Khi công chúa Elizabeth xứ York, con gái Hoàng tử Albert George, lần đầu tiên gặp chàng hoàng tử lưu vong Philip, bà không biết tương lai mình sẽ làm nữ hoàng, còn vị thanh niên trẻ tuổi kia sẽ sánh bước cùng bà trong suốt 73 năm kết duyên vợ chồng. Khi đó Elizabeth 7 tuổi làm phù dâu trong hôn lễ của cô mình - Công chúa Marina của Hy Lạp và Đan Mạch kết hôn với Công tước xứ Kent tại Tu viện Westminster. Còn Philip, 12 tuổi tham dự hôn lễ với tư cách là em họ của cô dâu. Lúc đấy cả hai hầu như không trò chuyện thân mật nhưng nhiều hãng tin sau đó đưa tin rằng hoàng tử lưu vong Philip trông rất xứng đôi với công chúa nhỏ.
Khi họ gặp lại nhau sau 5 năm, vào năm 1939, mọi thứ đã thay đổi. Bác của Elizabeth, Vua Edward VIII, đã thoái vị ba năm trước. Cha của Elizabeth, vua George VI thừa kế ngai vàng. Khi đó Philip là một thiếu sinh quân hải quân 18 tuổi. Và châu Âu đang đứng trên những cuộc xung đột chính trị và thay đổi kinh hoàng khi Thế chiến thứ hai sắp bắt đầu.
"Anh ấy có thể nhảy cao đến mức nào?", Elizabeth hỏi gia sư của mình, Marion Crawford, vào tháng 7/1939 khi công chúa nhìn thấy Philip nhảy qua lưới quần vợt tại trường Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth. Công chúa Elizabeth, người có tuổi thơ êm đềm, dành phần lớn thời gian bên em gái và gia sư của mình đã choáng ngợp trước "học viện ngôi sao" này, nơi đào tạo những sĩ quan quân đội khi cùng vua cha và hoàng hậu tham quan trường. Khi đó chú của Philip - Huân tước Louis Mountbatten đã tạo điều kiện để cháu trai gặp gỡ Elizabeth - trưởng công chúa của Vua George VI.
Khi các thành viên hoàng gia rời Dartmouth trên Du thuyền Hoàng gia, tất cả các học viên trường Hải quân sẽ chèo thuyền theo sau trên chiếc thuyền nhỏ của họ cho đến khi Nhà vua chỉ thị họ quay trở lại bờ. Lúc ấy tất cả học viên trường Hải quân Hoàng gia đều làm theo hướng dẫn cung tiễn Nhà vua như trên, ngoại trừ Philip, người đã chèo thuyền bằng tất cả sức lực của mình khi công chúa Elizabeth quan sát anh qua ống nhòm.
Philip là con trai duy nhất của Hoàng tử Andrew Mountbatten của Hy Lạp và Công chúa Alice, con gái lớn của Hoàng tử Louis xứ Battenberg trước đây. Tuy nhiên lúc mới lên một tuổi, cả gia đình hoàng tử Philip đã trốn khỏi Hy Lạp trên con thuyền buôn sau cuộc đảo chính. Gia đình hoàng tử lưu vong ban đầu sống tại Paris, Pháp và trải qua nhiều biến cố khác. Mẹ Philip bị bệnh tâm lý nặng phải sống trong bệnh viện thời gian dài còn cha ông thì có tình nhân. Philip được gửi đến các trường nội trú tại Gordonstoun ở Scotland trước khi đến Học viện Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth.
Những năm tháng Philip sống trong môi trường đào tạo khắc nghiệt tại các trường nội trú trên, không một người thân nào trong gia đình đến thăm ông. Người Philip yêu quý nhất là chị gái Cecile tử vong trong tai nạn máy bay khi đang mang thai ở tháng thứ 8. Ba chị gái còn lại của ông đều kết hôn với các sĩ quan Đức, đặt Philip ở hai phía đối nghịch trong cuộc chiến giữa phe phát xít và đồng minh.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Philip tham gia vào lực lượng hải quân của quân đồng minh và được thăng cấp trung úy. Lúc này Philip thường xuyên viết thư cho trưởng công chúa Elizabeth và đến thăm gia đình hoàng gia vào dịp Giáng sinh năm 1943. Khi đó công chúa Elizabeth đã là một thiếu nữ xinh đẹp 17 tuổi. Chàng trung úy Philip đã bị hấp dẫn bởi tính cách vui vẻ, hóm hỉnh và tràn đầy sức sống của nàng công chúa trẻ.
Khi chiến tranh kết thúc, hoàng tử lưu vong Philip đã nghiêm túc theo đuổi công chúa Elizabeth, thường đưa cô đến các buổi hòa nhạc và những buổi hẹn hò lãng mạn tại nhà hàng. Lúc đó vua George VI, hoàng hậu và các triều thần đều bày tỏ sự không hài lòng về Philip, vị hoàng tử lưu vong với thân phận phức tạp. Các triều thần đã thảo luận về việc Philip là người "không lịch thiệp", "nóng tính" và là người hay thay đổi khi nằm trong danh sách đăng ký thường trú "không có chỗ ở cố định". Và họ đều không tin tưởng người chú đầy mưu mô của Philip - Huân tước Louis Mountbatten.
