |
Mối ác cảm này không chỉ xuất phát từ bệnh nghề nghiệp của một kiến trúc sư tuy tuổi còn trẻ nhưng đã dạn dày kinh nghiệm như Dũng, mà còn từ những ký ức tuổi thơ đau buồn không thể nào quên như một lời nguyền đeo bám Dũng suốt đời. Bố mẹ Dũng đều qua đời trong một tai nạn giao thông ở tuyến đèo từ Sa Pa xuống Lào Cai, trong một đêm mưa gió, đá lở, mười lăm năm trước, ngày Dũng mới mười hai tuổi. Bé dại, chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau mồ côi mất mát đã phải chịu cú sốc tinh thần nặng nề khi biết nguyên nhân thực sự gây nên cái chết của bố mẹ mình.
Mẹ Dũng, một người đàn bà đẹp, nhưng lúc nào cũng có một vẻ u sầu. Họ ngoại của Dũng là một nhà khá giả có tiếng lâu đời ở Lào Cai, sau lại có công giúp cách mạng. Cô con gái duy nhất trong nhà từng có thời được cho đi du học Trung Quốc về lâm nghiệp, sau vì chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 mà phải về nước trước thời hạn, trong lòng khi ấy đã ấp ủ mối tình đầu với một sinh viên Trung Quốc khóa trên.
Gia đình tác động để cô được điều về làm việc cho Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn gần nhà, sau lại ra sức mai mối cho cô một nghiên cứu sinh từ Hà Nội lên thực tập, chính là bố của Dũng. Dũng là kết quả giữa tình yêu mê đắm gần như mù quáng của người chồng và sự nhẫn nại cam chịu của người vợ. Lớn lên trong cảnh gia đình yên ấm, yên ấm đến nỗi nhiều khi yên ắng đến nặng nề, đứa con trai nhạy cảm đã lờ mờ nhận ra mối quan hệ bất thường giữa bố mẹ mình.
Người mẹ từ khi lấy chồng, sinh con trong một thời gian chớp nhoáng rồi lại theo chồng về dưới xuôi lập nghiệp chỉ ở nhà lo nội trợ và chăm sóc con cái, ngày ngày lặng lẽ giữa bốn bức tường. Người chồng sau những tháng ngày lâng lâng hạnh phúc, hãnh diện vì lấy được vợ đẹp, con khôn cũng nhận ra những tâm sự giấu kín của vợ, trở nên chua chát và lãnh đạm. Có những tuần dài Dũng thấy bố ở lỳ tại viện nghiên cứu không về nhà và khi đứa con trai cất lời hỏi mẹ tại sao bố đi làm mãi không về cũng chỉ nhận được câu trả lời là sự im lặng. Người mẹ lại đem một quyển sổ tay bìa da nhàu nát, giấy úa vàng ra ngắm nghía rồi ôm mặt khóc nức nở.
Đã có lần Dũng lén lấy quyển sổ giấu trong tủ áo mẹ ra xem, bên trong viết toàn chữ Trung Quốc không hiểu là những thứ gì, ngoài ra chỉ kẹp tấm ảnh chân dung một thanh niên ngoài hai mươi đang ôm cây đàn guitar, mặt mũi sáng láng nhưng vẫn phảng phất vẻ xa lạ khó tả. Đằng sau tấm ảnh có dán một chiếc lá khô vàng óng hình cái quạt. Tất cả chỉ có thế, mà lần nào giở ra rồi mẹ cũng khóc. Sự nhạy cảm mách bảo Dũng không nên dò hỏi mẹ, cũng không cần phải kể với bố.
Cho đến một ngày tháng Bảy, người mẹ vốn quen im lặng kia rụt rè đề nghị với chồng được một mình lên thăm anh trai. Ông bà ngoại Dũng mất chỉ vài năm sau khi con gái theo chồng về Hà Nội. Trước kia cả nhà Dũng vẫn cùng về quê ngoại mỗi dịp giỗ Tết. Nhưng từ khi bác trai, người anh duy nhất của mẹ bán hết gia sản ở thành phố, đem lên Sa Pa tậu một mảnh đất rộng xây nhà nghỉ để kinh doanh, đến mấy năm liền bố không đưa hai mẹ con lên chơi nữa. Căn nhà nhỏ còn lại hai bố con, đã im ắng lại càng lặng lẽ.
