Gọi là "sang" thì không hẳn là "sang". Gọi là "bình dân" cũng quá lời. Cái gì đó lấp lửng ở giữa, và nhiều ma lực đối với số đông người nghe. Người thích thì cũng thích rồi. Có một dạo ngay cả những cao ốc sừng sững nhất của Sài Gòn cứ tua đi tua lại Tình em là đại dương, nghe đến buồn não lòng, nhưng không thể phủ nhận sự hấp dẫn của nó.
Người không thích cũng không phải là ít. Vừa không thích vừa công kích. Thế nhưng, người ta vẫn thuộc dăm ba câu, kiểu như Người yêu hỡi em có biết, anh nhớ em nhiều lắm.
![]() |
Ca sĩ Duy Mạnh. |
Duy Mạnh đã biết đến với một tư cách nhạc sĩ từ lâu. Viết cho khá nhiều ca sĩ hàng sao hát. Cho đến phiên anh hát thì rộ lên như một hiện tượng. Nhanh đến nỗi chính anh cũng không biết mình đã nổi tiếng. Bởi những bài hát có đề tài khá khác biệt: Chuyện bài trừ ma tuý, cờ bạc, trộm cắp... được anh mang vào âm nhạc với cách diễn đạt khá hô hào và đại chúng: Xin hãy tránh xa kiếp đỏ đen.
Điềm tĩnh đến độ gây khó chịu cho người những người thích châm chích. Mạnh tạo được một phong cách riêng trong các tình huống trả lời "chất vấn". Còn nhớ khi bị vặn vẹo chuyện "Nhạc Việt sao lại Tàu thế", Mạnh lại gợi chuyện biết bao nhạc sĩ "học tập" theo phong cách phương Tây sao chẳng hề bị "sờ gáy", bởi những câu hỏi đại loại như thế. Huống hồ ngũ cung không chỉ của riêng Trung Quốc. Huống hồ âm nhạc phát triển của Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Thái Lan... cũng cùng một kiểu như vậy.
Duy Mạnhh nói: "Nghệ sĩ Việt Nam có học tập văn hoá ngoại bang đến đâu cũng không hiểu bằng chính người bản xứ". Anh có thể chơi jazz rất tốt. Nhưng rồi anh sẽ run tay trước những nghệ sĩ jazz nước ngoài sang "so kè", biểu diễn chung. Bởi dù thế nào, jazz cũng không phải là máu của anh, gốc của anh, thuộc về anh.
Thế nên, làm cái gì gần gũi với mình hơn. Thế tại sao nhạc buồn vẫn cứ được ưa thích, trong khi ai cũng muốn bài trừ nhạc ủy mị. Mạnh nhắc về gốc cải lương, chầu văn. Âm nhạc của nhân dân đi ra từ nhu cầu và tâm hồn của nhân dân.
Với Lời sám hối, âm thanh có thêm phần tiếng kèn đám ma nghe não nề ở phần đầu, cũng là một dụng ý cho một cái chết được báo trước - cái chết trắng. Nói vậy, nghĩa là âm nhạc của anh không hề đơn giản. Và vì thế Mạnh thẳng thắn không thích những câu hỏi cứ xoay quanh chuyện sang hèn của âm nhạc. Sao không ai tính đến hiệu quả của nó, nhất là khi nó được chấp nhận rất rộng rãi trong công chúng.
Tiếp xúc mới thấy Mạnh không hề xuề xoà trong âm nhạc. Cũng là lượt quần này, áo nọ, cũng "đồ hiệu" đắt tiền. Cũng ra dáng ngôi sao. Mạnh được mời đến chụp hình từ sáng. Và lần đầu tiên có một ca sĩ chuẩn bị kỹ càng cho một buổi chụp mà còn đến sớm hơn người chụp.
Gọi là Mạnh "Kèn" vì ấn tượng của đoạn video clip của anh trong phim Đẻ mướn, chúng tôi đề nghị Mạnh thổi kèn. Rồi giữa rất đông hàng quán, Mạnh vô tư thổi. Nâng lên hạ xuống.
Mạnh nói, anh không chỉ có những bài hát "hô hào" với đề tài xã hội. Mạnh vẫn viết nhạc tình, vẫn có thể nói xa xôi những nhớ nhung bên cạnh cách trực diện vào những lời cảnh tỉnh, cho dù thế nào, cũng là điều đáng mừng, góp thêm sự phong phú cho âm nhạc đang bị vết nghĩ: "Nghe nhạc Tây mới là người hiện đại".
(Theo Điện Ảnh Kịch Trường)