Hoàng thân Philip qua đời ở tuổi 99 hôm 9/4, khép lại cuộc đời đầy vinh quang nhưng cũng nếm không ít đau thương của mình. Giống như Nữ hoàng Elizabeth II, Hoàng thân Philip là chắt của Nữ hoàng Victoria. Ông sinh ngày 10/6/1921 trên đảo Corfu, Hy Lạp, là con thứ năm và là con trai duy nhất của Hoàng tử Andrew Mountbatten của Hy Lạp và Công chúa Alice, con gái lớn của Hoàng tử Louis xứ Battenberg trước đây.
Dù vậy gia đình của Philip không phải là người Hy Lạp mà là hậu duệ của một gia đình hoàng gia Đan Mạch được Anh đặt lên ngai vàng Hy Lạp vào cuối thế kỷ 19 để kiểm soát vùng thuộc địa này. Khi đó Philip đứng thứ sáu trong danh sách thừa kế ngai vàng Hy Lạp.
Tuy nhiên chỉ một năm sau khi Philip ra đời, một cuộc đảo chính diễn ra tại Hy Lạp khiến cha ông - Hoàng tử Andrew bị kết án tử hình vì không phục tùng mệnh lệnh. Mặc dù được cứu, Hoàng tử Andrew và cả gia đình đã bị trục xuất khỏi Hy Lạp. Trong cuốn sách Prince Philip: The Turbulent Early Life of the Man Who Married Queen Elizabeth II (Tạm dịch: Hoàng thân Philip: Cuộc đời đầy sóng gió của chồng Nữ hoàng Elizabeth II" xuất bản năm 2011, nhà văn người Anh Philip Eade đã viết rằng "đứa trẻ sơ sinh Philip được giấu trong thùng đựng trái cây trên con tàu buôn lậu rời Hy Lạp" trong cuộc binh biến năm 1922 sau khi cha ông bị kết tội. Gia đình sau đó lưu lạc đến Paris (Pháp), nơi họ sống trong hoàn cảnh khốn khó.
Ngôn ngữ đầu tiên cậu bé Philip học được không phải tiếng Đan Mạch hay Hy Lạp mà là tiếng Anh, do một bảo mẫu người Anh dạy cho cậu. Khi Philip lên sáu, mẹ ông mắc bệnh về tâm lý. Năm Philip lên 9 tuổi, cha mẹ ông ly thân, Philip được gửi đến Anh sống cùng bà ngoại, Thái hậu Marchioness xứ Milford Haven - cháu gái của Nữ hoàng Victoria.
Philip đã dành 4 năm tại ngôi trường quý tộc Cheam ở Anh, một cơ sở giáo dục yêu cầu tính kỷ luật cao. Sau đó ông đến học tại Trường Gordonstoun ở Scotland, nơi thậm chí còn khắc nghiệt hơn trường Cheam, nơi yêu cầu học sinh làm việc chăm chỉ, tắm nước lạnh và ngủ trên những chiếc giường gỗ cứng. Trong cuốn sách viết về mình, hoàng thân Philip kể rằng trong 5 năm ông học tại ngôi trường khắc nghiệt này, không có ai trong gia đình đến thăm ông.
Tại Trường Gordonstoun, chàng thiếu niên Philip tìm thấy niềm đam mê với biển cả và muốn trở thanh một lính bảo vệ bờ biển tình nguyện tại trường. Năm 1939, Philip trở thành thiếu sinh quân của trường Hải quân Hoàng gia Britannia tại Dartmouth và được vinh danh là học viên giỏi nhất trong khóa. Năm sau, khi nước Anh xảy ra chiến tranh, Philip 19 tuổi đã ra khơi với tư cách là thiếu úy trên tàu chiến Ramillies thuộc hạm đội Địa Trung Hải. Sau đó ông được chuyển sang Valiant, một thiết giáp hạm khác.
Philip được thăng cấp trung úy vào tháng 6/1942 và tham gia cuộc đổ bộ của Đồng minh tại Sicily vào tháng 7/1943 trước khi lên đường tham gia chiến dịch Thái Bình Dương. Tại đây, ông phục vụ với tư cách là trợ lý cho chú của mình là Huân tước Louis Mountbatten, người lúc đó là chỉ huy tối cao của quân đồng minh ở Đông Nam Á. Philip cũng đã có mặt trên thiết giáp hạm Missouri của Mỹ vào ngày 2/9/1945, khi quân Nhật chính thức đầu hàng đồng minh.
Theo New York Time, Philip gặp Công chúa Elizabeth (hiện là nữ Hoàng Elizabeth II) lần đầu ở đâu hoặc khi nào vẫn chưa rõ, nhưng chắc chắn ông đã được mời dùng bữa trên du thuyền hoàng gia khi Elizabeth mới 13 hoặc 14 tuổi. Ông cũng được mời ở lại lâu đài Windsor vào khoảng thời gian đó khi đang trong kỳ nghỉ phép. Có nguồn tin cho biết Philip đã đến thăm gia đình hoàng gia Anh tại điền trang Balmoral ở Scotland vào một buổi chiều cuối tuần năm 1939. Tại đây công chúa Elizabeth đã tỏ tình với chàng hải quân điển trai Philip rằng "anh là người đàn ông duy nhất em yêu".