Rồi bố Dũng nhận được điện thoại từ một đồng nghiệp cũ ở Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, báo rằng tình địch tưởng như không bao giờ xuất hiện của ông đang ở Sa Pa, là trưởng đoàn một lâm trường Trung Quốc sang kết nghĩa và tặng cây giống cho Việt Nam, vợ ông đang đi cùng người cũ. Hình ảnh cuối cùng Dũng còn nhớ được về bố là đôi mắt đỏ ngầu giận dữ, cái nắm tay lôi xềnh xệch đứa con trai mười hai tuổi sang gửi nhà bà nội, để ông có thể rảnh tay lên bắt vợ về nhà.
Chỉ bác trai của Dũng, chủ khu nhà nghỉ trên Sa Pa mà đôi tình nhân chọn làm nơi hội ngộ sau hơn mười năm xa cách kia biết rõ những gì đã xảy ra trong cái đêm mưa gió ấy. Bố Dũng bất chấp mọi lời khuyên can quyết đưa vợ về xuôi ngay lập tức, sau khi đã cho tình địch một trận thừa sống thiếu chết, làm cho đoàn đại biểu lâm trường Trung Quốc ấy phải hoãn mọi kế hoạch hợp tác mà quay về nước ngay hôm sau. Trong cái đêm định mệnh ấy, đất đá lở của Sa Pa đã cướp đi của Dũng cả mái ấm gia đình, cho dù không thật toàn vẹn nhưng cũng là một mái ấm.
Dũng biết sự thật động trời ấy trong cuộc tranh cãi giành quyền nuôi đứa cháu đích tôn duy nhất của dòng họ sau hai đám tang đầy nước mắt. Một người cô bên nội không kiềm chế được đã nói ra tất cả khi bác trai bên ngoại đề nghị được đóng góp trách nhiệm chăm lo cho Dũng. Dũng uất hận mẹ đã phản bội gia đình, chấp nhận theo phán quyết của họ nội, cắt đứt liên lạc hoàn toàn với nhà ngoại. Bác trai sau đó đã chuyển di hài của mẹ về an táng tại Sa Pa. Dũng lớn lên, trưởng thành với vết thương lòng chưa bao giờ thôi rỉ máu, tự nhủ lòng mình không bao giờ để bản thân phải tổn thương, bằng mọi giá.
Dũng đã thề sẽ không bao giờ đặt chân lên đất Sa Pa oan nghiệt ấy nữa. Cho đến một ngày nhận được điện thoại của người bác trai, không hiểu thế nào mà lại tìm ra Dũng giữa biển người mênh mông đất Hà thành.
- Bác đi tìm công ty tư vấn kiến trúc để xây lại nhà nghỉ, thấy ảnh giới thiệu về cháu trên mạng đã ngờ ngợ rồi, đến cả tên tuổi cũng giống nữa... Cháu có đôi mắt của mẹ cháu. Chuyện cũ đã qua mười lăm năm nay rồi, cháu không thể tha thứ cho mẹ sao? Sắp đến ngày giỗ của bố mẹ cháu, ít nhất thì cũng lên thăm mộ mẹ lấy một lần chứ...
Ra là cái nhà nghỉ trên Sa Pa đã liên hệ nhờ công ty Dũng tư vấn thiết kế. Dũng đã đề nghị giám đốc từ chối ngay dự án ấy sau khi biết địa điểm, với đủ cớ đường xá xa xôi tốn kém, hiệu quả không cao.
- Bác giờ bệnh tật nhiều rồi, chẳng còn sống bao lâu nữa đâu. Chẳng lẽ cháu không muốn biết sự thật chuyện về bố mẹ trong đêm ấy ư?...
Dũng vội cụp máy nhưng câu hỏi kia cứ vang vọng mãi trong đầu, làm Dũng trằn trọc mất ăn mất ngủ. Sau một tuần, Dũng lên gặp giám đốc, đồng ý nhận dự án và chuẩn bị lên Sa Pa trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Nói dối cô chú, người đã nhận chăm sóc sau ngày bố mẹ mất là phải đi công tác Quảng Ninh dài ngày (chẳng khó khăn gì, công việc của một kiến trúc sư như Dũng tháng nào chẳng phải đi xa ít nhất một tuần), Dũng vội vàng lên Sa Pa tìm bác.
Thị trấn Sa Pa nhìn từ khu Hàm Rồng. Ảnh: Hồng Liên. |
Mất một buổi sáng để người đàn ông ngoài sáu mươi tóc bạc gần hết với đủ thứ bệnh tim mạch, huyết áp thôi không thổn thức khi nắm tay Dũng và nhìn mãi vào đôi mắt đen sâu tuyệt đẹp cứ phải quay đi vì ngượng ngùng và khó chịu. Thêm một buổi chiều để người bác ấy cho Dũng biết câu chuyện về đêm định mệnh kia. Bác thú nhận chính mình đã là người làm cầu nối cho em gái và người tình cũ.
