Chương trình tọa đàm "Chất liệu truyền thống may áo dài" vừa diễn ra vào sáng ngày 14/3 tại Áo dài Exhibition (quận 1, TP HCM), thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu và đơn vị hoạt động lĩnh vực văn hóa, du lịch. Nhiều nhà thiết kế áo dài; giảng viên, sinh viên các trường đại học và công chúng yêu áo dài cũng có mặt tại sự kiện.
Tại tọa đàm, nhiều tham luận giá trị đã đưa người tham dự khám phá hành trình phát triển của tà áo dài gắn với các chất liệu truyền thống từ những làng nghề dệt, cũng như sự biến đổi của áo dài theo thời gian để phù hợp với nhịp sống xã hội. Khách mời còn lắng nghe những chia sẻ về việc giữ gìn chiếc áo dài và vải lụa truyền thống: sự sống còn của các làng nghề dệt truyền thống từ Bắc vào Nam; cách lựa chọn chất liệu vải, họa tiết, kiểu dáng áo dài; giải pháp để tiếp tục lan tỏa tình yêu đối với chiếc áo dài trong giới trẻ...
Ban tổ chức chia sẻ, các hoạt động trên nhằm hướng đến mục tiêu bổ sung tư liệu, hồ sơ công nhận nghề may áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong tương lai gần.
Theo ông Hồ Xuân Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Dấu ấn Việt Nam (Vietnam Signature), đơn vị quản lý Bảo tàng Áo dài, sau thành công của hai tọa đàm "Lịch sử áo dài Việt Nam" và "Kỹ thuật cắt may, trang trí áo dài" tổ chức vào 2018, Bảo tàng Áo Dài đã tích luỹ nhiều tư liệu quý. Điều này giúp phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và xây dựng hồ sơ để đưa áo dài trở thành di sản văn hoá dân tộc.
Ông Hồ Xuân Dũng cho biết thêm, phát huy những thành công trên, Bảo tàng Áo dài tiếp tục tổ chức tọa đàm 'Chất liệu truyền thống may áo dài', nhằm bổ sung các tham luận, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về chất liệu truyền thống và vai trò của chất liệu trong kỹ thuật cắt may áo dài. Điều này sẽ giúp giới mộ điệu hiểu rõ và yêu quý hơn tà áo dài, góp phần bảo tồn áo dài như một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Đặc biệt, người tham dự được thưởng thức bộ sưu tập "Áo dài lụa Hà Đông" của NTK Vũ Việt Hà như một minh chứng sống động cho sự kết hợp hài hòa của chất liệu truyền thống trong cắt may áo dài hiện đại. BST thể hiện sự trân quý, giữ gìn và truyền nối của người Việt Nam đối với tà áo dài qua bao thăng trầm lịch sử.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Thuận - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng trong tham luận "Lụa phương Nam", kỷ yếu chất liệu truyền thống may áo dài. Theo đó, những tà áo dài lụa đã tạo nên hình ảnh thướt tha, ấn tượng, tạo được nét đặc trưng văn hóa Việt. Áo dài lụa trước đây chỉ dùng trong giới quý tộc, thượng lưu, nhưng đối tượng sử dụng lụa để may trang phục áo dài ngày càng mở rộng ra, không chỉ trong nước mà cả nhiều nơi trên thế giới... Chính các nhà thiết kế góp phần đắc lực để tôn vinh giá trị lụa Việt và đưa nó ra thế giới một cách dễ dàng, nhẹ nhàng nhất và hiệu quả thông qua những bộ sưu tập thiết kế thời trang áo dài lụa Việt.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động lễ hội áo dài TP HCM năm 2019, tọa đàm 'Chất liệu truyền thống may áo dài' là chương trình ý nghĩa, do Sở Du lịch phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, Bảo tàng Áo dài - Công ty cổ phần Dấu ấn Việt Nam tổ chức. Chương trình được tài trợ từ Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World.
Thư Kỳ