Vua George VI ban đầu không hài lòng với chàng trai mà con gái yêu do thân phận phức tạp của Philip. Nhà vua đã đưa Elizabeth đến Nam Phi trong chuyến công du của hoàng gia để ngăn cách tình cảm của cả hai.
"Chúng tôi đều nghĩ rằng con bé còn quá trẻ so với thời điểm đó. Nó chưa bao giờ gặp bất kỳ người đàn ông trẻ tuổi nào ở độ tuổi của mình nên tình cảm có thể bồng bột. Dù gì tôi cũng thích Philip, đó là một chàng trai thông minh, có khiếu hài hước và suy nghĩ chín chắn", vua George VI từng nhận xét về mối tình của con gái mới lớn.
Tại Nam Phi, công chúa được cho là đã viết thư cho Philip ba lần một tuần. Vào thời điểm cô trở lại Anh, Hoàng thân Philip của Hy Lạp và Đan Mạch đã từ bỏ thân phận hoàng tộc của mình và trở thành Trung úy Philip, một công dân Anh thực thụ. Điều này làm vua George VI vô cùng hài lòng. Lễ đính hôn của Philip và công chúa Elizabeth được công bố vào ngày 10/7/1947.
Theo nhà tiểu sử Ingrid Seward viết trong cuốn Prince Philip Revealed (tạm dịch: Hé lộ về Hoàng thân Philip), mặc dù đã đính hôn với người thừa kế nước Anh, Philip vẫn đầy nghi ngờ về cuộc hôn nhân của mình. Trước đám cưới không lâu, ông đến ở tại Cornwall tâm sự với người bạn tri kỷ, nữ tiểu thuyết gia Daphne du Maurier rằng: "Anh không muốn quay lại, anh muốn ở lại với em". Du Maurier đã bảo Philip đừng ngớ ngẩn như thế và "đất nước cần anh".
Vào đêm trước đám cưới, năm 1947, Trung úy Philip được phong làm Công tước xứ Edinburgh, Bá tước Merioneth và Nam tước Greenwich. Ngày 20/11/1947, tại Tu viện Westminster ở London, đám cưới giữa Elizabeth và Philip diễn ra. Vào ngày 14/11/1948, cặp đôi đón đứa con đầu lòng là Thái tử hiện tại Charles, tại Cung điện Buckingham. Sau đó Elizabeth sinh thêm công chúa Anne vào năm 1950; Hoàng tử Andrew vào năm 1960, và Hoàng tử Edward vào năm 1964.
Sau một vài năm hạnh phúc, đôi vợ chồng trẻ đã phải đối mặt với nhiều thách thức mới kể từ sau khi Vua George VI qua đời vào năm 1952. Philip đã từ bỏ sự nghiệp của mình trong lực lượng hải quân để trở thành người hỗ trợ toàn thời gian cho nữ hoàng mới.
Phải từ bỏ sự nghiệp trong lực lượng hải quân và thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ hoàng gia, Philip ban đầu cảm thấy bối rối trước những lễ tiết diễn ra tại Cung điện Buckingham. Trong thời gian đó, điều khiến ông cảm thấy đau lòng là con ông lấy họ Windsor của nữ hoàng thay vì Mountbatten của mình.
Vào năm 1956, Philip, khi đó 35 tuổi, đã thực hiện một chuyến đi biển trong bốn tháng Melbourne, Australia, để khai mạc Thế vận hội Olympic, nhưng các báo cáo cho biết chồng nữ hoàng lại thường xuyên tụ tập vui chơi cùng bạn bè. Khi trở về, nữ hoàng đã phong cho Philip danh hiệu Hoàng thân của Vương quốc Anh. Theo lệnh hoàng gia, Elizabeth đưa tên của chồng mình vào hoàng tộc, ra lệnh rằng các con của họ, ngoại trừ Thái tử Charles, được sử dụng họ kép Mountbatten-Windsor. Có tin đồn về sự rạn nứt hôn nhân của Hoàng thân Philip và nữ hoàng nhưng con cái đã hàn gắn những mâu thuẫn giữa họ.
Trong suốt khoảng thời gian hỗ trợ nữ hoàng Anh, Hoàng thân Philip đã thể hiện được vai trò của mình, hiện đại hóa chế độ quân chủ, vận động bảo vệ môi trường, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật, truyền cảm hứng cho giới trẻ thông qua Giải thưởng Công tước Edinburgh. Khi dừng các công việc hoàng gia vào năm 2017, Hoàng thân Philip đã có 637 chuyến công du nước ngoài. Trong suốt cuộc đời mình, ông được ca ngợi là người bạn trung thành và đáng giá nhất của Nữ hoàng Elizabeth II.
Sơn Nam (Theo NYT, Guardian)