- Ông ấy cũng là người tử tế. Năm ấy làm trưởng đoàn đến trao cây giống cho Việt Nam, ăn nghỉ ở nhà bác rồi mới hỏi chuyện, đề nghị bác giúp cho gặp mặt mẹ cháu để nói chuyện kỷ niệm xưa, thế thôi... Ông ấy cũng đã có hai con, biết mẹ cháu đã có gia đình đàng hoàng rồi thì còn đang tâm phá vỡ hạnh phúc nhà người khác làm gì nữa?
Hai người ở đây cũng chỉ dạo chơi, nói chuyện cũ với nhau. Không hiểu có ai nhìn thấy báo về cho bố cháu là mẹ ngoại tình nên mới ra cơ sự... Bố cháu lên đến nơi không nói không rằng cứ lôi người kia ra đánh đấm. Ông ấy cũng không dám đánh trả. Bác với mẹ cháu phải giữ bố cháu lại, giải thích mãi mới nguôi tức... Mẹ cháu đã khóc lóc van xin tha thứ và bố cháu cũng tha thứ rồi... Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà hai bố mẹ cháu làm hòa xong cứ nhất quyết đòi đi xe máy về ngay trong đêm, trời thì mưa gió thế. Bác giận mình đã không kiên quyết ngăn cản, không thì đâu đến nông nỗi. Sau khi biết tin bố mẹ cháu gặp nạn ông ấy cũng vội bỏ về nước ngay, còn tâm trí nào mà đối diện với nỗi đau và mặc cảm tội lỗi? Cháu tha thứ cho bác, tha thứ cho mẹ chứ?
Câu chuyện kể bị ngắt ra liên tục bởi những tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Dũng chẳng hề cảm động hay rơi một giọt nước mắt nào. Chẳng khác mấy so với phiên bản chuyện cũ đã ngày đêm xát muối vào lòng Dũng mười lăm năm qua. Có chăng chỉ thêm việc bố mẹ Dũng đã làm hòa ngay trước khi qua đời, ai biết đâu không phải là một chi tiết hư cấu người bác quá thương em nhớ cháu kia thêm vào để Dũng thôi không oán trách mẹ mình.
Dũng mất cả buổi tối và gần đêm hôm ấy trằn trọc trên giường. Cái lạnh về đêm của Sa Pa thấm hơi sương giá buốt. Mười lăm năm côi cút uất hận đã biến sự nhạy cảm bẩm sinh của Dũng thành ra một thứ vũ khí phòng vệ bản thân chống lại mọi tổn thương tiềm ẩn. Dũng chưa bao giờ có thể mở lòng yêu thương thật sự bao giờ. Dũng đã đón nhận sự chăm sóc hòng bù đắp những mất mát của đứa cháu trai từ những người thân bên nội một cách lạnh nhạt trong cái vỏ lễ phép và cam chịu, không nguôi ngoai đi nổi mặc cảm về thân phận của mình.
Lúc nào Dũng cũng nhìn thấy trong mỗi người con gái đang cố tìm cách làm Dũng quan tâm (luôn có thừa, khiến mấy anh bạn chưa bao giờ hết ghen tị) cái tương lai ẩn chứa dối lừa một ngày nào đó sẽ quay lại làm Dũng đau khổ và anh không bao giờ là người dám đi cho đến trọn một cuộc tình. Chưa đến ba mươi mà lúc nào cũng nặng nề suy nghĩ lo sợ như một ông già. Nhìn vào cái vẻ ăn chơi bất cần đời của Dũng có ai biết nỗi đau ở bên trong hay không?...
Dũng chọn cách dũng cảm quay lại nơi không bao giờ muốn đặt chân tới này để đi tìm câu trả lời cho nỗi đau của mình. Tiếc thay lại là một câu trả lời không hề thỏa đáng. Vậy thì quyết định còn lại cũng chỉ ở Dũng mà thôi. Vết thương lòng đã hơi đóng vẩy, nhưng sẹo thì chắc chả bao giờ tan đi. Dũng không thể tha thứ hoàn toàn cho người mẹ tội nghiệp, cũng không bao giờ có thể lấy lại sự vô tư yêu thương của mình. Nhưng đã lên đến đây rồi, thì hãy cố gắng đối mặt với nó lần cuối. Ngày mai Dũng sẽ theo bác đi viếng mộ mẹ, sau đó giúp bác thực hiện bản thiết kế xây lại nhà nghỉ cũ này thành khách sạn ba sao, rồi sau đó có thể yên tâm mãi mãi đoạn tuyệt với cái đất Sa Pa này.
