![]() |
Ông Võ Quốc Thắng. |
Khởi xướng cho việc mua bán đội bóng đá đầu tiên có lẽ là khách sạn Khải Hoàn (TP HCM) năm 2004. Ban đầu, ông bầu Huỳnh Anh Kiệt chỉ chơi bóng đá phong trào, nhưng không ngờ đội cứ thắng liên tục để từ hạng ba TP HCM lên thẳng hạng nhất quốc gia.
Lỡ phóng lao nên ông phải bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư, sẵn sàng thưởng vài chục triệu đồng cho mỗi trận thắng, không thua gì các đội bóng của cả một tỉnh, thành. Ngoài ra, ông phải sửa chữa lại căn biệt thự để cho đội tập trung, đưa vợ con lên ở khách sạn...
Kết quả là khách sạn Khải Hoàn gồng mình trụ được hạng trong lần đầu tiên chơi ở hạng nhất quốc gia, nhưng mục đích kinh doanh không đạt hiệu quả vì khách sạn chỉ có vài chục phòng, nếu có quảng cáo thì cũng không đủ đáp ứng khách đến đông hơn.
Vì vậy ngay sau mùa giải, ông đã "gả" lại cho một ông bầu khác cũng rất mê bóng đá và từng chơi phong trào với mình trước đây. Thế là cuộc thương thảo thành công và đội bóng được bán đứt với giá bằng một mùa giải mà ông Kiệt đã đầu tư (khoảng hai tỷ đồng).
Sau lần đầu tiên tham gia giải hạng nhất quốc gia năm 2005, ông Phan Chánh Tâm (còn gọi là Ba Vạn, chủ các đội phong trào Vạn Chinh, Đá Mỹ Nghệ và nổi tiếng với nghề chơi đá quý ở TP HCM) đã háo hức đầu tư bằng cách đổ tiền để xây dựng lại sân bóng, nhà nghỉ cho các cầu thủ, thuê cầu thủ ngoại... Thậm chí, ông còn sắm cho đội một chiếc xe 50 chỗ ngồi gần 1,3 tỷ đồng để di chuyển. Nhưng sau gần hai mùa "biết đá biết vàng", ông Ba Vạn cũng nghẹn ngào rao bán vì không kham nỗi kinh phí nuôi đội.
Sau những thất vọng vì rớt hạng ở mùa giải 2005, lãnh đạo CLB Đông Á - Thép Pomina đã thương thảo và bán đội bóng cho ông Võ Quốc Thắng (Công ty Đồng Tâm) với giá gần 3 tỷ đồng. Đã có trong tay đội chuyên nghiệp Gạch Đồng Tâm - Long An thi đấu rất thành công, nhưng ông Thắng vẫn muốn mua đội hạng nhất này.
Dù nhiều lời ca ngợi ông muốn đùm bọc các cầu thủ cũ của Đông Á, nhưng ai cũng hiểu bóng đá là kênh quảng cáo hiệu quả để ông Thắng tung ra thị trường sản phẩm mới Sơn Đồng Tâm. Vì vậy ngay mùa sau, thương hiệu Đồng Tâm đã xuất hiện và bao phủ cả 3 mặt trận quốc gia (Ngói Đồng Tâm đã có trước đó ở giải hạng nhì quốc gia).
Sau mùa giải cũng gây tiếng vang với đội bóng mới và sản phẩm mới, ông Thắng đã bán lại đội Sơn Đồng Tâm với giá lời gấp 2-3 lần giá mua cho công ty xi măng Vinakansai ở tận Ninh Bình (thậm chí còn bán thêm tiền đạo Carlos Rodriguez với giá chuyển nhượng kỷ lục 70.000 USD). Đây cũng là cuộc mua bán mà ông Võ Quốc Thắng luôn nắm phần chủ động trong việc tạo lợi nhuận kinh doanh.
Nhưng trên đây chỉ là những cuộc kinh doanh tầm hạng nhất vài tỷ đồng. Khi CLB chuyên nghiệp Đà Nẵng được rao bán, nhiều đối tác tầm cỡ như Ngân hàng dầu khí toàn cầu, Tổng công ty tàu thủy Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thì giá trị đã được nâng lên trên 100 tỷ đồng.
Nhưng bù lại, họ sẽ được khai thác nhiều bất động sản như khu nhà ở, khu tập luyện, biệt thự chuyên gia cùng 20 ha đất đắt giá ở quận Liên Chiểu, Tuyên Sơn, Đà Nẵng. Dù cuộc thương lượng và ký kết vẫn chưa chính thức ngã ngũ, nhưng đội bóng đá đang là sản phẩm vô hình được nhiều doanh nghiệp nhắm đến để đầu tư, mua bán.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)