Cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh là nơi cung cấp lễ ăn hỏi nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: Linh Phạm. |
Cô dâu Ngọc Anh và chú rể Duy Thái chia sẻ với độc giả Ngoisao.net về quá trình chuẩn bị cho đám hỏi và những khó khăn mà họ gặp phải. Vì phải tự mình chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới nên Ngọc Anh và Duy Thái chi tiêu tính toán và rất tiết kiệm. Bản thân cô dâu và chú rể cũng phải tự tay đi chọn đồ lễ ăn hỏi và tự tay gói đồ để tiết kiệm chi phí.
Việc xem ngày giờ thông thường sẽ do nhà gái quyết định. Có thể hai bên gia đình sẽ thống nhất trong ngày chạm ngõ hoặc có thể thông qua hai con để bàn bạc và quyết định ngày giờ đám hỏi. Lễ đám hỏi ngày nay không còn nhiều thủ tục rườm rà như trước đây nhưng cũng không thể bỏ qua bước cơ bản, đó là mang lễ vật đến nhà gái để đặt vấn đề xin cưới.
Số lượng lễ hỏi cưới phụ thuộc vào yêu cầu của nhà gái. Có nhà yêu cầu 5 lễ, 7 lễ, hay 9 lễ nhưng cũng có nhiều nhà đòi hỏi nhiều hơn. Thông thường, các lễ không thể thiếu là trầu cau, chè, rượu và thuốc, phong bì, bánh cốm, bánh phu thê, lẵng quả... Việc chuẩn bị lễ có thể giao trực tiếp cho cô dâu và chú rể nếu họ có khả năng chi trả và muốn tự tay chuẩn bị cho đám cưới. Gia đình Ngọc Anh hiểu những khó khăn của đôi trẻ nên chỉ yêu cầu 5 lễ, bao gồm trầu cau, rượu và thuốc, chè, bánh cốm và lẵng quả, không yêu cầu các con phải đi phong bì.
Chuẩn bị người bê lễ và nhận lễ, Ngọc Anh huy động toàn bộ bạn bè thân quen vì chú rể đã "có tuổi" và bạn bè thì đã lập gia đình hết. Nhiều đôi khác sẽ lựa chọn thuê toàn bộ từ cửa hàng chuẩn bị lễ ăn hỏi nhưng vợ chồng Ngọc Anh muốn tiết kiệm để dành cho các mục khác. Tuy vậy, vẫn cần lên danh sách cụ thể những người tham gia đỡ lễ, thêm một vài người trù bị và liên hệ kỹ càng để đến ngày quan trọng không bị bối rối. Bạn cũng nên sắp xếp một ngày để đi thử áo dài cho những người đỡ tráp.
Bản thân chú rể nên chủ động chuẩn bị xe cho nhà trai và đội bê tráp, chuẩn bị thợ chụp ảnh còn cô dâu sẽ lo về người trang điểm cho bản thân và mẹ. Người phát biểu tại lễ ăn hỏi thường là bố chú rể còn người đứng ra giao lễ cho nhà gái là mẹ chú rể. Kết thúc buổi lễ ăn hỏi, nếu gia đình nhà trai ở xa, nhà gái thường mời ở lại, ăn bữa cơm thân mật, chúc phúc cho đôi trẻ và bàn bạc thêm về lễ cưới sắp tới. Còn với các gia đình ở gần, thì mỗi gia đình thường tự đặt cỗ, mời họ hàng đến dự lễ ăn hỏi ở lại chia vui.
* Mời các bạn độc giả hoặc các cửa hàng chia sẻ về kinh nghiệm ăn hỏi, các đồ lễ cần chuẩn bị hay những kỷ niệm khó quên trong ngày ăn hỏi bằng cách gửi bình luận ở dưới bài. Những ý kiến hữu ích, thú vị sẽ được tổng hợp thành bài viết riêng.
Thái An