Đấy là quyết định của Dũng, khi mở mắt ra trong căn phòng nghỉ, sau cái ý nghĩ đầu tiên là ghét cay ghét đắng Sa Pa xuất hiện trong đầu.
Mộ người mẹ nằm yên vị một góc khuất trong nghĩa trang nhỏ đối diện trụ sở của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, nơi bố mẹ Dũng đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Gần mộ ông bà ngoại và cũng khá gần khu nhà nghỉ của bác. Chắc bác quyết định đưa mẹ về đây cho gần gũi và tiện thăm nom. Dũng thắp một thẻ hương, cắm lên mộ mẹ, ngắm nhìn bức ảnh khảm trên bia đá đã phai nhiều nét. Sau ngày đại tang năm xưa, nhà họ nội đã vứt bỏ hết những gì thuộc về mẹ Dũng, không giữ lại tấm ảnh nào. Trên bàn thờ cũng chỉ có hình bố Dũng. Bản thân Dũng cũng đã cố gắng đào sâu chôn chặt những ký ức về mẹ. Để đến bây giờ phải chật vật lấy ra.
Dũng nhớ tới mái tóc dài hơi xoăn gợn sóng, ánh màu nâu sẫm chứ không đen tuyền, mẹ vẫn thường hay gội đầu rồi đứng hong tóc nhìn Dũng chơi cùng các bạn trong khu tập thể. Dũng cũng nhớ nụ cười duyên dáng mà ít khi mẹ khoe ra. Đôi mắt thì bác đã bảo là giống y chang mắt Dũng... Quyển sổ bìa da nhàu nát, tấm ảnh... Chiếc lá khô ánh vàng hình cánh quạt.
- Bác có biết ở đâu quanh đây có loại cây nào lá hình cái quạt không?
Câu hỏi bất ngờ của Dũng làm người bác bối rối mất một lúc.
- Sao cháu lại hỏi thế?... Có cây ngân hạnh trồng ngay trước sân nhà nghỉ đấy. Chắc hôm qua cháu đến chưa để ý. Cây ấy là một trong những cây giống người đàn ông kia mang tới tặng cho Sa Pa, tiếc là chưa kịp chuyển giao kinh nghiệm chăm sóc thì đã phải về nước. Mấy trăm cây con không hợp khí hậu nên chết gần hết cả, chỉ còn sót vài mống. Bác xin đánh một cây về trồng trước nhà, thì lại lên khỏe mạnh... Ngày xưa mẹ cháu đi học về cứ kể mãi chuyện Trung Quốc có những cây ngân hạnh mùa hè lá xanh, mùa thu lá đổi màu rực rỡ như dát vàng ròng.
Vết thương mới liền lại nhói lên. Dũng để bác ở lại một mình trầm ngâm bên những ngôi mộ, ra về trước, định bụng sẽ xem xét quanh khu nhà nghỉ để có thể kết thúc công việc thật nhanh và chia tay nơi này mãi mãi.
Rẽ xuống khỏi con dốc nhỏ, leo vài bậc thang dẫn lên khoảng sân rộng trồng cây cối và hoa cảnh không theo trật tự nào, việc đầu tiên Dũng làm một cách vô ý thức là đưa mắt tìm cây ngân hạnh như lời bác nói. Đập vào mắt anh là một cô gái trẻ có mái tóc dài nhuộm nâu sẫm hơi quăn, balô thả rơi dưới chân, còn hai tay đang níu một cành lá xanh biếc hình rẻ quạt cho chạm vào mặt mình, mắt nhắm nghiền và miệng cười sung sướng.
Còn tiếp...
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Đây là một câu chuyện mà tôi đã ấp ủ ý tưởng từ lâu, nhưng đến giờ mới có đủ quyết tâm để hoàn thành nó - một câu chuyện mà lẽ ra chỉ là một truyện ngắn ba phần gọn gàng, cuối cùng lại trở thành một câu chuyện dài miên man. Nhưng tôi quyết định sẽ không cắt bỏ bất cứ đoạn nào, vì mỗi một dòng miêu tả tâm lý nhân vật lê thê đều nhằm giúp người đọc hiểu cặn kẽ từng biến đổi trong suy nghĩ của đôi tình nhân ấy, để họ có thể chấp nhận tình yêu trong truyện mà không thấy quá gượng gạo - Vũ Thị Thanh Bình.
Truyện ngắn đã đăng: Chuyện tình Sa Pa (1), Khi yêu ai, đừng ngại ôm người ấy