Tôi gắn bó với Tây Nguyên như một định mệnh. Năm 1964, khi tốt nghiệp trung cấp violoncello trường Âm nhạc Hà Nội (nay là Nhạc viện Hà Nội), tôi được phân công về đoàn văn công Tây Nguyên và ở lại đó 2 năm. Cái nắng, cái gió, cây cà phê và cảm màu đất đỏ bazan của vùng đất hoang sơ này đã quyến rũ tôi.
Năm 30 tuổi, tôi trở lại Tây Nguyên. Sau nhiều năm sống trong cái chật chội và ngột ngạt của Hà Nội., tôi đi giữa những con đường trải dài ngút mắt màu xanh của cà phê và cao su mà tâm hồn phấn chấn và dâng đầy cảm xúc.
Chuyến đi Tây Nguyên 8 tháng ròng ấy đã để lại chùm ca khúc H'zen lên rẫy, Ơi M'đrăk, Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. |
Vào một buổi chiều rất đẹp khi mặt trời vừa xuống núi, tôi đang thơ thẩn đi bộ bên đường thì gặp một cô gái độ 16-17 tuổi. Cô gái mang gùi trên lưng, chắc đi làm rẫy về. Nhớ tới mấy câu Y Moan dậy, tôi hỏi bằng tiếng Ê đê: "Em đi đâu đấy?". Cô gái nói một tràng tiếng Ê đê. Hết vốn, tôi đành buột miệng hỏi: "Em có nói được tiếng Kinh không?". Cô gái gật đầu. Cô tên là H'zen. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ suốt cả đoạn đường.
Con đường quốc lộ một bên là là ngút ngàn cao su, một bên là bạt ngàn cà phê và vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của người con gái Tây Nguyên như bông hoa rừng đang tỏa hương gây cho tôi cảm xúc mạnh. Đêm ấy, tôi viết ngay ca khúc H'zen lên rẫy: "Em đi tỉa bắp, hay hái rau rừng, đôi khi em hát".
Sau đó 6-7 năm, tôi cùng nhạc sĩ Cát Vận và Chu Minh có dịp đến một huyện của Đăk Lăk. Ông bí thư huyện ủy giới thiệu tiết mục là bài dân ca Ê đê Đong đen. Ai ngờ từ "Đong đen" lại là "Đung đưa". Đung đưa, đung đưa, chiếc gùi đung đưa... mở đầu bài hát H'zen lên rẫy như thế nên người ta gọi là bài dân ca Đong đen.
24 năm sau tôi trở lại huyện K'Bang (Gia Lai). Lại nghe một tiết mục văn nghệ giới thiệu là bài dân ca Ba Na, hóa ra cũng là H'zen lên rẫy, sau mới biết, bà con dân tộc tự đặt lời cho bài này và biến nó thành dân ca.
Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột lại ra đời từ nhiều nguyên cớ. Tôi đến Tây Nguyên đúng mùa mưa. Trên con đường xưa, gặp lại người bạn cụ... Câu chữ và giai điệu kéo nhau ùa đến: "Gặp lại em, mùa mưa con đường xưa đây rồi..." Sau này có người hỏi, phải có "em" cụ thể nào thì mới viết được. Tôi nói rằng 10 năm sẽ kể hết vì bây giờ còn có vợ con, tôi không muốn xúc phạm đến người vợ của mình.
Chuyện tình yêu một thời tuổi trẻ làm sao không có. Tôi đã "ba cùng" với các đoàn văn công, toilet rừng, tắm suối. Phải sống thế nào mới viết được "Em cao nguyên cỏ dại" chứ! Nói chung là phải có kỷ niệm. Khi có kỷ niệm, con chữ sẽ ra ngay. Để có đời sống ngồn ngộn trong ca khúc thì phải sống rất sâu.
Nguyễn Cường
(Theo Thế Giới Văn Hóa)