Nhà vua đã đưa Elizabeth đến Nam Phi trong chuyến công du của hoàng gia để ngăn cách tình cảm của cả hai. Dù vậy công chúa Elizabeth không bị dao động trước những lời khuyên can. Công chúa đã nhìn trúng Philip từ khi cô mới 13 tuổi và sự ngăn cản chỉ càng khiến tình cảm của nàng thêm mãnh liệt. Cuối cùng vua George VI đành nhượng bộ và lễ đính hôn của cặp đôi được công bố ngày 8/7/1947. Philip lúc này đã lấy quốc tịch Anh, họ Mountbatten từ ông bà ngoại và được phong làm Công tước xứ Edinburgh.
Đám cưới xa hoa của Philip và công chúa Elizabeth diễn ra vào ngày 20/11/1947. Các vị khách hoàng gia đến từ khắp nơi trên thế giới được mời tham dự. Tại Tu viện Westminster, trong chiếc váy cưới lụa trắng tinh, thêu 10.000 viên ngọc trai, công chúa Elizabeth và Công tước xứ Edinburgh đã trao nhau lời hứa trọn đời bên nhau.
Ban đầu cuộc sống và lễ tiết hoàng gia khiến Philip, người đã quen với cuộc sống tự do và năng động khi làm việc trong Bộ Hải quân cảm thấy ngột ngạt. Vào cuối 1948, cặp đôi đón đứa con đầu lòng là Thái tử hiện tại Charles, sau đó là công chúa Anne vào năm 1950. Khi ấy gia đình họ sống tại lâu đài Clarence House. Philip đóng quân tại Malta và công chúa Elizabeth thường xuyên đến thăm chồng như những người vợ của sĩ quan khác. Đó là quãng thời gian êm đềm nhất của đôi vợ chồng trẻ.
Đầu năm 1952, Elizabeth và Philip bắt đầu chuyến thăm đến Kenya. Tuy nhiên đêm 9/2/1952, vua George VI qua đời, cặp đôi lập tức quay trở lại London. Sự ra đi của nhà vua ở tuổi 56 là một cú sốc đối với cả Elizabeth và Philip. Trưởng công chúa Elizabeth kế vị ngai vàng, Philip trở thành chồng của Nữ hoàng và mọi thứ bỗng chốc thay đổi. Gia đình họ phải chuyển từ Clarence House đến Cung điện Buckingham ít thân mật hơn. Philip phải từ bỏ sự nghiệp trong hải quân và dốc toàn lực hỗ trợ vợ mình - nữ hoàng Elizabeth II.
Khi đó Philip đã tin rằng nữ hoàng vẫn giữ họ Mountbatten của mình nhưng thủ tướng Anh bấy giờ là Winston Churchill và Nữ hoàng đã quyết tâm giữ họ Windsor của dòng tộc hoàng gia. Điều này khiến Philip rất đau lòng. Vào thời điểm hoàng tử Andrew được sinh ra vào năm 1960 và Edward năm 1964, nữ hoàng đã thể hiện sự trân trọng dành cho chồng, bà ban hành lệnh rằng bất kỳ hậu duệ nam nào không thừa kế ngai vàng đều dùng họ kép "Mountbatten-Windsor".
Trong những năm hỗ trợ nữ hoàng, Hoàng thân Philip đã phải chịu đựng những thành kiến chống lại mình. Một số ý kiến phản đối ông làm chủ tịch lễ Đăng quang của nữ hoàng Elizabeth. Những nỗ lực của ông nhằm hỗ trợ khoa học và kỹ thuật, truyền cảm hứng cho giới trẻ thông qua Giải thưởng Công tước Edinburgh cũng từng bị chế giễu rằng nó nghe có vẻ "giống như Thời thanh niên Hitler".
Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và không ngừng nỗ lực cống hiến, hỗ trợ Nữ hoàng, Hoàng thân Philip đã giành được sự tôn trọng và yêu mến của chính phủ cũng như người dân.
Hoàng thân Philip rất quan tâm đến công nghệ sự hiện đại hóa chế độ quân chủ. Ông là người hoàng gia đầu tiên được phỏng vấn trên truyền hình, khi ông thảo luận về việc học việc của giới trẻ trên BBC Panorama với Richard Dimbleby vào năm 1961. Philip cũng tham gia vào "Royal Family", một bộ phim tài liệu về cuộc sống hoàng gia được phát sóng vào năm 1969.
Trong nhiệm kỳ phụng sự nữ hoàng của mình, Hoàng thân Philip là người bảo trợ cho hơn 800 tổ chức. Ông đặc biệt quan tâm đến động vật hoang dã và môi trường, từng giữ chức chủ tịch của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới từ năm 1961 đến năm 1982. Hoàng thân cũng khuyến khích hậu duệ hoàng gia như William và Harry tham gia nhiều vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Trải qua bao thăng trầm, Hoàng thân Philip là người bạn đồng hành kiên định của Nữ hoàng. Là một người năng động, thông minh, không phải lúc nào cũng dễ dàng đi sau Nữ hoàng một bước nhưng tình yêu đã khiến Philip nhượng bộ và toàn tâm hỗ trợ vợ mình. Hoàng tử William từng nói về ông nội của mình rằng "ông hoàn toàn gạt sự nghiệp cá nhân của mình sang một bên để hỗ trợ bà và sẵn sàng lùi về phía sau ánh đèn sân khấu". Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip là cặp đôi hoàng gia bên nhau lâu nhất trong lịch sử với 73 năm hôn nhân gắn bó, trước khi hoàng thân qua đời hôm 9/4 ở tuổi 99. Vào năm 2012, trong sự kiện Diamond Jubilee, nữ hoàng đã chia sẻ chính chồng mình là "người tiếp sức mạnh không ngừng và dẫn đường cho bà".
Sơn Nam (Theo CNN)